Xương cốt biển nén vào trang viết, dốc tuột mình chưa cạn nỗi đau... Sóng Văn vỗ trắng trên đầu! (Nguyễn Thế Kiên)
Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011
TRUYỆN GIỜ MỚI KỂ
Ngày ấy toàn quốc vẫn còn tổ chức thi tốt nghiệp THCS, mà lại thi chung 3 trường một hội đồng. Hội đồng thi đặt ở trường mình. Bộ chủ trương thi nghiêm túc.
Đã là nghiêm túc thì mọi công việc phải thật chỉn chu. Mình lo toát mồ hôi lo cơ sở vật chất (năm ấy trên cho mỗi thành viên năm chục nghìn mỗi ngày, ngày ấy được năm chục nghìn là to lắm chứ chả như bây giờ) lo sang bên xã xin cử người làm công tác bảo vệ, lo bảo mật đề thi…rất nhiều thứ phải lo. Rồi cũng xong.
Ngày đầu tiên hội đồng thi học quy chế. Buổi trưa có liên hoan. Vui vẻ lắm.
Hai giờ chiều Hội đồng tiếp tục công việc. Rồi thấy có hai đồng chí Công An Nhân dân đến làm việc.
Mình bận làm việc với Hội đồng nên bảo Hiệu Phó sang tiếp các đồng chí Công an.
Lát sau Hiệu phó chạy sang bảo Công an đến kiểm tra công tác bảo vệ kì thi. Người ta yêu cầu anh sang làm việc.
Mình đành phải sang tiếp. Các đồng chí Công an nghiêm nghị đề nghị báo cáo công tác bảo vệ.
Mình trình quyết định thành lập Ban bảo vệ và báo cáo toàn bộ phương án.
Các đồng chí Công an không cần xem tờ quyết định, ra ý đã biết rồi… và tự dưng đặt vấn đề: Yêu cầu phải triển khai ngay công tác phòng chống ma túy trong năm năm mà liên Sở mới bàn ngày 22/5.
Rõ dớ dẩn! Bắt Hội đồng coi thi triển khai phòng chống ma túy năm năm(!)
Mình bảo: Đây là Hội đồng thi nên làm việc theo đúng chức năng Hội Đồng theo quy chế. Còn triển khai phòng chống ma túy chúng tôi sẽ triển khai với nhà trường sau khi thi. Vả lại học sinh các lớp dưới đã nghỉ hè. Đến khi tập trung chúng tôi sẽ triển khai.
“Vậy thầy không triển khai phòng chống ma túy chứ gì”- Một Công an gằn giọng.
Mình nhẹ nhàng nói: “Chủ trương chỉ thị nghị quyết của trên thì chúng tôi buộc phải chấp hành. Nhưng phải khi thi xong chứ không thể triển khai ở Hội đồng thi vì như vậy vi phạm quy chế.”
“Vậy chúng tôi sẽ lập biên bản là Hiệu trưởng nhà trường không đồng ý triển khai công tác phòng chống ma túy.”
Mình bảo: Được các anh cứ lập biên bản là đã yêu cầu nhưng Hội đồng thi không triển khai công tác phòng chống ma túy. Bởi vì hôm nay các anh đến là đến Hội đồng coi thi của ba nhà trường chứ không phải là đến nhà trường của xã. Và tôi hôm nay có chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng coi thi theo quyết định kí ngày 20/5.
Bọn họ nhìn mình với ánh mắt mang hình viên đạn và đành ra về sau khi dọa rồi sẽ biết…
Mười ngày sau mình được triệu tập lên trụ sở Ủy ban.
Ba đồng chí Công an huyện quân hàm quân hiệu chỉnh tề sát khí đằng đằng cùng chánh phó Chủ tịch HĐND, Ủy ban nhân dân, an ninh nhân dân… khoảng gần chục vị.
Bên mình chỉ có mỗi mình mình. Người ta có mời mấy ông lãnh đạo Phòng Giáo dục nhưng chắc mấy ông này sợ quá nên không có mặt.
Thành thử chỉ mỗi mình đơn thương độc mã đấu khẩu với các đồng chí Công an. Các ông lãnh đạo xã chỉ ngồi nghe vì không biết đầu cua tai nheo ra sao.
Đầu tiên Công an gán cho tội không chấp hành chủ trương của cấp trên và nâng quan điểm…Đại khái là rất dài và kết luận mình ngang tầm phản động, phá hoại an ninh quốc gia và sự lành mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Mình cãi lại và kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình đến cùng có bằng chứng cẩn thận.
Đấu khẩu suốt cả buổi sáng mà không ngã ngũ vì bên họ cứ cãi cùn gán cho mình tội không triển khai phòng chống ma túy…
Đến gần mười hai giờ trưa tay Phó Công an huyện kết luận: “Việc này chúng tôi sẽ báo cáo lên Sở để quyết định kỷ luật.”
Mình nói ngay: “Đề nghị các đồng chí báo cáo luôn lên Bộ, lên Chính phủ… có khi tôi lại được nhận Huân chương.”
Và mình về! Rồi cũng không thấy ai nói gì nữa. Nhưng cũng lo người ta báo cáo láo lên trên thì công thành tội thật chứ chả chơi. Chả nhẽ lại lên cấp trên ngồi đấu khẩu…
Hôm sau ông Chủ tịch xã nói với mình: “Chả việc gì đâu. Chỉ vì kỳ thi này tiêu chuẩn bồi dưỡng cao, xã không đưa họ vào Ban bảo vệ kỳ thi để có tiêu chuẩn năm chục một ngày nên tức tối lắm. Rồi họ mới giở trò kiểm tra Hội đồng thi… Đến đấy lại tức với thầy vì khi họ đến kiểm tra… thầy không đưa phong bì!” Đọc thêm!
Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011
PHẢN ĐỘNG
Hắn bảo “Tao thôi cái nghề đóng đinh leo thang cho xã mấy năm rồi. Chứ tức lắm đếch chịu được!” Mình hỏi: “Sao lại tức?”
- Thì ông bảo đời người bị ba lần gán cho là phản động thì gì mà không tức. Mà ông biết đấy. Tao trong sạch đàng hoàng…
- Làm cái gì để đến nỗi bị gán là phản động… mà lại những ba lần?- Mình tò mò.
Hắn thật thà:
- Để tao kể: Lần thứ nhất, lâu rồi. Ngày ấy ông lạ đếch gì nữa…
- Cái lần bị bắt ở đám ma chứ gì?
- Ừ lần ấy đấy. Tại con vợ tao nó đi báo Công an. Vậy là an ninh xã đến bắt quả tang chúng tao đang đánh tá lả ăn tiền ở đám ma ông bác ruột. Thì ông tính trực phụng suốt đêm nên mới bày ra tá lả, cũng có mấy đồng… gọi là vui chơi có thưởng ấy mà. Chúng nó vơ hết, hôm ấy tao mất mấy chục bạc. Đau quá… nhưng đau hơn là còn bị quy là phản động…
- Thế cũng là đánh bạc. Bị bắt là đúng rồi. Nhưng sao lại bị quy là phản động?
- Thì thế mới đáng chửi bố chúng nó lên. Tiền thì chúng nó nuốt hết, tao bị gọi lên ban công an. Tay Phó Chủ tịch kiêm trưởng Công an bảo anh có biết tội anh không?
- Thế rồi sao?
- Thì tao nói biết tội là đánh bạc rồi. Nghĩ tức con vợ cõng rắn cắn gà nhà. Định bụng xong việc này ông sẽ tẩn cho một trận. Nhưng tay Phó Chủ tịch lại lên gân lên cốt bảo tôi nói cho anh biết anh đã vi phạm điều 76 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam(!)
- Sao lại điều bảy sáu?
- Thì thế! Lúc bấy giờ tao có biết điều bảy sáu thế nào đâu. Mình có tội thì điều nào chả là tội. Chỉ nghĩ đơn giản vậy. Đành phải cắm cổ mà nhận tội. Sau đó về tìm mãi mới mượn được quyển Hiến Pháp. Thì ra thằng chó chết nó gán cho mình tội phản bội Tổ quốc(!) tức quá ra Ủy ban chửi toáng lên: lũ chúng mày ngu, lũ chúng mày gắp lửa bỏ tay người…ông đã làm gì mà gán cho ông tội tày giời như vậy. Thằng Phó Chủ tịch im thin thít.
À thì ra để có lý lẽ dọa dẫm người ta, mấy tay cán bộ xã hay viện dẫn điều nọ điều kia trong hiến pháp, nghị quyết… nhưng thực ra bọn họ có đọc gì đâu. Những người bị bắt thường thần hồn nát thần tính cũng chưa bao giờ đọc hiến pháp pháp luật nên khi nghe dọa vậy thì sợ vãi đái đành cúi đầu nhận tội. Nhưng vớ phải hắn chẳng phải tay vừa nên mới to chuyện. Hôm ấy hắn chửi toáng ở Ủy ban, người đến xem đông lắm…
- Để tao kể tiếp. Có thằng thanh minh là nhỡ mồm nói nhầm, tao chửi luôn làm gì có chuyện nhầm…Nhầm giết người, nhầm mà lại ghi vào biên bản…làm gì có chuyện nhỡ mồm, nhỡ mồm để gán cho người ta tội chết…Bọn nó lại giở trò cho an ninh túm tay túm chân bảo là tao gây rối trật tự trị an kích động chủ trương bạo loạn lật đổ chính quyền. Rồi thế nào ông cũng biết rồi đấy. Mọi người phản đối ầm ầm bảo chúng nó là dốt lại còn vẽ chuyện… tao chửi cho cũng phải. Vậy là chúng bẽ mặt quá đành phải thả tao ra.
Mình biết sau lần ấy cánh cán bộ xã tức lắm nhưng cũng không làm gì được hắn. Nhưng sao lại những ba lần phản động? Đoán được thắc mắc của mình hắn tưng tửng kể tiếp:
- Cách đây mấy năm xã chuẩn bị đại hội Đảng lần trước mới cho sửa lại hội trường. Tao được nhận cái việc trang trí sân khấu. Cũng chả ăn thua. Ông tính hội trường mái chảy, phía trên của sân khấu treo khẩu hiệu: “Đảng Cộng sản Việt Nam muôn năm”.
Làm xong rồi mấy tay lãnh đạo đứng ngắm nghía bình luận. Đúng là một đám rỗi việc, tao đã tức lắm nhưng cố nhịn. Một tay bảo “Khẩu hiệu còn thiếu” Tao hỏi thiếu cái gì? Nó bảo “Thiếu chữ quang vinh”. Vậy là cả đám nhao nhao: Đúng rồi. Thiếu Quang vinh. Đảng ta mà thiếu Quang vinh là không được. Giời ạ! Chưa hết. Chúng nó còn bảo mảng phía trên khẩu hiệu còn trống quá. Phải vẽ cái gì vào đấy chứ ai lại để trắng lôm lốp phía trên khẩu hiệu của Đảng…không thể được.
- Thế ông phải dỡ xuống làm lại à?
- Thì dĩ nhiên. Chả nhẽ Đảng mà lại không quang vinh. Vậy là lột hết chữ cũ, làm lại chữ mới. Công một kéo thành hai. Coi như không công.
- Nhưng sao lại bị gán là phản động?
- Vấn đề là như thế này: thấy góp ý mảng phía trên trống quá… tao trổ hết tài vẽ một búa liềm chính giữa cái mảng trống ấy. Xung quanh búa liềm có hai cành nguyệt quế tượng trưng cho Đảng ta bách chiến bách thắng.
Vẽ xong xuống ngắm nghía thấy đẹp lắm và cũng tự thán phục cái ý tưởng của mình. Nhưng ai ngờ…
- Ngờ làm sao?
- Chúng nó bảo tao là phản động.
-???
- Vì chúng nó bảo sao lại để búa liềm trong hai bông lúa còn xanh mà hạt thì lép lèm lẹp(!), để trong hai bông lúa còn xanh hạt còn lép tức là bắt dân bán lúa non à… phải là lúa mẩy chín vàng mới được. Và ý đồ phản động còn lộ rõ trong việc đưa biểu tượng cao quý của Đảng vào giữa hình tam giác.
- Nhà mái chảy thì cái phần còn lại phía trên sân khấu chả hình tam giác thì hình gì?
- Ông chả hiểu đếch gì cả. Chúng nó lập luận là hình tam giác là hình cái ấy ấy… mà lại đưa Đảng vào giữa cái ấy ấy… thì đích thị là bôi nhọ Đảng, là phản động.
Giời ơi! Suy với chả luận. Nhưng miệng quan có gang có thép thì biết thế nào mà chống chế. Kể cũng oái oăm. Vậy lần phản động thứ ba? Mình hỏi.
- Lần thứ ba. Đấy là khi trang trí lễ đài Đại Hội mình phải vẽ đầu ba ông Các Mác, Ăng ghen, Lê nin trong một cái hình ôvan. Phải đi lên huyện mới mượn được cái mẫu. Cặm cụi vẽ sơn dầu bốn ngày mới xong chắc mẩm kiếm được vài trăm
Đến khi đại hội trù bị thấy mấy ông lãnh đạo thì thầm với nhau. Rồi tao bị gọi lên Công an. Chả biết bị gọi về việc gì.
Đến đấy thấy tay Phó Bí thư, tay Phó Chủ tịch, trưởng Công an đã ngồi sẵn. Đầu tiên tay Phó Bí thư hỏi anh vẽ cái gì ở Đại hội. Tao trả lời: các ông bảo vẽ ba ông Mác- Ăng- Lê thì tôi vẽ ba ông Mác- Ăng- Lê. Tay Phó công an bảo lấy mẫu ở đâu. Tao bảo mẫu ở huyện. Tay Phó Chủ tịch bảo chúng tôi họp huyện nhiều lần nhưng thấy ba ông Mác- Ăng- Lê khác cơ. Tao bảo tôi kẻ ô trên mẫu vẽ nghiêm chỉnh ai cũng bảo là giống như ở huyện sao các ông lại bảo khác. Các ông ấy bảo Thường vụ đã đi đến nhất trí nhận định là không giống.
- Lại còn sự nhất trí của thường vụ nữa khẳng định là không giống?
- Thì thế! Thì thế tao mới điên lên: Cả tôi cả các anh đã anh nào trông thấy ba ông ấy mà bảo giống với không giống. Vậy các anh bảo giống ai?
- Thế các ông ấy bảo giống ai?
- Các ông ấy bảo giống thánh Phê-rô với thánh Giu-se(!) Tao vã mồ hôi hột. Chết rồi! Rồi các ông ấy gán cho tao cái tội lợi dụng để tuyên truyền cho tôn giáo. Phản động đích thực! Kiểu này cầm chắc đi tù. Rồi các ông ấy cũng tha cho. Nhưng toàn bộ công làm hàng tháng giời là công cốc.
Mình nghĩ: cũng còn may chán. Hắn bảo:
-Từ hồi ấy là tao cạch. Đói thì kiếm việc khác mà làm…Dính vào mệt lắm đi tù như chơi. Có rượu không? Bồi dưỡng tao một chén! Đọc thêm!
Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011
RUN
Y đang làm việc. Chợt có hai người đàn ông đến. Thì mọi khi vẫn có người đến. Họ đến để bán hàng. Nào là Hội người mù, Hội tàn tật, hội mồ côi, hội da cam... Từ khi Nhà trường biến thành Thị trường thì có đủ các Hội từ thiện cử người đến để bán hàng. Chỉ có điều những hội ấy, người ta đến với một vẻ mặt u ám, một hình thể cũ kỹ do bệnh tật hoặc cố tình ra vẻ như vậy. Nhưng lần này là hai ông khách khỏe mạnh, phong độ hùng dũng, cái nhìn xét nét cùng với bước chân tự tin. Họ chìa tay ra, vừa giật giật bắt tay y vừa hỏi thăm sức khỏe.
Hoảng! Y đang ốm mà có người đến hỏi thăm sức khỏe? Chả hiểu ra làm sao? Đáng ra phải cảm động vì có người hỏi thăm. Nhưng đây là người lạ hỏi thăm nên hoảng.
Sau lời hỏi thăm là lời tự giới thiệu: chúng tôi bên Công an!
Y run như người sốt rét... Nghe tiếng Công an là y run. Run vì ngày xưa y có viết một truyện ngắn dự thi cấp trung ương, truyện ngắn ấy được giải thưởng, nhưng lại bị công an cấp quê hương quy cho là có âm mưu chống phá và đã được người ta theo dõi chăm sóc tận tình suốt mấy năm giời... Làm y đi đến đâu cũng phải cảnh giác, làm gì cũng phải cảnh giác... đến mức ngủ với vợ mà y vẫn giật mình. Tưởng đã yên thân vì chuyện đã qua lâu rồi, ai ngờ hôm nay công an vẫn còn đến hỏi thăm sức khỏe.
Y tự kiểm điểm: Mình không ăn cắp ăn trộm, mình luôn đi đúng bên phải đường, mình không dính dáng ma túy, mình không mat- xa nhà nghỉ, mình cũng chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện giết người... Viết cái gì, nói cái gì cũng phải cẩn thận trước sau... Vậy mà... Lại chuyện gì nữa đây? Hay là có đứa nào vu khống... Chết rồi. Không khéo đền được vạ thì má đã sưng.
Hồi hộp chờ...
Hỏi thăm xong, hai ông khách bảo để tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Học tập Đạo đức ..." và cần nêu cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ giáo viên...
Y thở phào: Đúng rồi! Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức..., hai chủ đề này đang được triển khai nghiêm túc. Nhà trường của y cũng vậy. Nhưng...
Hai ông khách chìa ra cái giấy của Công an huyện: yêu cầu phải... mua vé... xem kịch (!)
Y định thần lại và phân trần: hai cuộc vận động là thiết thực nhưng sao lại gắn cuộc vận động với việc phải mua vé xem kịch.
Hai ông khách giải thích khá lâu. Đại thể để đến kết luận: Nếu không mua vé là không học tập đạo đức... và không chấp hành pháp luật? Bởi vì đây là cuộc giao lưu trong cuộc vận động. Giao lưu để hiểu thêm, để mở mang...
Y hỏi lại giao lưu tuyên truyền học tập sao lại mất tiền mua vé. Có nhẽ nào lại vậy?
Anh không mua cũng được! Nhưng chúng tôi sẽ về báo cáo lại với cấp trên! Khách lạnh lùng tuyên bố như vậy trước khi ra về.
Lại hoảng! Lại lo! Y run như người sốt rét. Mồ hôi vã ra: Chắc người ta lại gán cho cái tội chống phá...
Rồi lại được theo dõi chăm sóc... Rồi làm việc gì cũng phải cảnh giác...
Giời ơi! Có ai khổ như y không? Đọc thêm!
Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011
KIÊN TRÌ ĐƯỜNG LỐI
- Tớ vừa tế cho đàn bà nhà tớ một trận. Im thin thít nhá!
Quả là có sự lạ. Thằng này sợ vợ có tiếng. Mình bảo: “Lại bốc phét! Có mà dám.”
Hắn trợn mắt:
- Sao lại không dám. Tao vừa phải tắm rửa, thay quần áo đây này.
Mình thấy hắn đầu vẫn còn ướt rượt. Nhưng tắm rửa thay quần áo thì liên quan gì đến việc “tế cho vợ một trận mà vợ lại im thin thít”
Hắn giảng giải:
- Tao có cái tật cứ ăn xong cơm, uống nước xong là phải ỉa ngay! Thế mới khốn nạn. Tao đã đếm bước rồi… từ chỗ ăn cơm đến nhà vệ sinh đúng hai mươi nhăm bước…
- Rồi sao?
- Nhưng hôm nay con vợ tớ nó hứng tình hay sao ấy. Cơm xong nó bảo anh vào nhà mà hút thuốc lào. Mọi hôm nó cứ chê hút thuốc lào mồm hôi như mồm chó…
- Ôi giời. Tưởng chuyện gì…
- Để im tao kể tiếp: tao nghe lời vợ vào hút thuốc lào. Rồi ỉa mẹ nó ra quần…
Đến chết cười với cái tay này. Nhưng nếu mót quá thì vào nhà vệ sinh mà ỉa chứ sao lại ỉa ra quần?
- Tại vì từ chỗ hút thuốc lào đến nhà vệ sinh những hai tám bước. Sang bước thứ hai sáu là đếch kìm được nữa.
- Nhưng sao lại chửi vợ? Tại ông chứ tại nó à?
- Sao lại tại tao? Tại con vợ tao nó xui dại! Vì nghe nó nên mới ỉa ra quần. Cho nên tao rút ra kết luận là dứt khoát không nghe vợ. Phải kiên trì đường lối… Đọc thêm!
Thứ Sáu, 15 tháng 7, 2011
NƯỚC MÌNH NÓ NHƯ THẾ:...
- Ơ cái lão này… sao lại bảo tớ ở nước tư bản. Tớ đã làm cái gì xấu xa à?
- Xấu thì đéo xấu… Dưng mà ảnh hưởng tới bạn bè. Ảnh hưởng đến tao, đến uy tín của tao. Đồ ngu, mày có biết không?
Thôi! Không chấp với thằng say. Hắn say, hắn bức xúc nên nói càn. Nhưng mà tức! Tức vì nó bảo mình hâm, mình ngu, mình lạc loài. Ừ thì có thể mình có lúc hâm thật, ngu thật nhưng sao lại bảo mình lạc loài...Càng nghĩ càng tức.
Mình không nói nữa, hắn cũng phủi đít… về! Nhưng mình biết thằng này không bao giờ bỏ mình. Hết say là lại đến ăn năn ngay ấy mà.
Quả nhiên hôm sau hắn lại đến. Nhưng không đả động gì cái chuyện hôm trước. Trông thấy cái bản mặt của hắn thì mình lại nổi cơn tức. Tức vì nó bảo mình chỉ có thể sống ở nước tư bản giãy chết. Mình đang hiện hữu trong chế độ Xã hội chủ nghĩa ngời ngời, mình liên tục được bình bầu vào loại trong sạch hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nó nói thế nhỡ người ngoài nghe được tự dưng người ta đánh dấu hỏi hay là mình khuất tất điều gì! Đã vậy phải hỏi cho ra nhẽ.
- Sao hôm trước ông lại chửi tớ là hâm, là ngu. Bảo tớ là thằng lạc loài, là thằng chỉ có thể sống ở nước tư bản giẫy chết?
Hắn trầm ngâm một tí rồi bảo:
- Tao chửi đúng đấy!
Lạ! Vậy ra mình có lỗi thật! Vậy ra hắn sang đây chẳng phải để dàn hòa về cái chuyện chửi mình hôm trước. Nhưng cơn cớ sự thể ra sao mình đâu có biết. Hắn lại ngồi im nhưng chưa được nửa phút đã phọt ra:
- Ông có nhớ hôm vừa rồi tao đưa cái thằng xin cho con vào học không.
Tỉnh rượu rồi có khác, bây giờ hắn đã chuyển sang xưng hô tao ông với mình.
- Để tớ nhớ lại tí đã... Nhưng mà xin cho con vào học là chuyện bình thường. Quyền của trẻ là được học mà. Nhất là nó lại chuyển hộ khẩu về đây.
- Như vậy là nhớ ra rồi đấy. Có phải là nó đưa phong bì cho ông…?
Quả thật có điều này. Và cũng như mọi lần, mình không nhận phong bì. Vị phụ huynh này băn khoăn… rồi không thấy đem hồ sơ đến nữa. Đấy câu chuyện chỉ có thế. Tôi kể lại với hắn như vậy.
- Thế thì đúng rồi! Hắn vỗ đùi.
Mình hỏi: sao lại đúng. Hắn bảo: “Thằng ấy nó xin con học ở trường bên cạnh rồi.”
Mình lấy làm lạ. Giá mình có nhận tiền nong của người ta hay mình gạ gẫm chê ít chê nhiều…thì đành một nhẽ. Bởi vì như thế thì còn dạy được ai, hắn chửi cho cũng phải. Đằng này mình không làm điều gì sai trái, không nhận tiền, vẫn đồng ý tiếp nhận học sinh…? Người ta không cần nữa thì là quyền của người ta.
Hắn đoán được mình đang nghĩ gì. Thằng này quái lắm! Hắn bảo:
- Đấy! Mấu chốt là ở chỗ ông đếch nhận tiền! Nên nó mới chuyển sang trường khác xin cho con nó vào học.
-Vì sao?
-Vì hai lý do…
-?
- Lý do thứ nhất: Vì trường ông dạy dỗ không tốt! Nó nói vậy…
Mình điên lên:
- Sao họ lại nói như vậy? Thực tế chất lượng dạy và học ở chỗ mình hơn hẳn cái nơi mà thằng kia đang xin chuyển đến. Ông cũng biết rõ điều ấy mà!
- Tao biết! Tao biết… Nhiều người biết… Chính vì thế mà tao mới bảo xin cho con nó về học trường ông. Nhưng thằng này nó không tin.
- Sao lại không tin?
- Vì nó cho đấy là sự lạ. Làm gì có chuyện một trường tốt lại dễ xin vào đến vậy, lại không phải tiền nong gì… Nước mình nó như thế, thành lệ rồi: xin xỏ, làm việc gì mà không có đồng tiền đi trước? Vậy cho nên nó mới bảo nếu không vậy thì còn bởi lí do thứ hai…
- Là gì?
- Là ông hâm hấp. Chả ai lại cho con học thằng hâm để rồi lại lây cái hâm…
- Tôi đã làm gì sai mà bảo tôi hâm.
- Không nhận tiền là hâm. Từ tít trên giời cao đến cấp thấp nhất các lãnh đạo ngời ngời đạo đức nhưng có mấy người không nhận tiền…các quan ông không nhận thì các quan bà cũng nhận. Không có thì lấy đâu ra mà đất đai hàng mẫu, biệt thự nọ biệt thự kia, ô tô nhớn ô tô bé, con cái du học ăn chơi, các bà bơm mông bơm vú…
Mình ngớ người. Thật chả ra làm sao…
- Ơ hay… ngay cả phim ảnh, báo chí người ta cũng công khai thừa nhận cái điều ấy. Ông không xem à?
Mình phải thừa nhận là quả có thế thật.
Hắn thủng thẳng:
- Vậy tao mới bảo là ông ngu, ông hâm, ông lạc loài. Thà rằng cứ cầm tiền… được ăn được nói… để bây giờ tao còn được hớp rượu. Chán mớ đời cho nhà ông, chơi với ông cứ tức anh ách… Thôi tao về đây!
Rồi hắn về thật… Đọc thêm!
Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011
THẮNG RỒI! THẮNG TO RỒI...
Sáng! Mở cửa thấy hắn đi qua nhà miệng hát vang lừng: “Ngày toàn thắng… ten tén tén tén… ta muốn bay lên…” điệu bộ rất là khoáng đạt hùng dũng.
Vừa thấy mình thò mặt ra hắn khoe luôn: “Tao thắng rồi! Thắng rồi”
Quái! Đánh đấm cái gì mà thắng. Mình hỏi: “Ai thắng? Thắng ai?”
- Tao thắng chứ còn ai nữa. Thắng đàn bà nhà tao!
Chắc vợ chồng thằng này đêm qua đánh nhau. Chả nhẽ, vì thằng này có tiếng là sợ vợ.
- Tao đã thắng qua một cuộc chiến lâu dài và gian khổ. Cho nó chết!
- Làm gì mà cuộc chiến lâu dài và gian khổ? Nghiêm trọng thế cơ à…
Hắn thủng thẳng:
- Đây nhá. Tao chăm chỉ hết mức. Hì hụi xới xắm vườn nhà trồng rau với khoai lang. Cũng được rau sạch mà ăn, khoai lang đủ để nuôi lợn… Nhưng vừa rồi con vợ tao nó chửi tao là ngu, thua mấy thằng đại lười nát rượu…
- Sao lại thua?
- Chả là có thằng lười, nát rượu đếch chịu làm lụng gì, kiếm được mấy cành Sanh về cắm xuống vườn, để cỏ mọc lút đầu… thỉnh thoảng say rượu ra đái một phát vào gốc…. Thế chó nào vừa rồi bán mấy trăm triệu.
Quả là có chuyện ấy. Người ta mua cây cảnh xuất khẩu bán sang bên Tàu. Dăm anh có cây thế đẹp bán đi được giá, lãi cao…lập tức hàng ngàn anh khác chạy tá lả đi lùng cây. Cây đẹp xuất khẩu luôn, cây xấu đem về nhà trồng đợi cho nó đẹp lên hứa hẹn xuất khẩu giá cao. “Làm giáo viên suốt cả đời, Chiến sĩ thi đua vài chục năm liền cũng chẳng tích cóp được đồng nào. Thua trồng vài cây cảnh” vợ mình cũng cằn nhằn thế thật.
- Ừ thì cũng có thế. Nhưng sao lại cãi nhau mà thắng với thua?
- Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào, vợ mình nó bắt mình hùng hục phá vườn, bỏ mấy triệu bạc mua cây sanh về trồng. Cây vừa bén rễ, hí hủm phen này thắng bạc tỷ…
- ?
- Ai ngờ thằng Tàu bây giờ nó không mua cây cảnh nữa. Mất toi mấy triệu, lại mất công. Bây giờ nó lại mua… khoai lang.
- Thật không?
- Chả thật! Vậy cho nên tối qua tao mới điên lên tế cho vợ một trận. Mụ ta im thin thít …
À ra hắn ta thắng vợ vì cái nhẽ như vậy. Chọc thằng này phát cho bõ tức vì thường ngày hắn cứ lập lờ… rồi chửi mình ngu:
- Vậy ông thắng vợ thì có được lợi lộc gì không mà huyênh hoang?
Hắn ngẩn người… Mình bồi thêm:
- Cứ đứng đấy mà huyênh hoang nhẽ thắng với thua. Mai chả phải bàn cãi trồng cây gì, cấy cây gì nữa đâu. Thằng Tàu nó còn đang thuê đất đấy… nhiều tiền lắm đấy.
Hắn nghệt mặt rồi lẩm bẩm: “Chó chết… cứ nghe thằng Tàu, chạy theo thằng Tàu, phụ thuộc vào nó … Dại rồi, ngu rồi…rồi bán đất cho nó, rồi thì có ngày ăn c... Thật đấy.”
Rồi chẳng chào hỏi, hắn hùng hục về!
Đọc thêm!Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011
CÁI GÌ QUÝ HƠN?
Sáng. Còn đang mơ màng đã thấy đập cửa ầm ầm. Chết rồi! Chắc là có chuyện.
Vội vàng mắt nhắm mắt mở chạy ra. Giời ạ. Lại ông bạn khùng “đếch nói nữa… không lại bảo là phản động”. Hắn hỏi luôn:
-Này nghe tin gì chưa?
Mình hốt hoảng. Chắc là có đám tự tử hay lại chuyện đâm xe có người bị thương cấp cứu. Vội hỏi: Chuyện gì?
Hắn bảo cứ mở cửa cho tao vào nhà đã chuyện dài lắm. Mình đành mở cửa mời hắn vào, nhưng trong bụng vẫn phấp phỏng. Hắn thong thả bảo:
- Đài vừa nói thành nhà Hồ- Thanh Hóa được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Ôi giời ơi! Vậy mà nó làm mình đứng tim. Cái thằng này điên thật rồi. Dớ dẩn quá! Vừa mở mắt ra…Tưởng gì! Tức quá mình mới bảo: Công nhận Di sản thế giới là mừng, nhưng tôi với ông có được thêm cái gì mà chưa sáng đã rộn cả lên. Tưởng hắn tức mà đứng ngay lên phủi đít quần, về… Khác với mọi khi, hôm nay hắn không giận mà còn trầm ngâm rồi lẩm bẩm:
- Nhưng sao thế giới nó lại công nhận vào lúc này nhỉ? Mà lại đồng thuận trăm phần trăm không cần bỏ phiếu!
Mình xổ ra một tràng nào là thành nhà Hồ rộng hàng trăm hec ta, nào là thành nằm dựa thế voi chầu hổ phục, nào là đấy là Tây Đô của Việt Nam, mấy trăm năm còn nguyên vẹn, nào là đá ở đấy lấy ở khắp đất nước, nào là những phiến đá nặng hàng chục tấn mà ghép với nhau không cần chất kết dính xây nên cổng thành, tồn tại đến bây giờ, nào là vững vàng qua mưa gió, nào là… Hắn ngắt lời:
- Biết rồi! Ai chả biết như vậy. Nhưng tại sao thành cao hào sâu vững vàng vậy mà vẫn mất nước, vẫn làm tù binh. Nhục như con… mèo, đang làm vua bị đày xuống làm thằng lính ở Quảng Tây. Cả triều đình bị nó bắt làm tù binh. Nhục…
Mình vớt vát: Nhưng thực ra Hồ Quý Li là ông vua có nhiều cải cách sâu rộng, có nhiều đổi mới trong cai trị, ví như đổi tiền đồng thành tiền giấy, thay chữ Hán bằng chữ nôm… lại còn biết cải tiến vũ khí. Còn thằng giặc Minh thì nó đã có âm mưu từ lâu…
Hắn ngồi im nghe rồi đột ngột:
- Vậy ông có biết tại sao lại có tên Hồ Quý Li không?
Quả thật điều này mình chưa biết. Vì chỉ biết Hồ Quý Li là em rể Trần Nghệ Tông, có con gái lấy vua, rồi cướp ngôi cháu ngoại…
- Vì lão ấy cho rằng mình là con cháu vua Nghiêu, vua Thuấn… chứ thực ra ông ta tên là Lê Quý Ly. Nhưng để chứng tỏ ta là thuộc nòi cao sang, lí tưởng cao sang mới đổi thành họ Hồ…
- Thì đấy cũng là một niềm tự hào…
Hắn chộp lấy điều ấy nói một hơi: Thì ngu chính là ở chỗ ấy. Cứ cho là không ai hơn mình, xuất xứ dòng tộc cao sang, thông minh hơn người, sáng suốt hơn người, mỗi lời nói là chân lí, bắt mọi người phải câm mồm vâng phục. Vậy mới sinh ra họa mất nước. Vậy ông có nhớ Hồ Nguyên Trừng nói gì không?
Điều này thì mình biết và nhắc lại câu của Hồ Nguyên Trừng: “Đánh giặc không sợ, chỉ sợ lòng dân không theo.”
- Ấy đấy! Mấu chốt là ở chỗ ấy đấy! Hắn nói luôn. Vậy nên tao mới nghĩ: Nước ta từ xưa cứ triều đại nào xây thành đắp lũy thì y như rằng mất nước. Thì ra lòng dân mới là quan trọng nhất. Mà lòng dân lúc bấy giờ phụ thuộc vào ai? Mấy ông bà nông dân chữ nhất cũng chả biết… họ chỉ biết dựa vào thái độ của mấy ông có học, tức là tầng lớp nhân sĩ trí thức đấy. Nhân bất học bất tri lí mà. Những người ấy là những người hiểu lẽ đời, biết phải biết trái. Nhưng Vua cứ cho mình là đệ nhất thiên hạ, đã không chịu nghe lời nói phải lại còn bịt mồm bịt miệng người ta nên mới tàn nghiệp đế. Nên mới phải chịu cái phận tù binh làm khổ sai nô dịch cho giặc Minh. Thế mới nhục, nhục nhất trong các vua nước Nam trong khi thành thì bền vững nhất trong các triều đại nước Nam.
Thằng này hôm nay nói hay phết, lập luận khá phết! Nhưng tại sao hắn lại lèo từ cái việc Thế giới Công nhận Di sản thành Nhà Hồ sang chuyện này. Như đọc được cái ý của mình hắn bảo:
-Hình như thế giới muốn cảnh tỉnh mình hay sao ấy? Nhất là trong lúc nước sôi lửa bỏng như thế này. Hình như người ta bảo công nhận các anh có cái thành cổ quý đấy, nhưng cái quý ấy lại là chứng tích cho thấy phải cần cái khác quý hơn. Có phải không nào?
Hắn lặng đi một tí rồi bảo: Thôi đếch nói nữa, không có lại bảo…Mà nhà ông còn rượu không? Cho tớ một hớp. Không hiểu sao sáng nay tớ thấy nhạt miệng thế... Đọc thêm!
CẢI CÁCH GIÁO DỤC- KÍNH CỤ- CÒN BAO NHIÊU LẦN NỮA? (KÌ 3)
Nhưng cái cày trông bên ngoài là inox thực ra chỉ là đất sét mạ inox, nó không cày được ruộng. Chỉ khổ cho anh giáo viên. Giá đừng có thiết bị thì còn dễ, vì nói mồm dẫu không được kiểm chứng thì cũng có được chức năng thông báo. Còn dùng đồ dùng dạy học các cụ cấp cho thì phản kiến thức. Bởi nhiệt kế cho thấy nước sôi ở 80 độ C trong điều kiện áp suất bình thường. Ắc tô mát ghi rõ 250 vôn nhưng có lẽ là ắc tô mát của đường dây tải điện 500 kilo von vì thầy trò thí nghiệm cho dòng điện 220 vôn đoản mạch mà ắc tô mát vẫn lì ra không thèm động cựa. Học sinh cấp 2 còn lạ gì con gà, con lợn nhưng cũng có mô hình. Giáo viên phải nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, luôn mồm nhắc học sinh đừng có mà động đến… kẻo có ngày đền oan vì gà lợn rất dễ gãy chân bởi nó được làm bằng đất sét nung dơ dở rồi sơn trắng toát... Khiếp nhất là mô hình bộ xương người được để trong hộp bằng cái quan tài be bé. Lúc dạy phải lôi ra, treo lên một cái giá, trông như bộ xương của thằng trẻ con bị treo cổ. Chân tay thõng thượt, rũ rù rù vì các đốt xương được ngoặc với nhau bằng cái móc dây thép… Chỉ được cái tranh vẽ thì nhiều vô kể, xếp chồng lên nhau thì cũng phải dày đến nửa mét. Còn giáo viên chẳng ai dám làm thí nghiệm với các ống nghiệm thủy tinh. Nếu để thí nghiệm thành công thì cách tốt nhất là mang thêm một ít đất deo dẻo để trát miệng bình vì chả cái nút nào vừa miệng ống… Nhiều giáo viên khóc dở mếu dở, tự dưng thầy giáo trở thành anh bốc phét vì thí nghiệm kiểm chứng có đúng đâu. Kết quả: của đống tiền đành xếp xó chứ động vào thì phức tạp. Nhưng cũng không lo mất mát vì chả ai lấy những thứ ấy làm gì mà thực ra cũng chẳng làm được gì...
Để đảm bảo giáo dục toàn diện theo đúng mục tiêu nên phải dạy đủ các bộ môn theo yêu cầu. Nhưng lại thiếu giáo viên nhất là các bộ môn Nhạc, họa, thể dục, giáo dục công dân và Ngoại ngữ, tin học… mỗi trường ở quê mình ít nhất thiếu một môn nữa hoặc địa, hoặc hóa, hoặc sử…Vậy nên sinh ra dạy chéo; tức là dạy cái mà anh không được học hoặc có được học thì cũng chàng màng. Giáo viên Toán phải dạy thêm môn Thể dục, giáo viên Sinh dạy thêm môn Hóa… từa tựa như thời bao cấp vào hàng mậu dịch ăn một bát phở phải mua kèm thêm một cốc xi rô. Có cô giáo dạy tiếng Anh phải dạy chéo thêm môn Nhạc. Dạy hát cứ như dạy từ mới: “Trèo lên… hai ba” học sinh đồng thanh hát “Trèo lên”; “Hát lại lần nữa: Trèo lên… hai ba” bọn trẻ gào “trèo lên…” Rồi cứ trông thấy cô giáo là bọn trẻ lại gào toáng “Trèo lên…” Cô giáo ngượng chín mặt vì khổ nỗi cô sở hữu bộ ngực khá đồ sộ. Giáo viên khác chứng kiến mà cười dở mếu dở…
Mình đồ chừng nước mình nhất thế giới về số lượng các cuộc “Thi đua lập thành tích kỉ niệm ngày…” và các cuộc vận động (ở đây không nói vận động quyên góp từ thiện). Nếu có sau thì chắc chỉ sau Trung quốc với Bắc Hàn. Các cụ Giáo dục lại đặt nhiều cuộc vận động nhất ở nước ta. Ngay bây giờ mỗi giáo viên cũng đang gánh tới dăm sáu cuộc vận động: nào là Dân chủ- kỉ cương- tình thương- trách nhiệm; nào là Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học tự bồi dưỡng; nào là Hai không (hai nội dung rồi bốn nội dung); nào là Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực; rồi Học tập và làm theo tấm gương Đạo đức…; nào là… Chưa kể nếu anh tham gia đoàn thể nào thì phải gánh thêm vài cuộc vận động nữa của đoàn thể ấy. Đồng lương thì bèo bọt, do lạm phát chỉ còn chưa đầy nửa giá trị trong vòng dăm năm mà gánh tới hơn chục cuộc vận động. Thế mới biết các cụ ngồi trên bận rộn, chỉ để nghĩ ra các cuộc vận động cũng đã tối tăm mặt mũi rồi. Đã có cuộc vận động lại phải có Ban chỉ đạo từ TW tới địa phương, phải có kinh phí cho cuộc vận động (chí ít cũng phải đủ để họp ban chỉ đạo các cấp, ra chương trình và triển khai lần lượt cuộc vận động đến cơ sở, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết báo cáo, công văn lên xuống…) Cộng tất rĩ thang thang cả nước chắc chắn cũng chẳng dưới chục tỷ đồng.
Đã là vận động có nghĩa là ai thích thì làm, ai không thích thì thôi. Vậy mới nảy ra cái chuyện anh nào tích cực thì anh ấy chết trước. Đi trước ăn loạt đạn đầu mà! Ngay như hồi năm 2006-2007, thấy cuộc vận động Hai không được Bộ trưởng gân cốt mạnh mẽ ăn to nói nhớn, báo đài ca ngợi như là một sự kiện khởi sắc nền Giáo dục nước nhà. Mình hăng hái làm liền. Kết quả hết sức ngoạn mục: mất toi cái Chiến sĩ Thi đua năm ấy, đồng nghiệp bạn bè và cấp trên nhìn như mình là người trên sao Hỏa mới xuống trái đất, học sinh thì chửi rầm lên lão già “sát thủ”. Những anh khác "vưỡn kiểu cũ mà làm" thì thành tích ngời ngời. Thật chả dại nào giống cái dại nào!
Đời người có dài lắm đâu. Ngành Lính vài lần “Dũng sĩ”, ngành Giáo những hai lần là kẻ bất nhân: Lần cải cách trước là “hung thần”, lần cải cách sau là “sát thủ”. Sắc sắc không không, theo đạo Phật, ngẫm ra bản thân mình nhiều tội quá.
Kính các cụ!
Cải cách là cần thiết! Chỉ có điều các cụ hãy tính cho kỹ. Bởi bao nhiêu hệ lụy kéo theo. Hôm nay tôi ngồi viết dòng này mà buồn. Buồn vì cái nhẽ nhập nhòa giá trị khoa học với cái phô phang cá nhân; Đừng vì lợi, danh cá nhân kèm theo mà lấy con trẻ làm thí nghiệm và lấy người trung thành với các cụ làm vật hy sinh.
Còn nữa, nghĩ đã đủ thấu tình đạt lí rồi thì phải xét tới các điều kiện có khả thi không. Nếu không hoặc còn thiếu hãy từng bước làm cho đủ rồi hãy triển khai.
Và điều này tôi muốn thỉnh cầu: Hôm nào có cụ Tiến sĩ nói: Nê Pan và Châu Phi năm năm cải cách một lần. Ta cải cách vậy là còn ít. Lạy Cụ! Người Việt Nam có câu rằng: “Trông lên chẳng bằng ai, trông xuống không ai bằng mình” là có ý nhắc nhở phải trông lên để mà phấn đấu.
Cải cách lần ba, sao không học Mỹ, Pháp, Đức, Nhật…? Xin đừng chụp mũ cho tôi theo tư bản giãy chết, đế quốc sài lang… nhưng con cháu các cụ đều tu nghiệp ở những nước ấy. Đã có Cụ nào đưa con cháu sang Châu Phi hay Nê Pan mà học?
Đừng tự phủ nhận mình! Hãy tổng kết đánh giá thật đúng, thật khách quan 2 lần cải cách vừa qua rồi hãy tính. Không thể làm cái kiểu mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết vừa cảnh báo: vừa lấy vợ xong đã tính chuyện lấy vợ hai. Nghĩ ra Giáo sư Thuyết chỉ hai cái dở: thứ nhất vừa lấy vợ đã phải tính chuyện lấy vợ hai do vợ hư hỏng thì đấy là cái ngu của thằng đàn ông phổi bò không tìm hiểu kĩ mà đã lấy. Thứ hai nếu vợ anh chưa hư hỏng mà lại tính chuyện vợ hai thì anh là cái thằng mất dạy, đa dâm… Cải cách lần một, lần hai cũng chính các Cụ khởi xướng, các Cụ làm đấy chứ có phải Liên Xô hay Mỹ sang làm với các cụ đâu. Có thể tôi bột phát nhưng ít nhất cũng là lời nói thật: hình như chúng ta còn chưa có… chưa có cái nền tảng cơ bản nhất, quan trọng nhất, quyết định nhất… để có một nền giáo dục tiên tiến. Đó là cái gì. Chắc các cụ hiểu hơn ai hết.
Để chúng ta khỏi phải lùng bùng lôi ra kéo vào vấn đề hôm nay: cải cách Giáo dục- liệu còn bao nhiêu lần nữa? Một đất nước nghèo, họa tai luôn rình rập... mà cứ thỉnh thoảng các cụ lại cho nổ đoành một phát tương tự như VINASIN thì dân tình chịu sao cho thấu, thưa các cụ! Đọc thêm!
LẠI CẢI CÁCH GIÁO DỤC- KÍNH CỤ - CÒN BAO NHIÊU LẦN NỮA? (KÌ 2)
Nghe các cụ trình bày nội dung thấy khoa học lắm. Giáo viên phấn khởi lắm nhưng thực tế lại không phải như vậy. Vì để theo kịp khoa học thế giới và để đào tạo con người phát triển toàn diện thì chương trình phải nâng cao nhưng... thời lượng không được nâng lên. Thằng học sinh Trung học cơ sở phải gánh 13 bộ môn chưa kể tự chọn và học nghề. Thập toàn đại bổ! Và như vậy thì các bộ môn cơ bản từ năm, sáu tiết trên tuần nay chỉ còn bốn tiết. Cũng mừng vì đã bớt hàn lâm một chút nhưng kiến thức nặng nề lên, kiến thức cấp ba ngày xưa được đưa về cho cấp 2, thời gian ít đi thành thử vắt chân cổ mà theo chương trình nên cái gì cũng chàng màng. Vậy nên học trò lo, phụ huynh lo, nên phải học thêm, học ngoài trường. Dư luận gào lên tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Các cấp hoảng hốt trước dư luận đến nỗi có nơi cử cả công an nội chính vào cuộc theo dõi giáo viên có dạy thêm hay không cứ như theo dõi tội phạm hình sự. Kết quả ở nông thôn việc này tạm yên vì nhà trường và giáo viên bảo mình bỏ sức ra dạy thu vài đồng bạc bọt bèo cốt là đẩy chất lượng lên chứ có ăn cắp ăn trộm tham nhũng gì đâu mà bắt bớ theo dõi. Hiện nay vùng mình có phân công dạy thêm, dạy phụ đạo cũng chẳng có giáo viên nào chịu làm vì người ta bảo vắt kiệt hơi sức, phát ho hen cả buổi mà thù lao không bằng người phu hồ, lại còn bị săm soi đe nẹt. Làm việc khác khỏe người mà lại đàng hoàng thu nhập cao hơn. Đấy là nói ở nông thôn chứ còn ở thành phố có giời mà cấm được!
Chương trình Hình học THCS hệ tiên đề cũ không được sử dụng mà thay bằng hệ tiên đề mới kéo theo những phức tạp mới. Giáo viên lẫn lộn linh tinh…việc cầm đèn chạy trước ô tô xảy ra thường xuyên. Đã thế việc soạn bài lại rất vớ vẩn. Vớ vẩn bởi vì cái anh internet. Tự dưng lòi ra cái anh thư viện giáo án. Thế là lấy ra thoải mái hoặc coppy của bạn. Nếu bảo kiểm tra giáo án chỉ việc đút cái USB vào máy là tuôn ra hàng tệp giáo án rất chỉn chu. Không hiếm trường hợp người có giáo án vi tính lại chưa bao giờ sờ đến máy tính. Nực cười như vậy nhưng cũng rất khó bắt bẻ. Chương trình vừa mới vừa nặng lại không soạn thì làm sao dậy tốt được.
Bây giờ mình mới nói đến bộ môn văn. Nghe nói nội dung thì hay lắm. Nhưng một truyện ngắn dài dằng dặc chỉ dạy trong một tiết. Giáo viên gọi học sinh đứng lên đọc văn bản, nó ngắc ngứ một tý thì ngay cả việc đọc văn bản cũng không thể đủ thời gian. Vậy là giáo án cháy đùng đùng. Bù lại vào lúc nào khi chương trình là pháp lệnh? Chuyện dạy đọc chép là khó tránh khỏi. Các cụ ở trên có biết cho cái nỗi khổ ấy đâu. Chỉ mạnh mồm phê phán. Chỉ béo mấy ông thấy tình hình vậy bèn ra sách bài tập, bán sách ôn tập, bán sách các kiến thức cơ bản, học văn như thế nào cho tốt… toàn là đưa các bài mẫu chứ chưa một cuốn sách nào dạy cho học sinh cách học văn cho tốt. Mình dám đảm bảo trăm phần trăm như vậy, ai không tin cứ ra hiệu sách mà thử xem các sách “để học tốt bộ môn văn lớp…”
Chưa hết các cụ bảo dạy văn học phải giữ bản sắc dân tộc nhưng rặt chữ Hán đến nỗi một số cụ Giáo sư nổi tiếng đã đề nghị cần phải đưa chữ Hán vào dạy cho học sinh THCS. Một bài thơ có bốn câu mà thầy trò đánh vật với nhau đến cả một tiết học. Đầu tiên phải biết tác giả là ai tên khai sinh là gì sinh năm nào, ở đâu, đã viết bao nhiêu quyển sách, làm bao nhiêu bài thơ, thơ của cụ có nội dung tư tưởng gì… có nghĩa là phải thẩm tra đầy đủ lí lịch. Sau đó là bài thơ có hoàn cảnh sáng tác vào năm nào đất nước lúc ấy như thế nào, tác dụng gì, tác phẩm ở trong quyển nào… bằng ấy thứ trong dăm phút phải nhét vào được cái đầu thằng trẻ con chưa đầy mười ba tuổi thì không mụ mị mới là sự lạ. Rồi đọc phiên âm: kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên… sau đó giải nghĩa: Kim dạ là gì? Đêm nay ạ! Nguyên tiêu là gì? Rằm tháng giêng ạ! Nguyệt chính viên là gì?... Thực ra là đọc giải nghĩa trong Sách Giáo khoa chứ ngay người dạy cũng chẳng biết là gì, vì có học chữ Hán đâu mà biết. Giải nghĩa một thôi một hồi và tự dưng vọt ra câu: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi”. Nào ai đã thấy “lồng lộng” nó nằm ở chỗ nào mà bảo nó cảm, nó hiểu. Bí quá đành bịa ra thế nào là dịch thơ, thế nào là ý tại ngôn ngoại… rất vớ vẩn. Thơ Đỗ Phủ, Lý Bạch cũng vậy… Mà bắt thằng trẻ con bắt mũi chưa sạch học thơ Đường luật dịch sang… lục bát thì nó bảo: chả hay, thua ca dao. Đỗ Phủ Lí Bạch thua ông bà nông dân nhà ta(!)
Thằng bé mười một mười hai tuổi mới lớp bảy thò lò mũi xanh đã biết gì về cái sự yêu đương và nỗi nhớ nhung chờ đợi trong tình cảm vợ chồng mà đã được được các cụ cho học Chinh phụ ngâm. “Trống Trường thành lung lay bóng nguyệt, khói Cam tuyền mờ mịt thức mây” thì ngớ ra, rồi có đứa còn hỏi “Cô Thiếp là cô nào? Mà làm sao cô ấy phải đi về buôn chuối?” Ấy là vì nó đọc chưa thạo, lại không biết cái từ thiếp nên hỏi thế… sau khi đọc “Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn” thành "Thiếp thì về buôn cả chuối chanh". Có lẽ soạn chương trình để sướng các cụ là được rồi, chả để ý gì đến tâm lí lứa tuổi của đối tượng mà các cụ ban cho.
Các môn học cạnh tranh nhau như chạy đua giành giải thể thao. Mạnh cụ nào cụ ấy chạy, rồi nhét vào chương trình. Vật lí lớp 9 mới dạy Từ trường dòng điện nhưng dạy nghề Điện dân dụng lớp 8 đã học cuốn biến thế(!) Cuối năm lớp 9 mới học hình không gian nhưng Công nghệ đầu năm đã học vẽ kĩ thuật mặt cắt mặt chiếu(!) Lạy cụ! Giáo viên lấy cơ sở nào mà dạy, học sinh nghe giảng như vịt nghe sấm. Nhưng rồi cũng làm được điểm chín điểm mười. Thế mới biết học trò nhà mình nó giỏi. Nhưng đưa cái bảng điện của nó làm cắm vào ổ điện thì cháy khét lẹt. Lạy giời không chết người là vạn phúc!
Vậy cho nên người ta cứ phải chỉnh lí giảm tải liên tục. Năm nào cũng chỉnh lí, cái năm trước bảo là đúng nhưng sang năm sau lại là sai và ngược lại. Giáo viên buộc phải có thói quen nói nước đôi. Còn giảm tải nhiều đến nỗi có ông Sở Giáo dục ra đề thi vào cấp ba vào đúng cái bài bị bỏ đi mặc dù nó có trong SGK. Thí sinh cả một tỉnh ngẩn ngơ cắn bút, về mách với bố mẹ là thi đúng vào cái bài thầy cô không dạy. Kết quả là thầy cô bị phụ huynh cho ăn các thứ bẩn nhất trên đời. Có người còn dọa kiện! Rồi cũng ỉm đi. Cũng mấy ông Chuyên viên Sở ra đề thi khảo sát kì Một chạy quá đà đâm sầm vào nội dung chương trình kì Hai. Học sinh đã học đâu mà thi. Lại một phen thầy trò hoảng tam tinh, phụ huynh lại tiếp tục bêu riếu, tiếp tục tặng thầy cô những của lạ không thể xơi. Kết quả điểm cao chót vót vì phải bỏ bài ấy đi, chia số điểm cho các bài còn lại. Còn nữa, nhiều câu hỏi trắc nghiệm trong sách GK: ví dụ như hãy chọn tên nước ta thời nhà Lí trong các tên sau: Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Việt Nam. Đáp án đưa ra phải chọn Đại Việt. Học sinh nào điền không đúng bị trừ điểm nhưng người ra đề cố tình lờ nước ta có hai triều đại Lí: Lí Bí và Lí Công Uẩn. Thời Lí Bí nước ta tên là Vạn Xuân, Thời Lí Công Uẩn nước ta vẫn là Đại Cồ Việt mãi đến đời vua cháu năm 1054 mới đổi thành Đại Việt. Cái thằng học trò thông minh nhất tự dưng bỗng khóc hu hu điểm kém vì cả gan dám điền tới ba đáp án. Lập lờ như vậy thì tại cụ cải cách, tại người dạy hay tại học sinh?
Hình như cải cách, thay sách là nơi để các cụ tít trên cao phô phang cái sự uyên thâm của mình. Từ trước đến giờ giáo viên vẫn gọi cái bài soạn chuẩn bị cho một tiết học là Giáo án, nay các cụ bắt phải gọi là Thiết kế Giảng dạy, rồi các bước lên lớp thì gọi là Thao tác. Nghe cũng oai thêm một tí nhưng bản chất có khác gì nhau? Rồi tên bài thơ chữ Hán “Tĩnh dạ tư” thành “Tĩnh dạ tứ”, tra từ điển Hán Việt thì Tư với Tứ là hai cách đọc khác nhau nhưng hoàn toàn không khác nghĩa. Truyện Kiều có câu “Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm” tự dưng các cụ đổi thành “Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm” cái từ Vâng nghe ngang phè phè như đấm vào lỗ tai, mà ai Vâng? rồi giải thích làm gì mà có giá cô Kiều cao ngất ngưởng đến bốn trăm lạng vàng, chả nhẽ sau khi nộp quan ba trăm lạng chuộc tội cho cha rồi lại còn vàng gửi tiết kiệm. Mà làm gì có ông quan nào tham đến thế, ăn một phát ba trăm lạng vàng(!)
Thôi mình chả nói đến cái nội dung nữa. Mà có nói thì chả biết bao giờ mới hết!
(Kể cũng hơi dài rồi- kì sau xin kể tiếp) Đọc thêm!
LẠI CẢI CÁCH GIÁO DỤC- KÍNH CỤ- CÒN BAO NHIÊU LẦN NỮA?
Bé được xem cải cách ruông đất, nhớn đi bộ đội đánh nhau được xem cải tạo tư bản miền Nam, vào nghề dạy học được tham dự ba lần cải cách giáo dục. Đời người mà được tham dự những năm lần cải cách lớn quy mô toàn quốc (chưa kể những cái cải cách lặt vặt)… vậy cũng đáng tự hào… ta lớn lên cùng đất nước.
Kể về cải cách giáo dục một tí tị cho vui. Chỉ dám kể ở bậc phổ thông thôi chứ bậc nhớn hơn mình không biết nên không dám nói.
Cải cách giáo dục lần thứ nhất đầu thập kỉ tám mươi: Bọn mình lúc bấy giờ là giáo viên gầy giơ xương, có cô giáo ngất xỉu khi nghe giảng viên trình bày nội dung cải cách. Ngất vì hai nhẽ; nhẽ thứ nhất: nghe mà sợ đến ngất đi bởi nhiệm vụ nặng nề vì cải cách đặt ra mục đích cao vòi vọi, nhà trường phải đào tạo ra các… Thánh. Con người được đào tạo ra phải giỏi hết mọi nhẽ mà lại còn có lí tưởng Cộng sản chủ nghĩa. Nhẽ thứ hai: ngất vì đói. Thời bao cấp giáo viên là tầng lớp hạ đẳng trong xã hội, cửa hàng mậu dịch ghi rõ rành rành “phân phối từ giáo viên trở lên mỗi người… nửa mét vải màn.”
Hạ đẳng nhất trong giới công chức viên chức mà lại làm nhiệm vụ đào tạo các Thánh. Vậy ra chức năng của giáo viên tự dưng được nâng ngang hàng Chúa Giê su và Đức Phật Thích ca(!) Kể cũng hay. Đấy là suy diễn về mặt chức năng thôi chứ mình không có ý dám xúc phạm đến các bậc tối linh.
Kết quả là nước ta đã đào tạo được một lớp người viết thư pháp đông đảo nhất trong lịch sử. Khả năng này bộc lộ ngay từ trong nhà trường. “Thầy giáo” biến thành “Thần Gió”. Bọn trẻ viết “lòi phi củi thần gió”, phải có nghề mới dịch được sau khi đã suy luận chán chê. Thì ra nó viết “Lời phê của thầy giáo”. Nếu ai không tin hãy thử xem các văn bản viết tay.
Và học phép cộng ở lớp một phải theo quan điểm tập hợp. Một bé giai tính "năm cộng năm bằng mười một". Tìm hiểu ra thằng bé không sao nhận ra được Phép Cộng là Tập Hợp là Hợp của hai Tập Hợp không Giao nhau mà mỗi Tập Hợp có năm phần tử. (Chắc các bạn cũng mụ mị vì mớ lí thuyết phức tạp này mà mãi bậc Đại học mới sờ đến. Bây giờ phải nhét vào đầu thằng trẻ con sáu tuổi ngủ còn đái dầm, nửa đêm mở mắt ra thấy bố với mẹ mất đoàn kết cởi hết quần áo vật nhau chí tử, mà không dám nói, không giải thích được tại sao lại thế? trong khi người lớn thì bảo đó là...Giao Hợp. Mình phải giải thích theo quan điểm tập hợp của Toán học hiện đại bởi chương trình cũng quy định phải dạy như thế)... Nhưng nó lại sợ cô giáo nên đành phải cho tay vào túi quần, tay nọ đếm số ngón tay của tay kia theo phép đếm thông thường. Và...đếm luôn cái của quý, nên năm cộng năm bằng mười một.
Kết quả thứ hai là có thêm một cái tên: Phổ thông Cơ sở. (Dĩ nhiên phải có hệ thống kéo theo cái tên ấy) nhập cấp một vào cấp hai, thòi ra một lớp gọi là “lớp tám nhô” sau đó vào lớp mười. Bởi cấp hai cũ là lớp 5,6,7 bây giờ lại là 6,7,8…mất một năm sau nữa mới có lớp 9. Bắt đầu trường lớp bỗng khắc nhập khắc xuất y như các tỉnh cũng khắc nhập khắc xuất…
Về nội dung kiến thức cũng bắt đầu phức tạp. Môn Toán cấp hai thì một số định lí biến thành định nghĩa và ngược lại, các kiến thức đã học của giáo viên buộc phải bỏ ra sắp xếp biện giải lại nhưng vẫn mắc phải tình trạng cầm đèn chạy trước ô tô ví như hình vuông có phải là hình thoi không vân vân… Môn văn thì ngoài thơ Tố Hữu ra chẳng có mấy bài thơ khác. Dạy văn mà chọn cóc nhảy từng đoạn của tác phẩm. Giáo viên chả biết lối nào mà lần. Mình đã từng hỏi hàng trăm giáo viên: Tên bố thằng thiếu tá Xăm trong Hòn Đất (của Anh Đức) là gì. Nhất loạt không biết… tất cả đều bảo đọc lâu quên rồi. Nhưng có người táo tợn hơn bảo bố thằng Xăm tên là Lốp. Điên hết cả người! Vì có đoạn bà Cà Xợi là mẹ đẻ Xăm đã vung dao định chém đầu con mình lúc đang ngủ, rồi nghĩ thế nào lại gọi du kích vào chém. Một hành động phi nhân tính như vậy mà học sinh phải học để minh họa cho ý chí cách mạng trên hết. Mình không dám trách nhà văn nhưng cũng cố tìm nguyên cớ để thanh minh cho hành động ấy. Nhưng giáo viên văn có mấy người đọc hết tác phẩm mà lí giải.
Còn thi cử mới khốn khổ khốn nạn. Trước khi vào thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở, Hiệu trưởng phải cắn rơm cắn cỏ lạy ông Hợp tác xã cho tạ lợn, lạy ông Ủy ban cho mấy trăm. Có Hội đồng coi thi thì có Hội đồng bảo thi. Coi thi mà tiệc tùng ê hề. Thi bốn môn mà kéo dài ba bốn ngày. Hai ngày đầu học quy chế và kiểm tra hồ sơ. Khi giám thị có mặt đầy đủ thì tiếng lợn bị chọc tiết vang lên hòa cùng tiếng chủ tịch Hội đồng sang sảng đọc quy chế. Các lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Đoàn thể, Hội phụ huynh nô nức kéo đến chúc mừng…Sau những bài phát biểu chào mừng… mà chả ai biết chào mừng vì cái gì, tiếp theo là đại biểu và hội đồng hoan hỉ tiết canh lòng lợn. Đến ngày thi chính thức thì tập trung khai mạc chào cờ. Tiếng lợn bị chọc tiết một lần nữa lại hòa cùng tiếng hát Quốc ca vang lên hoành tráng… hứa hẹn trưa lại chào cờ… lòng lợn tiết canh.
Năm tám hai mình làm thư ký hội đồng ở ngay cái trường mà mình hiện giờ mới chuyển đến (vì lí do luân chuyển và ghét của nào trời trao của ấy. Cho chết!). Sau buổi thi đầu tiên, mười tám trong tổng số hai bốn giám thị cùng với bốn thanh tra cấp tỉnh bị Tào Tháo đuổi. Thanh tra cấp tỉnh được mười hai ông dân quân khênh đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện. Còn mười tám giám thị cắt cử nhau vừa coi thi vừa lần lượt chạy ra nhà vệ sinh. Rồi kì thi ấy cũng qua. Vẫn đỗ trăm phần trăm. Vừa rồi gặp lại ông chủ tịch hội đồng coi thi ngày ấy (đã nghỉ hưu được mười năm) nhắc lại kỉ niệm ông bảo hú hồn. May không thằng nào chết chứ không thì hai thằng mình đi tù. Mà sao chú không việc gì? Ông hỏi. Mình mới bảo em phải thủ trước một ít Bê một và Suyn- pha Ga- ni- đăng rồi, với lại trước khi đi coi thi phải nhịn ăn gần một ngày chứ không có cũng toi. Ông lại hỏi: Nó cho ăn cái đếch gì mà nên nông nỗi ấy? Mình bảo: họ lấy tóp mỡ ngày hôm trước đem làm nhân tiết canh, em vừa đưa vào mồm thấy kinh quá nên không ăn. Vậy mới thoát!
Rôi vào cái năm tám sáu, tám bảy gì đó, trên hô hào phải thi nghiêm túc và giao cho các nhà trường tự coi, chấm thi tốt nghiệp. Mình sướng quá! Phải thế chứ! Bởi vì ở giáo dục bệnh thành tích nặng lắm. Chính quyền cũng vậy: người ta bắt bằng mọi giá phải phổ cập nên thành thử chẳng có trẻ lưu ban bao giờ. Bọn ra trường bảo bọn đang học: “Học làm đếch gì, chả ai dám bắt mày học lại đâu, thế nào mà chả lên lớp, chả tốt nghiệp…” Phụ huynh tự hào con mình mỗi năm lên một lớp, năm nào cũng có giấy khen…
Năm ấy mình tổ chức một kỳ thi nghiêm túc thật sự. Kết quả: bốn tám phần trăm học sinh trượt tốt nghiệp.
Dân tình ngao ngán. Có người đến tận nhà chửi mình… Lãnh đạo xã cho gọi lên làm kiểm điểm để xử lý kỷ luật. Trong hội nghị, mình cãi: “Kỳ thi vừa rồi không có học sinh nào trượt oan”. Ông bí thư chỉ tay vào mặt mình: “Thầy là loại người vô nhân đạo. Các xã khác con em người ta đỗ trăm phần trăm. Tại sao xã ta lại chỉ có năm hai…Khẩu hiệu tất cả vì tương lai con em chúng ta thầy không nhớ à. Thầy… thầy… giết tương lai con em xã ta…”.
Mình lục được bài diễn văn mình đã viết cho Bí thư phát biểu hôm 26-3 trước toàn thể đoàn viên học sinh nhà trường (Chả là mình còn có thêm nghề viết diễn văn thuê cho lãnh đạo xã. Mỗi mùa cũng được trả hơn trăm cân thóc) đại thể bài diễn văn yêu cầu phải học thật thi thật để có chất lượng thật. May sao đài truyền thanh còn giữ cuốn băng ghi lại ý kiến quý báu của đồng chí bí thư. Mình mở cuốn băng. Tất cả đều cười… rồi giải tán… sau khi lĩnh tiêu chuẩn hội nghị!
Vụ ấy mình không việc gì, nhưng cái nghiệp viết thuê diễn văn thì mất đứt. Người ta ngại, bảo là mình xỏ lá... Sau vụ ấy mình thành ra người nổi tiếng, trở thành một hung thần “giết tương lai con em xã ta”. Đến nỗi vài năm sau người ta định cho mình về làm Hiệu trưởng ở thị trấn quê hương yêu dấu của mình thì lãnh đạo thị trấn chối đây đẩy: Họ không muốn có một hung thần “giết tương lai con em thị trấn ta”.
(Kể dài rồi, cho mình tạm dừng. Kì sau kể tiếp ) Đọc thêm!
HÒA HỢP DÂN TỘC
Không hiểu sao dạo này mình thích kể chuyện đánh nhau ngày xưa. Bây giờ mình kể chuyện hòa hợp dân tộc.
Năm 1973 bọn mình chốt ở đồi Chông- Tiên Phước Quảng Nam. Hiệp định Pa ri kí kết thì mình giữ một quả đồi, phía bên kia đối phương giữ một quả đồi. Cách nhau bởi cái khe nhỏ. Mùa khô nên không có nước.
Hòa hợp dân tộc nên hai bên bàn nhau làm một cái nhà hòa hợp để hai phía gặp nhau. Thiện chí lắm. Bên đối phương làm nhà còn bên ta làm ghế. Nguyên vật liệu chủ yếu là tranh tre nứa lá. Tường thưng bằng lồ ô đập dập. Trên tường ở đốc nhà vẽ một bản đồ Việt Nam bằng giấy rô ki.
Riêng màu sắc cho cái bản đồ cũng phải bàn nát nước. Bên ta bảo Việt nam màu đỏ. Bên kia bảo Việt nam màu vàng. Không ngã ngũ được lại bàn miền Bắc màu đỏ, miền Nam màu vàng. Chính trị viên bảo đếch được! Miền Bắc thì đỏ là đúng rồi nhưng miền Nam không thể là màu vàng được, Miền Nam không phải của riêng Việt Nam Cộng hòa mà còn là của Chính phủ CM Lâm thời Miền Nam VN vậy miền Nam cũng phải có màu đỏ. Bên kia không nghe.
Bên ta dàn hòa bảo bây giờ hòa hợp dân tộc rồi. Lấy cả nước màu xanh hòa bình. Bên kia bảo xanh hòa bình thì lẫn với biển à, nước Việt mình có đất liền, có biển, có hải đảo, nó phải rõ ràng chủ quyền! Với lại màu xanh hòa bình là màu cờ của Quân Giải phóng. Không được!
Đến dăm sáu ngày mới ngã ngũ lấy màu xanh lá cây làm màu cho đất liền và hải đảo còn biển màu xanh cô ban. Mình được cử cùng với một tay phía bên kia vẽ bản đồ. Khi vẽ biển mình phết màu xanh tuốt luốt. Tay kia bảo ngoài Bắc không có đảo à. Mình nhớ mãi mới ra Bạch long vĩ (vì có bài hát Bạch long vĩ đảo quê hương), đảo Cồn cỏ (vì có Thái văn A sừng sững chòi cao trên hòn đảo nhỏ) và Hòn Mê, hòn Ngư (vì ngày ấy có loại thuốc lá mang cái tên đảo Hòn Mê). Còn tay kia rất trân trọng vẽ Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc… nhiều lắm. Mình rất phục sao anh ta nhớ kĩ vậy. Và phục luôn trong này nhà trường dạy dỗ về cương vực lãnh thổ địa lí khá cẩn thận. Nhưng thắc mắc cẩn thận vậy sao lại đi theo đế quốc sài lang?
Vẽ xong hai thằng ngồi cùng nhau ngắm nghía. Thấy cũng nổi. Tay lính bên kia rút thuốc Ru by Quân tiếp vụ “huynh đệ chi binh quyết tâm chiến thắng” mời mình. Mình mời lại hắn bằng thuốc rê khét mù nặng đến ứ cổ. Tự dưng thấy thân thân…mặc dù khi vẽ thì cả hai bên đều có người cầm súng chĩa vào nhau sẵn sàng…nhả đạn.
Có nhà hòa hợp thì phải có một ngày sinh hoạt chung gọi là sinh hoạt hòa hợp dân tộc. Buổi sinh hoạt được ấn định vào buổi chiều. Mỗi bên cử dăm bảy người đi sinh hoạt còn lại phải trực chiến sẵn sàng. Đi dự sinh hoạt hòa hợp dân tộc đấy mà vẫn lo mất mạng.
Cấp trên quán triệt cử người phải đảm bảo phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ một tý để có thế đối đáp. Mình được cử đi vì mình học xong cấp ba và còn biết hát. Chứ phẩm chất chính trị thì không ai dám chắc vì lúc bấy giờ mình chưa phải Đảng viên.
Cuộc sinh hoạt hòa hợp dân tộc biến thành cuộc đấu khẩu. Thoạt đầu thấy bên ta có cái catset quay băng. Một người phía bên kia bảo các anh mở bài hát “Mẹ thức nghìn năm” cho chúng tôi nghe với. Bọn mình chả biết bài Mẹ thức nghìn năm là bài nào. Tua gần hết cái băng mới biết đó là bài “Đất quê ta mênh mông”: mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc. Nghe xong bài hát, bên kia hỏi một câu: Các anh đang nghe bài hát ở đài nào thế? Chính trị viên bảo đấy là bài ở Đài Tiếng nói Việt nam. Tay bên kia bảo: Không phải. Các anh đang nghe đài Nhật đấy chứ. Tức lộn ruột nhưng cũng phải công nhận là tiếng hát phát ra từ cái cat set Philip của Nhật thật.
Bên kia lại hỏi: các anh chửi chúng tôi là tay sai đế quốc Mỹ. Thì cứ cho là đúng đi. Vậy các anh là tay sai của ai mà trang bị từ đầu đến chân toàn của Nga Xô với Trung Cộng?
Chính trị viên được đà bắt đầu giảng giải về tinh thần Quốc tế vô sản và phe Xã hội Chủ nghĩa hùng cường. Trong đó Liên xô và Trung quốc là hai người bạn lớn thân thiết tin cậy giúp đỡ để chống lại đế quốc Mĩ xâm lược. Chúng tôi chống Mỹ để giành độc lập cho dân tộc, hạnh phúc ấm no cho nhân dân.
Bọn mình chịu chính trị viên là giỏi và hả hê lắm. Còn bên kia đuối lí không nói gì thêm. Sau đó giải tán.
Cũng chỉ được có nhõn một lần sinh hoạt hòa hợp. Không có lần thứ hai vì sau đấy chừng mươi ngày, đang nửa đêm Nhà Hòa hợp bốc cháy đùng đùng. Chả biết bên nào đốt.
Vài hôm sau nện nhau chí tử.
Không biết cái anh chàng cùng mình vẽ hình đất nước Việt nam bây giờ ở đâu? Còn sống hay đã chết?
Vậy mà đã gần bốn mươi năm. Đọc thêm!
MỀM NẮN RẮN BUÔNG!
Đi xe giường nằm tương đối thoải mái. Đỡ tiếng ồn, có máy lạnh và được ngắm cảnh thỏa thích chứ không như tàu hỏa cứ kình kịch cành cạch điếc cả tai, nhìn ra ngoài toàn rừng với núi… nhìn một lúc chán mắt muốn buồn ngủ nhưng cái tiếng cành cạch kình kịch nó choảng vào lỗ tai khó chịu đến không thể ngủ được.
Nhưng xe chật nên giường nằm chỉ rộng khoảng năm mươi phân, còn chiều dài cũng đủ mét chín nhưng khoang để chân người sau là phần gối đầu của người nằm phía trước.
Nhà xe rất cẩn thận, trước khi lên xe hành khách mỗi người nhận một cái túi nilol bỏ dép giầy vào đấy rồi cất lên chỗ nằm cùng với hành lí khác. Lúc nào xuống xe thì cầm cái túi đựng dép ra cửa xe lấy dép đi vào. Vì vậy sàn xe sạch bong.
Trên xe, nằm ngay trước mình là hai thằng người Tàu. Mình cũng lấy làm lạ sao mà lắm người Tàu trên đất nước mình đến thế, có đi Bắc Nam mới biết. Trên tàu hỏa cũng thấy đông, xuống ga cũng gặp nhiều, qua Thanh Hóa, Vinh và các thành phố lớn cũng nhan nhản người Tàu. Sở dĩ mình biết được đó là người Tàu vì ngày cấp ba phải học ngoại ngữ tiếng Tàu nên nghe tiếng mình có thể hiểu, còn bảo mình nói thì ngoài nỉ hảo, nỉ mân hảo chả nói được gì hơn. Với lại ở Việt nam, trông thấy anh nào nhếch nhác, đầu trọc, mắt một mí, thuốc lá rút từng điếu ra mời thì chắc chắn là cái anh người Tàu… nhận ra ngay.
Hai thằng người Tàu đầu trọc nằm ở trước mình (có nghĩa đầu nó gối trên chân mình) một cao một lùn. Thằng cao thì cao hơn mình nhưng gầy hơn mình, còn thằng lùn thì thấp hơn mình nhưng béo hơn. Nếu tính bình quân thì mình cũng chẳng kém gì chúng nó.
Nhưng hai thằng này lại rất vô văn hóa. Trên xe cứ cười nói ông ổng cả ngày, cả đêm. Mình không chịu nổi nữa phải hét im mẹ cái mồm chúng mày đi cho tao ngủ. Bọn nó nghe quát vậy thì im bặt, trợn mắt nhìn, rồi lại hố hố há há. Cả xe tức điên. Có người chửi mả bố nhà chúng nó, nó sang nước mình mà cứ như là đến chỗ không người.
Mỗi lần nghỉ dọc đường là hai thằng lại biến đi đâu mất. Lúc lên xe tất cả mọi người phải đợi. Nhà xe phải cho người đi tìm. Mãi mới thấy hai thằng khệnh khạng hố hố há há lên xe.
Mình hỏi mấy anh nhà xe: kệ cha chúng nó không được à, sao lại để nó đi xe? Tay nhà xe bảo chúng cháu có muốn chở những loại này đâu nhưng nó mua vé ở bến, bến xe xếp chỗ nên đành chịu. Chứ chở nó cũng chẳng hơn được đồng nào.
Mình bảo kệ mẹ chúng nó, nó đến chậm cho rớt dọc đường. Nhà xe phân trần: không được đâu chú ơi. Nó kiện cho mất nghề ấy chứ chả chơi. (Sau này mới biết mấy tay lái xe nói thật. Cái vụ Dìn Kí lật tàu đấy! Nó đòi phải đền 4 thằng Tàu mỗi mạng 30.000đô còn chỉ phải đền mỗi mạng người Việt có 7.000 đô. Vậy ra giá trị mạng sống chúng nó đắt hơn mạng người Việt Nam?)
Sau khi nghỉ ở Quy Nhơn, lúc lên xe mình cầm vào cái túi đựng quần áo ở cuối chỗ nằm thấy dính bết vào tay. Giời ạ, bã kẹo cao su. Hai thằng chó này ăn kẹo cao su rồi ném ngay sang chỗ mình. Mình biết điều ấy vì cả xe chả có ai ăn kẹo cao su, chỉ có hai thằng mồm cứ trèo trẹo như trâu nhai lại. Vả lại đầu nó sát chỗ mình để hành lí của mình, chỉ cần với tay sang lúc mình không để ý...
Khi hai thằng đầu trọc hố hố há há khệnh khạng lên xe, mình chìa cái túi có bã kẹo vào mặt hai đứa, tay xua xua bảo không nên làm vậy.
Hai thằng nhăn răng cười, đầu gật gật.
Mày biết rồi thì ông không thèm chấp! Mình ngủ một giấc. Ra đến Đà Nẵng nghỉ ăn cơm. Mình lăng xăng cầm túi đựng dép định xuống xe trước. Hai thằng trọc xuống liền sau. Mọi người trong xe cũng lục tục xuống theo.
Đến cửa xe mình thò tay vào túi lấy dép. Lại thấy dính. Lại bã kẹo cao su. Điên tiết mình quay ngược lại chỉ vào mặt hai thằng Tàu: hai thằng chó này, tao đã nhịn mày lần trước mà mày vẫn còn chơi đểu tao hả. Đồ khốn nạn!
Hai thằng lại nhe răng cười!
Không thể chịu nổi nữa, mình rút dép dứ vào mặt hai thằng: Ông đã nhịn mày rồi mà mày vẫn còn giở trò khốn nạn hả. Ông phải đập vào mặt mày cho mày chừa cái thói khốn nạn đi nhá hai thằng mất dạy kia.
Và mình phang. Hai thằng tránh. Mọi người trên xe nhao nhao: đập chết mẹ nó đi. Nhịn nó là nó tưởng mình sợ. Ông cứ đập bỏ mẹ nó đi. Vậy là mình yên tâm. Ông một mình nhưng ông có bao nhiêu người ủng hộ. Ông không sợ.
Hai thằng xanh mặt, cụp đuôi im thin thít.
Chặng đường còn lại hai thằng không dám tác oai tác quái nữa. Không thấy hố hố há há, nghỉ dọc đường xong cũng nhanh nhẹn lên xe, mọi người không phải đợi.. Nhà xe bảo cái lũ này mềm nắn rắn buông. Càng nhịn nó càng lấn tới. Cứ phải vậy mới được.
Tới Hà Nội. Hai thằng Tàu nhảy xuống đầu tiên. Mình xuống xe, nhìn quanh: Không thấy hai cái đầu trọc đâu, bọn này lẩn nhanh thế! Đọc thêm!
ĐẾCH NÓI NỮA... KHÔNG LẠI BẢO LÀ...
- Mả bố nhà chúng nó, đến ti vi mà cũng nói sai nói ngọng!
Mình chả hiểu ra làm sao. Thằng này điên chắc! Ti vi nó nói thế nào kệ nó việc gì mày phải nằm lăn ra chửi bới.
- Nhưng mà tức lắm! Tức không chịu được.
- Nó nói ngọng cái gì?
- Không banh tai ra mà nghe. Còn phải hỏi? Dự báo thời tiết đấy. Phía đông Bắc bộ trời nhiều mây có mưa dào dải dác. Lộn cả ruột!
- Ừ nhỉ. Nhưng đấy là người ta nói tiếng Hà Nội, tiếng nói chuẩn của cả nước- Mình công nhận nhưng còn cố bào chữa cho mưa dào dải dác.
Hắn gầm lên, xổ ra một tràng:
- Này tao bảo, đã ngu thì bảo là ngu. Lại còn cố mà bào chữa. Vậy trong từ điển thừa ra chữ e rờ à! Đài là của Nhà nước mà còn nói sai thì ai nghe. Đây nhá: Đọc chuyện đêm khuya nhân vật bà Rơi nó đọc thành bà Dơi. Cái tên Rơi các cụ đặt là từ cái việc bà ấy bị đẻ rơi ngoài đường. Nhưng nó đọc là bà Dơi thì người ta lại nghĩ bà ấy là có tính lăng nhăng dơi chuột. Ngu là ở chỗ ấy.
Mình còn cố vớt vát: thì cái tên quan trọng đếch gì. Vả lại người ta nói đã quen mồm rồi. Hắn độp lại ngay:
- Quen cái chó gì? Quen mồm vậy mà đã đứa nào dám đọc là Tô Huy Dứa… có mà chết cha nhà nó. Chết từ Tổng Giám đốc giở xuống chứ chuyện bỡn à. Vẫn phải cong lưỡi lên mà đọc cho ra Tô Huy Rứa.
- Vậy ra là họ sợ mà phải đọc đúng.
- Đếch phải. Có cái vì sợ nên nói không đúng thành thử dễ hiểu nhầm.
Mình nghĩ, thằng này lên cơn rồi nói bậy. Làm gì có chuyện đó! Hắn như biết ý nghi ngờ ấy, nên xoay người nằm nghiêng thì thào: Đầy cái vì sợ mà không dám nói đúng sự thật. Đến lúc buộc phải nói thì muộn mẹ nó rồi.
Mình cố gặng hỏi. Hắn đã định trả lời nhưng lại tặc lưỡi: Thôi tao đếch nói nữa, không có lại bảo tao là phản động.
Rồi hắn ngồi dậy, phủi đít quần. Về! Đọc thêm!
HỚT
Người hay nói trước sự việc hoặc xăng xái làm việc không phải phận sự của mình người ta bảo là “hớt”. Mình đã viết cái truyện ngắn “Tỷ Hớt”.
Nhưng mà ngẫm lại không có anh Hớt thì thiên hạ cứ tưởng mình đại thông minh đại sáng suốt.
Thì ra không ít người hớt đã biết trước cái sự thể tương lai nó sẽ xảy ra như thế, như thế… nhưng cái anh nghe thường dở hơi đã không biết lại còn bảo thủ. Thành thử bao giờ anh chàng hớt cũng phải chịu hệ lụy: hệ lụy bởi cái tên bị gán cho là “hớt” không mấy hay ho và còn hệ lụy khác.
Ngày mình còn bé, xóm mình có một ông ăn to nói nhớn và nói thẳng. Mọi người gọi là ông “Binh Ồ” vì bao giờ ông ấy cũng ô xời… trước khi nói. Âm “ô” liền với âm “giời” nghe như tiếng Ồ...
Dạo ấy mới vào Hợp tác xã, sáng ra kẻng đánh beng beng, đội trưởng sản xuất phải đến từng nhà gào gáy giục mọi người đi làm, tối nào cũng kẻng beng beng báo đi họp để nghe quán triệt nhiệm vụ mọi người phải tích cực sản xuất tiến nhanh tiến mạnh lên Chủ nghĩa xã hội.
Nhưng mà ngày ấy đói rạc…
Một lần ông Chủ nhiệm HTX đang hùng hồn thuyết giảng mươi năm nữa tương lai sáng chói lên Chủ nghĩa xã hội thì của cải như nước, mọi người sẽ được ở nhà của nhà nước xây cho, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu…Bà con há hốc mồm nghe rớt cả dãi mồm dãi mũi…Chợt nghe thấy tiếng: Ô xời…
Ông Chủ nhiệm cáu lắm. Hỏi lão Binh Ồ: Ô giời cái gì? Không tin Đảng tin Chính phủ à?
Lão Binh Ồ không nói gì. Mà làm sao dám nói, vì ngày ấy ai gặp nhau nói chuyện bao giờ cũng phải kèm thêm câu mở đầu ơn đảng ơn chính phủ. Ví như ông A hỏi ông B: ông được mấy con thì ông B bảo là ơn đảng ơn chính phủ tôi được tám đứa. Mấy con giai? Ơn đảng ơn chính phủ toàn con gái…Vậy kinh tế có khá không? Trả lời: ơn đảng ơn chính phủ túng lắm, đói lắm…
Lại kể tiếp, ông chủ nhiệm tiếp tục phê phán xã viên lười biếng không tự giác hăng say lao động, không có ý thức hợp tác xã là nhà xã viên là chủ…
Ô xời… lần nay thì lão Binh Ồ ngồi tại chỗ nói vóng lên: việc đếch gì phải hợp tác xã, cứ chia mẹ ruộng ra cho mỗi nhà rồi Nhà nước muốn thu bằng nào thì thu, đỡ phải rắc rối…
Ông chủ nhiệm lập tức hô: thằng phản động! Trói nó lại. Các đồng chí đâu, lập biên bản bắt quả tang tên phản động đang tuyên truyền phá hoại hợp tác xã, chống lại chế độ.
Vậy là lão Binh Ồ bị lập biên bản, bị gán cho chức danh phản động. Mấy chục người có mặt cũng điểm chỉ xác nhận. Lão bị giam ở nhà kho một đêm rồi bị giải lên huyện
Vài hôm sau lão Binh Ồ bị đưa ra xét xử. Bị cải tạo cũng lâu lâu…
Rồi năm tám mốt tám hai cũng chia ruộng. Rồi ngợi ca ta sáng suốt, ta vĩ đại nhất thế giới, ta tư duy sáng láng phát hiện đúng quy luật.
Vậy ra bao nhiêu con người vắt óc sáng suốt nghĩ mãi mới ra cái quy luật giản đơn mà một lão nông dân mù chữ nói cách đấy gần ba chục năm. Kể cũng còn may, nếu không nghĩ ra thì không biết bây giờ ra làm sao.
Đấy là chuyện ngày xửa ngày xưa.
Hôm qua mình gặp Sĩ, Thiếu tá quân đội đã nghỉ hưu. Sĩ là con trai của lão Binh Ồ. Bọn mình tuổi xấp xỉ nhau, lúc còn bé là bạn chăn trâu đánh đáo nên bây giờ gặp nhau là nói chuyện chả phải kiêng cữ gì. Hắn có biệt danh là Sĩ Ngang bởi vì hắn hay cãi ngang…
Gặp hắn, mình thử thăm dò: này biết cái vụ thằng Tàu ở biển Đông chưa?
Hắn bảo luôn: Lạ gì! Đánh bỏ mẹ nó đi cho chừa cái thói ăn cướp.
Mình bảo: tiềm lực nó mạnh vậy, mình vài cái tàu như lá tre đánh thế nào được?
Hắn trợn mắt: ta cũng mạnh chứ! Còn dám làm đường sắt cao tốc cơ mà.
- Cái tay này vớ vẩn. Đường sắt cao tốc thì liên quan gì đến việc tranh chấp biển Đông?
- Đây này tao nói cho mà nghe- mày biết làm đường sắt cao tốc hết bao nhiêu tiền chứ: 56 tỷ đô. Riêng khoán làm dự án đã mất 4,8 tỉ đô. Mà cả thằng Nhật, thằng Đức, thằng Tàu… thằng nào cũng kêu lỗ. Vậy mà ta vẫn cứ làm. Quốc hội khóa tới lại sẽ bàn làm cho mà xem. Mấy lão chống đường sắt cao tốc nghỉ hưu hết rồi.
- ? ? ?
- Nếu không làm dự án cao tốc- Đây là tao chỉ nói không làm cái đường sắt cao tốc ở trên giấy chứ chưa tính đến thực hiện dự án…thì mình đã để ra được 4, 8 tỷ đô rồi phải không nào.
Mình vẫn lơ mơ chưa hiểu. Sĩ Ngang đành phải giải thích:
- Này nhá: chỉ có ngu mới tính không ra. Mỗi cái chiến hạm hiện đại như cái tàu Đinh Tiên Hoàng vừa mua ấy giá là 175 triệu đô, mỗi cái máy bay Su 30 giá 30 triệu đô. Nếu dùng 4,8 tỉ đô ấy sẽ mua được 20 chiến hạm với 40 cái Su, chưa cộng với 2 cái Chiến hạm và 12 cái Su hiện có…Còn nếu dùng cả 56 tỉ cao tốc ấy mà sắm thì mua được vài trăm cái tàu với hàng nghìn cái Su… rợp giời rợp biển thì còn sợ thằng nào…
- Nhưng thằng Tàu nó cũng có.
- Thì đã đành. Nhưng thằng Tàu bây giờ cũng chỉ có 24 cái Su… nó lại đang phải đóng tàu sân bay. Mình giữ nhà mình, cứ đất liền phóng ra mà tương cần đếch gì tàu sân bay…
Chịu thằng này giỏi tính. Nhưng mình còn cố vớt vát:
- Chả nhẽ đổ hết tiền của vào sắm vũ khí, lấy tiền đâu mà làm ăn?
- Vậy sao lại làm đường sắt cao tốc để chắc chắn là lỗ? Còn bỏ vốn ấy ra chi phí cho Quốc phòng thì bảo vệ được chủ quyền biển Đông của mình, khai thác dầu khí, đánh bắt cá, khai thác… Lãi là ở chỗ ấy
- Chả nhẽ lại thích đánh nhau?
- Thích gì cái chuyện đánh nhau! Nhưng phải mạnh. Mạnh thì mới không bị bắt nạt. Mới yên ổn làm ăn. Mình không gây chiến với ai, nhưng nó gây hấn với mình thì nhất bục mình cũng phải choảng lại. Chứ bây giờ đã yếu bỏ mẹ lại còn đường sắt cao tốc cao tiếc để rồi khoe thông minh IQ cao. Rõ dớ dẩn, không khéo bị nó xúi trẻ con ăn cứt gà sáp.
Thằng này hôm nay nói chí lí phết. Sao không bầu vào Quốc hội nhỉ- Mình thắc mắc. Nó cười bảo: Làm đếch gì cơ cấu những thằng Hớt như tao!
Mình chợt nhớ chuyện lão Binh Ồ- bố hắn ngày xưa, vội nhắc khéo: be bé cái mồm chứ không lại chết bây giờ!... Đọc thêm!
BĂN KHOĂN
Hồi tháng giêng năm 1974
Bọn mình đang đánh nhau ở Tiên phước Quảng Nam. Suốt ngày OV10 vè vè trên đầu kêu gọi cán binh Cộng sản bỏ súng quay về Bắc với cha già vợ dại con thơ. Rồi tiếng ru con eo éo, tiếng trẻ con khóc u oa… cải lương lâm li… ong ong bên tai. Điên hết cả người!
Một hôm không thấy ru eo éo, không thấy u oa, không thấy cải lương… mà lại thấy léo nhéo: Hỡi các cán binh cộng sản Bắc Việt! Bọn giặc Trung Cộng đã ngang nhiên xâm lược nước Việt nam, ngang nhiên dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng sa... Chính phủ PVĐ bán nước công nhận Hoàng sa là của… Trung cộng. Là người Việt Nam chúng ta cùng nhau chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất đai Tổ quốc.
Cánh lính mình đều nghe thấy hết. Nhưng không đứa nào dám hỏi gì. Phải đến vài hôm sau mình mới mạnh dạn hỏi chính trị viên. Lão ta bảo: thằng ngụy nó nói bậy, tin thế chó nào được.
Mấy hôm nữa thì chính ủy trung đoàn xác nhận là có thật cái việc Trung quốc chiếm Hoàng sa. Nhưng ông này nói thêm: các đồng chí Trung quốc giúp ta lấy Hoàng sa, sau này sẽ giao lại cho mình. Lo cái gì. Đây là việc làm mang tầm chiến lược.
Mình là thằng lính trơn, tuổi mới hai mươi chẳng biết thế nào là chiến lược chiến thuật nhưng nghe vậy thì tin ngay vì “Việt nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông” Trước khi đi bộ đội mình thấy khối nhà còn treo ảnh Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ bên cạnh ảnh Cụ Hồ. Sinh hoạt đại đội vẫn có thằng đứng lên hát “Ra khơi nhờ tay lái vững làm cách mạng nhờ tư tưởng Mao Trạch Đông”: Ta hai jang xing kháo tua sâu oản ù sâng tì quó thi thái jang…Và Chính ủy đã nói là phải đúng.
Năm 1975 không thấy nó trả Hoàng sa. Mình nghĩ chả nhẽ Chính ủy nói phét. Năm 1976 cả đơn vị phải đi đánh nhau biên giới Tây Nam, rồi 1979 thằng Tàu đánh biên giới phía Bắc. Lúc bấy giờ lại thấy Chính ủy bảo Trung quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm!
Thì ra các ông ở trên cũng dớ dẩn…
Năm 1988 nó xả súng giết 64 chiến sĩ tại Trường Sa.
Mấy năm sau lại thấy khẩu hiệu đồng chí Bốn tốt mười sáu chữ vàng!
Rồi thấy giải tán những người biểu tình bày tỏ Hoàng sa Trường sa là của Việt Nam. Vào mạng Bauxit và một số trang hô hào Hoàng sa Trường sa của Việt Nam thì lại bị ngăn tường lửa.
Vừa rồi vụ biển Đông, giặc Tàu xâm phạm chủ quyền, các báo nhà nước ú ớ nói chả ra đầu ra đũa. Xem trên ti vi cái cô Phương Nga Phương Ngiếc vừa phản đối vừa làm duyên mặt tươi như người mẫu trình diễn áo tắm. Chắc là nói mấy câu cho qua lượt.
Được mỗi hôm rồi lại im thin thít.
Mình hỏi mấy ông bí thư chi bộ… có biết chuyện biển Đông vừa rồi không. Ông nào cũng không biết, ông nào cũng há hốc mồm nghe, xong lại còn hỏi ngược lại thật á thật á chả có nhẽ… sau đó lại khen phim trạng sư Mộng Cát của Tàu hay thật(!)
Hôm nay nghe Phi lip pin gọi hẳn Đại sứ quán Tàu quở trách. Cái anh Phi vậy mà gớm! Chả như mình.
À phải rồi. Đã lâu không thấy đài báo nói đến cụm từ “dân tộc Việt Nam anh hùng”. Ừ nhỉ. Chỉ thấy phim Tàu, tin kinh tế Tàu tràn ngập ti vi từ Trung ương đến cấp tỉnh và người Tàu thì nhan nhản mọi nơi trên đất Việt Nam. Nhiều đến nỗi nếu có tai nạn như vụ Dìn Kí thì Ba Tàu cũng góp mặt số đông…
Chợt nhớ một cái đề cho học sinh điền vào dấu ba chấm (…)
Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm.
Tổ quốc ta có bao giờ… thế này chăng.
Sao mà ra đề ác thế, khó thế!!! Điền không đúng ý thì liệu thần hồn! Đọc thêm!
LỰA CHỌN
- Đ. mẹ cái thằng con tôi, nó ngu như con bò. Thi đại học làm cái đéo gì. Ở mẹ nhà mà làm cán bộ xã, làm bí thư chủ tịch. Nó không nghe tôi...
Tôi bảo: cái lão này gàn! Báu gì cái chức cán bộ xã. Mà liệu có ai bầu.
Lão trợn mắt lên: sao lại không bầu? Thằng con tao trẻ khỏe học hành sáng láng, tài vặt hàng bồ, phong cách đàng hoàng như lãnh tụ..
Mà ông bảo báu gì á. Nó còn là bố cái thằng Đại học... như ông đấy, cũng Đại học, làm đến Hiệu trưởng mà vẫn phải cum cúp kính thưa kính gửi,,,
- Dễ mà được làm cán bộ xã à!
- Thì biết là không dễ nhưng không khó bằng đi thi đại học?
- Sao vậy?
- Ơ cái lão này, ngu thế! Vào được đại học là có phải con anh phải giỏi hơn hàng mấy nghìn thằng tuổi như nó, học hành như nó. Này nhé. Thi Đại học thì trong mười năm nghìn đứa thi một trường người ta chỉ lấy có năm nghìn đứa...
- Vậy là một chọi ba!
- Chỉ có thằng ngu mới nói như thế! Một chọi ba thì khó đếch gì nếu con mình chọi ba thằng què. Vật một phát ba thằng chết thẳng cẳng... Nhưng thực ra không phải là như vậy mà là một chọi mười nghìn. Con mình phải hơn mười nghìn thằng. Để đỗ được vào cái trường mà nó thi ấy nếu nó là thằng đỗ dù là đỗ thứ năm nghìn thì nó cũng phải cao điểm hơn mười nghìn đứa. Tức là nó phải giỏi hơn mười nghìn đứa khác. Mà những đứa này đều thuộc diện học hành cẩn thận. Đúng không nào?
Phải chịu lão này nói đúng!
- Vậy thì tội đếch gì phải thi vào Đại học. Ở mẹ nó ở nhà. Làm thằng bảo vệ, làm cán bộ Đoàn... Trong thời gian những thằng kia vật vờ đói khát nhục như con chó... cắm cổ lòi mắt học hành thì con mình vẫn ăn trắng mặc trơn ở nhà, thỉnh thoảng lại có thể vênh mặt ta đây... thằng kia học xong đại học bơ vơ đang tìm việc làm thì con mình chí ít cũng lên tới phó công an hoặc phó bí thư xã đoàn... Rồi cứ thế mà lên...
- Nhưng mà có phải tất cả những thằng ở nhà đều làm cán bộ xã.
- Đúng! Nhưng những thằng ở nhà thì chủ yếu văn hóa lớp ba kỳ một. Cả xã may ra có vài thằng tốt nghiệp cấp ba còn ở nhà. Đánh đổ được mười nghìn thằng ở cả nước thì việc đánh đổ vài thằng ở xã là chuyện vặt. Đúng không nào? Vậy cho nên tớ ban ra nghị quyết cho thằng con: không đại học đại hiếc gì cả. ở nhà phấn đấu làm cán bộ xã để có ngày tao được làm bố thằng bí thư, làm bố thằng chủ tịch...
Nhưng thằng con lão không nghe lão. Nó thi đỗ và đi học Đại học Bách khoa.
*
* *
Gần chục năm sau lại thấy lão tấp tểnh tay xách nách mang. Hỏi bảo đi đâu. Lão hổn hển thở bảo là đi lên thăm con. Trông bộ dạng lão dạo này hom hem lắm. Mắt đùn dử to bằng hạt gạo, lưỡng quyền nhô lên như sừng trâu nghé, lưng gù gập dáng tôm luộc dở. Giọng phì phào hụt hơi.
- Mẹ nó! Quân ngu như bò. Nói không nghe...
Mình hỏi chửi ai thì lão bảo chửi thằng con. Đúng là lão gàn, con cái học hành thành đạt, công ăn việc làm tử tế ở Thủ đô, con dâu cũng làm nhà nước lại mới có cháu nội... Ối người mơ mà chả được! Thế mà lại còn nên nước. Hỏi thêm tí...
- Thế nó đã mua được nhà ở Hà Nội chưa?
Lão thở dài đánh sượt nghe chừng ngán ngẩm:
- Hai vợ chồng nó lương chưa đầy chục triệu, lại con nhỏ, lại thuê nhà, lại ở Thủ đô đắt đỏ nhất thế giới... thì tiền đâu mà mua nhà. Giá có tích cóp thì phải bắt đầu từ thời nhà Lý cách đây nghìn năm thì bây giờ mới đủ tiền.
- Đầy cán bộ xã bây giờ có nhà ở Hà Nội- Tôi buột miệng. Như chọc đúng cái bầu tâm sự, lão gằn giọng;
-Thì thế mới chửi thằng con ngu lâu.
Ừ thì ra lão cũng nhìn xa ra phết. Cái mộng làm bố Bí thư Chủ tịch cũng là cái cách nói quá để thỏa mãn cái bề nổi danh dự, cũng là để trả thù cho mấy tay lãnh đạo hống hách coi dân bằng con tép. Một kiểu nói của AQ! Nhưng về kinh tế thì nhỡn tiền thằng con lão thua mấy tay cán bộ xã thật!
Tôi trêu: Thôi! Làm lại từ đầu! Lên bắt thằng cháu nội về cho nó đi học ở quê để rồi sau này làm cán bộ xã.
Lão giãy nảy: Nói vậy mà nghe được à. Chả ai phú quý giật lùi, chả ai bế con dốc đầu giở xuống. Thôi thì không được làm bố Bí thư Chủ tịch thì cũng chẳng đứa nào dám chửi bố đám con cháu mình lên là được rồi. Chứ còn làm cán bộ xã thì cả làng cả tổng người ta vẫn ỉ eo moi móc. Mà thực ra thời buổi này làm cán bộ cũng khó. Làm đếch gì có dân chủ thật sự. Mình có tài có năng lực thật nhưng không cơ cấu thì cũng là thằng chân trơn. Mà được cơ cấu rồi lại phải gọi hàng trăm thằng bằng bố. Đếch vào nữa!
Lão chào tôi và vươn cổ, hì hục bước. Cái lưng đã thẳng hơn... Đọc thêm!
VẤT VẢ LÊN CHỨC, LÊN ĐỜI, LÊN...
Mình cho rằng cũng phải thôi. Phàm là người có chí tiến thủ thì khi mới bắt đầu là anh binh Nhì đã phải mơ đến lúc thành Nguyên soái. Là giáo viên phấn đấu lên Hiệu phó Hiệu trưởng cũng là cái sự thường tình. Dù rằng cái chức vụ ấy cũng chỉ là cái anh đầu binh cuối cán trong một nhà trường.
Nhưng con đường đi từ anh lính quèn đến Nguyên soái vĩ đại cũng muôn nẻo gập ghềnh. Bây giờ là cả một cuộc CHẠY(!) đua tranh khốc liệt.
Trong ngành Giáo dục lại thấy có sự lạ:
Hai đối tượng: một không thể có chồng …và một đằng có chồng (hoặc có thể lấy chồng). Tại sao lại chia đối tượng như vậy thì người đọc tự hiểu… Hí Hí!!!
Trong cuộc đua ấy, bên có chồng (hoặc có thể lấy chồng) bao giờ cũng thắng! Mặc dù bên kia hơn hẳn về trình độ năng lực.
Sao thế nhỉ?
Có mấy chị em khi lên Hiệu trưởng Hiệu phó thì tự dưng dung nhan xuống cấp trầm trọng.
Tính mình hay nói thẳng. Một lần thấy mấy chị em mới lên chức ngồi với nhau nói trường em vất vả, trường em khó khăn, em vất vả, em ngày đêm, em lo lắng… mình ngứa mồm bảo: các em sao dốt thế. Đang tự dưng ôm khốn nạn vào thân. Báu gì cái chức Hiệu trưởng Hiệu phó mà đang hẳn hoi bây giờ đứa nào đứa nấy vêu vao như cú rõm. Phụ nữ phải lấy nhan sắc làm trọng. Sao chồng chúng mày nó cũng đồng ý. Không sợ chồng nó chê, nó bỏ đi theo con khác thì toi à?
Một cô vốn là giáo viên văn bảo: Em chả sợ! Vì chồng em muốn em lên chức, vậy mới có đầu tư cho mà CHẠY chứ! Hậu quả thế nào thì phải chịu. “Mình làm mình chịu kêu mà ai thương”
Phải nói là cô này thuộc Truyện Kiều!
Còn một cô bảo: Em chả sợ chồng chê. Vì lão nhà em già hơn em nhiều!
Mình nhìn cô ta, vậy lão nhà cô ta có dễ đến tám mươi tuổi chứ chả chơi. !
Vài tháng sau mình đi họp lại gặp các cô. Tự dưng thấy nhất loạt “Đổi mới”. Nhất loạt mặt mũi vôi ve đơ-cu-lơ cẩn thận (Có nàng còn quét vôi cả cánh tay), tóc duỗi mành mành, quần bò áo chẽn hàng hiệu, đồi núi nhấp nhô… giày cao gót rón ra rón rén… phong độ yểu điệu thục nữ.
Lại ngứa mồm hỏi: Sao các cô em, chồng chê rồi à? Sợ các lão ấy chê rồi à?
- Các lão nào? Các cô hỏi ngược lại mình.
- Các lão chồng các cô chứ còn lão nào!
Nhất loạt nhao nhao trả lời: Tưởng gì! Chúng em có sợ khối!..
- Ơ hay! Mấy cái cô này, chức Hiệu trưởng Hiệu phó là gì mà đã không sợ chồng. Vậy chúng mày sợ cái gì?
Giữa lúc ấy thì gừ… gừ… rừ rừ…Bụng các cô rung bần bật, rồi cho tay vào cạp quần: Điện thoại! (chả là trong cuộc họp điện thoại tắt nhạc chuông). Cùng một lúc các cô chộp điện thoại chạy vọt ra khỏi hội trường… Mình ngóng cổ nghe câu được câu chăng: … vơng..! Em đây… Em cũng đang họp tại Phòng… Trưa! Ở đâu ạ? vơng… vơng! chỗ kia cũng thấy ỏn ẻn vơng...em đây anh ạ! ra chiều tình cảm rất là lâm li... Mình đoán chắc là chồng các cô gọi, lại ngứa mồm bảo: Khiếp! vợ vừa mới đi họp mà đã nhớ quá, đã réo rắt...
Nhưng lạ! Cô nào cũng vâng dạ, cô nào cũng có hẹn trưa...chả nhẽ các đức ông chồng nhớ vợ quá phải lên huyện chờ tận đến trưa? Trưa nay hội nghị thừa ối cơm. Mình tròn mắt. Một cô bâng quơ thanh minh:
- Liên hệ công tác đấy, bận khiếp lên được… Sau Đại Hội… từ xã đến huyện toàn cán bộ lãnh đạo vừa trẻ vừa năng động… Đọc thêm!
HAI SAO... BỐN SAO
Sáu tháng sau được phong binh Nhất.
Hai sao trơn trên quân hàm. Cũng thấy oai oai, ít nhất cũng hơn những thằng đi cùng đợt vẫn còn binh Nhì một sao! Nhưng nhìn mấy ông đeo bốn sao đè gạch bạc mà mơ… lại nghĩ về lời tiên tri của bác giáo già.
Tháng 7 năm ấy mình được điều lên Quân lực Trung đoàn. Vì viết chữ đẹp và ngoan ngoãn chứ cũng chẳng tài cán gì.
Lại nhận được quyết định phong quân hàm Binh Nhất lần nữa(.!?) Giời ạ! Có ai oai như tôi không. Hai lần được phong quân hàm binh nhất. Lần này được phát kèm bộ quân hàm hẳn hoi.
Mình về hì hục tháo sao ở quân hàm cũ, cài thêm vào bộ quân hàm mới và hãnh diện đeo lên.
Mình đã có bốn sao mỗi bên ve áo! He he!
Đeo bốn sao trơn không ra binh mà cũng không ra tướng. Cổ đầy những sao là sao. Hai bên tám ngôi chứ có ít đâu. Giá có viền xung quanh là cấp Đại tướng- ác liệt nhất toàn quân hoặc ít ra cũng phải có gạch bạc (Đại úy, Đại tá) nhưng trơn tuột bốn sao chẳng ra cấp gì. Ai hỏi sao lại đeo vậy mình bảo vì hai lần phong binh Nhất nên phải gấp đôi số sao của binh Nhất.
Mấy lão trong ban bảo đồ xỏ lá, đồ mất dạy. Mình làm như không nghe thấy! Ông Trưởng tiểu ban Quân lực bắt mình phải tháo bớt hai sao. Kệ! Mình vẫn để nguyên.
Tuần sau lúc đi ăn cơm mình gặp ông Vượng- Trung tá Trung Đoàn trưởng. Một vị chỉ huy khét tiếng nghiêm khắc.
Mình lúng túng định chuồn… nhưng ông ấy nhìn thấy mình có dáng vẻ khả nghi bèn gọi giật giọng thằng kia, lại đây!
Mình đành phải đến gặp, hai tay bắt chéo qua ngực giả vờ gãi tai gãi mặt để che ve áo. Bộ dạng lúng túng...
Ông ấy càng nghi hơn. Nghiêm! Mày đứng nghiêm xem nào! Lính tráng gì mà điệu bộ như thằng chết toi! Không học điều lệnh à?
Đành phải đứng nghiêm. Sợ đến sắp vãi đái. Ông ấy nhìn mình từ đầu đến chân, rồi từ chân đến cổ và dừng lại ở đó…
Đột nhiên vị Trung Đoàn trưởng đứng nghiêm, giơ tay lên…chào. Chào Đại Binh bốn sao …
Tất cả mọi người có mặt ở nhà ăn Trung đoàn bộ cười ồ lên. Mình chỉ thiếu nước chui xuống đất.
Rồi ông ấy bỏ đi. Thoát rồi! Nhưng lại lo khéo phen này bị kỷ luật tước quân tịch chuyển sang trại cải tạo thì toi…
Đêm ấy không ngủ được. Nghĩ mọi phương án xấu nhất có thể xảy ra.
Sáng hôm sau mình bị gọi lên Ban chỉ huy. Chết rồi! Phen này chắc chết.
Ông Vượng không có ở BCH. Tham mưu trưởng trao cho mình một tờ quyết định.
Mình được phong Hạ sĩ! Nhưng bị điều xuống đơn vị chiến đấu làm Tiểu đội trưởng, chuẩn bị lên đường vào Nam. Ối giời ơi!
….
Tháng 9 năm ấy mình vào đánh nhau ở Quảng Đà (Quảng Nam Đà Nẵng bây giờ). Cũng mấy lần được là Dũng sĩ, được Bằng khen… Đơn vị thông báo về địa phương, gia đình làng xóm tự hào lắm.
Năm 76 mình ra quân với quân hàm Trung sĩ- hai sao đè gạch vải vàng!
Vẫn còn dư ra mỗi bên hai sao. Nhân hai bên là bốn!
Bây giờ mình vẫn giữ bốn ngôi sao dư ra làm kỷ niệm! Nhớ lời bác giáo già, thỉnh thoảng vẫn cứ nằm mơ đeo quân hàm bốn sao hai gạch bạc… Đọc thêm!
QUỲNH-GIAO
Năm 1979…
Mình và Hắn gặp nhau. Hắn và mình cùng học với nhau từ lớp 5 đến hết cấp ba. Rồi 1971 cùng đi bộ đội. Hắn ngoài Bắc suôt, chủ yếu là đi học để làm sĩ quan. Mình vào Nam đánh nhau. Năm 76 mình xuất ngũ với quân hàm Trung sĩ còn hắn tiếp tục ở lại QĐ với quân hàm Trung tá.
Nói cái chuyện quân hàm để nói cái sự đời. Tá giầy da, sĩ giầy vải. Thằng đi giầy da bóng lộn chân trắng thơm tho, còn mình dận giầy vải thô chân cẳng lúc nào cũng đượm mùi… Tá với sĩ thì cũng vẫn là bạn, xưng hô vẫn mày tao. Thằng Trung tá béo tốt ngồi cả ngày há hốc mồm nghe thằng Trung sĩ gầy giơ xương nói chuyện đánh đấm.
Mình cũng không hiểu vì sao hắn lại thích. Có thể mình kể hay chăng? Hoặc hắn muốn nghe để biến thành chuyện của hắn rồi kể lại với lính làm minh chứng cho hai ngôi sao cưỡi hai vạch bạc trên ve áo. Có lẽ lý do thứ hai thuyết phục hơn vì mình là thằng diễn đạt kém.
Để có thể được nghe nhiều chuyện thì hắn hay bày ra cuộc chơi mà mình không thể từ chối. Ví như tối nay đến nhà tao chơi, tao đánh cá lên làm gỏi. Đang thời bao cấp, đói nhăn, thiếu chất đến rạc người… sức cám dỗ của miếng cá sống ngậy ngậy giòn giòn trong miệng, lá mơ bùi nghìn nghịt, nhất là mùi vị dấm mẻ chỉ nghĩ đến là đã tứa nước chân răng… cho nên mình có mặt ngay. Rượu ngà ngà mình lại kể chuyện đánh nhau…
Hắn lại há mồm ngồi nghe.
Kể cũng hay, hắn lướt thướt lội ao ngập cổ, đánh cá lên túi bụi hái lá làm gỏi, bưng bê mời gọi… mình chỉ việc ngồi chén. Vậy ra thằng trung sĩ cũng có cái thứ đáng đồng tiền bát gạo.
Một lần hắn lại gạ đến nhà hắn chơi. Mình bận nên chối ngay. Hắn bảo đêm nay hoa quỳnh nhà tao nở. Đến xem quỳnh nở. Đến nhá!
Mình chưa biết cây quỳnh thế nào, chưa biết hoa quỳnh méo tròn ra làm sao lại càng chưa biết hoa quỳnh nở. Chỉ nghe cụ Nguyễn Du tả trong Truyện Kiều: Khi chén rượu khi cuộc cờ, khi trông hoa nở khi chờ trăng lên. Mà ngày ấy chỉ ông bố hắn là người sành chơi vì cụ là cán bộ Lương thực (cán bộ Lương thực thời bao cấp là vua- vừa giầu vừa oai nên sang lắm, cây thế, non bộ lung linh). Mình nghĩ làm thằng đàn ông thì cũng phải biết tý thú chơi tao nhã… đánh nhau như Từ Hải bao nhiêu năm chả nhẽ lại thua anh chàng Kim Trọng dở hơi…
Vậy là đến.
*
* *
Đèn măng sông sáng choang, một chai rượu với một đĩa lạc rang, bao thuốc Tam Đảo bày sắn, hắn ngồi chờ. Chín giờ đêm mình mới thò mặt đến.
Mình với hắn ngồi uống rượu, ngà ngà lại bốc lên kể chuyện. Hắn há hốc mồm nghe. Nhiều chuyện mình đã kể, hắn đã nghe vậy mà lần nào cũng chăm chú. Chả nhẽ hắn nghe đến thuộc?
Mười một giờ đêm mình không kể nữa, bảo mày đưa tao ra vườn xem quỳnh nở. Lúc bấy giờ hắn mới nhớ ra đứng dậy chạy ra vườn. Mình định chạy theo thì hắn bảo cứ ngồi đấy.
Một lát sau hắn thở phì phò bê vào một chậu cây.
Trên chậu thấy một cái cây khẳng khiu những cành, leo trên cây ấy lại là một cây khác có lá dài, bản dày đang đung đưa hai cái nụ hoa to bằng quả trứng ngỗng. Nụ hoa hình con thoi được cái cuống xanh xanh bọc lại như người ta dúm bằng một cái giấy gói hẹp nên lòi ra đầu cánh hoa trắng nhờ chúm chím như những đầu ngón tay chụm lại. Hắn bảo cây khẳng khiu là cành giao còn cái cây leo lên cành giao là cây quỳnh… Bây giờ mình mới biêt tại sao người ta lại nói cây quỳnh cành giao.
Mười một rưỡi. Hắn bảo hoa sắp nở.
Mình ngồi nhìn. Chả thấy gì. Hoa vẫn bị bọc trong cái cuống.
Rót thêm một chén rượu, đưa lên mũi… nhấp nhấp vị cay nồng. Ngẩng mặt nhìn giời. Trăng đầy lắm!
Cúi xuống. Bất ngờ thấy cái cuống xanh xòe ra một tí, những đầu cánh hoa lúc trước còn chúm lại bây giờ đã doãng ra. Cái hình con thoi đã biến thành hình nón.
Nở rồi đấy à! Đếch thấy thơm. Mình hỏi, hắn bảo mới bắt đầu, chưa thơm đâu.
Nhìn mãi, hoa vẫn chúm chím. Chán. Lại chiêu hớp rượu, lại ngửa mặt nhìn trăng, nghĩ vẩn vơ: vô bổ thật… Mười hai giờ đêm rồi. Đếch vào nữa, ông về!
Quay lại hoa đã nở bung.
Những cánh hoa mỏng mảnh dài hơn mười phân đã bung cánh xếp, đầu cánh hoa đã buông ra mềm mại. Trắng ngần và tinh khiết. Thấp thoáng một chút vàng lộ ở giữa khoảng trống những đầu cánh… nhị hồng e thẹn lấp ló.
Tắt thuốc lá đi, hắn nhắc. Mình làm theo. Hình như có mùi hương thoang thoảng như hương hoa huệ, không phải… hương ngọc lan… cũng không phải. Rất nhẹ, rất nhẹ lan vào khứu giác. Rồi hương quỳnh đậm hơn một chút nhưng cũng chỉ để cho ta biết được là nó đang hiện hữu chứ không xô bồ.
Mình ghé mũi sát bông hoa, hít mạnh để định hương. Chả thấy gì! Nghĩ ra mới thấy vô duyên quá. Ghé sát mặt hoa, hoa đành nín thở. Như người con gái…
Buông xa cánh hoa… mùi hương lại thoảng nhẹ.
Mình nằm nghiêng người, mặt ngóng về phía hoa. Nhìn… Lung linh nét cười của người đẹp. Không rõ mặt, nhưng đúng là người đẹp. Mờ ảo như nấp sau mành lụa mỏng…
Rồi ngủ quên! Một mạch đến sáng.
Mở mắt, nhớ ra. Nhìn lại. Không tin ở mắt mình. Cánh hoa bây giờ rũ xuống nhăn nheo, đọng một màu xám buồn hắt hiu... Hoa đã tàn!
Chán, uể oải…
*
* *
Đầu năm 1997- Lại gặp nhau, hắn đã là Đại tá.
Cuối tháng 8 năm 1997. Hắn chết. Vì ung thư gan!
*
* *
Hôm vừa rồi lại thấy hoa quỳnh ở nhà thằng bạn khác. Bông hoa quỳnh được cắt bỏ vào trong cái cốc thủy tinh. Ban ngày mà hoa vẫn tươi… nhưng cả cái hoa không ra cúp, chẳng ra mở, như bị bó lại trong tờ bìa vừa hẹp lại bị rách dọc. Thấy tội tội! Chẳng thà cứ bung ra lấy một lần...
Lại nhớ lại ngày xưa xem hoa quỳnh nở. Đọc thêm!
CHUYỆN ĐI BẦU CỬ
Thiệt thòi cho hắn khi tuổi vừa 18 thì đi bộ đội, ba năm quân ngũ lại không có cuộc bầu cử nào. Thành ra hắn băn khoăn mình đã trưởng thành, đã thực hiện trách nhiệm công dân đi bảo vệ Tổ quốc nhưng lại chưa được hưởng quyền lợi của công dân: đó là cầm lá phiếu bầu người đại diện cho mình.
Ra quân, hắn về làm công nhân cho một công ty nhà nước với chức năng cung ứng vật tư.
Năm ấy có cuộc bầu cử. Đâu như năm 1988 thì phải (có thể cộng trừ 1 đến 2 năm vì các nhiệm kỳ bầu cử của nhà nước ta thay đổi đang bốn năm lại chuyển thành năm năm và còn có cả nhiệm kỳ kéo dài hơn 5 năm nên tớ nhớ không rõ, thôi cứ áng chừng vậy, quan trọng là cái chuyện tớ kể sau đây cơ)
Lần đầu tiên chú em được thực hiện quyền bầu cử của công dân, hắn khoái lắm. Thẻ cử tri nhận về cất trong ví, thỉnh thoảng lại bỏ ra ngắm. Rồi hắn trịnh trọng tuyên bố với cả nhà: Lần đầu tiên trong đời được đi bầu cử, dứt khoát không nhờ ai bầu thay! (Chả là quê tớ thường linh động một người đi bầu thay cho cả nhà- cũng chả ai thắc mắc gì sất)
Ông bố tớ lúc bấy giờ đang làm cán bộ huyện nghe hắn nói vậy thì khen: thằng này ý thức tốt. (Đây là lời khen hiếm hoi đối với hắn vì hắn là út trong nhà, tính lại hơi ngang nên thường bị bố mắng, nhiều khi còn cho ăn đòn)
Đúng hôm bầu cử, năm giờ sáng hắn phải đi nhận hàng tại TP Nam Định (cách nhà bốn mươi cây số). Trước khi đi hắn còn dặn đến gần trưa sẽ về, hắn sẽ vào ngay địa điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền lợi công dân. Cả nhà yên tâm.
Lấy được hàng, hắn đi thuê xe. (Ngày ấy thuê phương tiện rất khó) Đôn đáo chạy hết chỗ này đến chỗ khác, chỗ nào người ta cũng bận đi bầu cử nên phải đến trưa mới thuê được một cái xe ghẻ để đưa hàng về.
Cái xe ậm ạch chạy về đến Cổ Lễ thì giở chứng, không chạy được nữa. Lại phải chạy đôn chạy đáo đi thuê xe khác. Chuyển hàng sang xe mất thêm vài tiếng đồng hồ. Về đến công ty, bốc hàng nhập kho xong đã hơn năm giờ chiều.
Xong việc hắn cuống cuồng đạp xe về đến địa điểm bầu cử mới gần 6 giờ chiều. Yên tâm vẫn còn kịp vì đến 19 giờ mới kết thúc bỏ phiếu.
Nhưng chỗ hắn đến làm nghĩa vụ công dân thấy trống trơn chả có gì. Hỏi ra hắn mới biết việc bỏ phiếu đã hoàn tất.
Hắn đi tìm ông tổ trưởng bầu cử, ông này bảo đã bầu xong rồi, phiếu kiểm xong rồi. Hắn bảo tôi đã bầu đâu mà xong!
Ông Tổ trưởng bảo: bảo xong là xong, danh sách cử tri tất cả đã đánh dấu gọng vó rõ rành rành lại còn cãi cố!
Hắn trịnh trọng chìa cái thẻ cử tri ra bảo nếu tôi bầu rồi thì phải đóng dấu vào thẻ chứ?
Ông Tổ trưởng tức quá bảo cái thằng này cùn! Mày định phá hoại cuộc bầu cử phải không. Tao đã bảo xong là xong!
Ông vỗ trán một lúc mới nhớ ra. Thì ra đợi đến trưa vẫn còn danh sách thằng em tớ chưa đi bầu, mấy ông đã cáu lắm vì như vậy làm chậm tiến trình cả tổ bầu cử, mất điểm thi đua. May làm sao bà mẹ tớ đi chợ về qua, các ông gọi vào bảo bà bầu giúp hắn cho xong đi. Hắn lại từ cơ quan về thẳng đây, chưa về nhà nên không biết.
Không biết cũng là có tội! Ông Tổ trưởng báo cáo lên xã. Xã báo cáo lên huyện. Huyện kết luận thằng em tớ cố tình dây dưa thời gian, lại còn đến tổ bầu cử gây mất trật tự, rõ ràng có ý định phá hoại cuộc bầu cử.
Ông Phó Bí thư Huyện ủy gọi bố tớ lên khiển trách.
Mấy tháng sau bố tớ được về hưu trước tuổi.
Thằng em tớ cũng được thôi việc trong thời gian đó.
Rút kinh nghiệm từ đấy trở đi lần bầu cử nào nhà tớ cũng cử một người cầm toàn bộ thẻ cử tri ra địa điểm bầu cử dự lễ khai mạc rồi ngồi tại chỗ đợi mọi người trong gia đình ai đến thì đưa thẻ cho vào bầu. Độ nửa giờ lại chạy vào xem danh sách kiểm tra những người nào trong nhà chưa có dấu gọng vó có khớp với số thẻ còn trên tay hay không để chạy về nhà đốc thúc. Nếu ai đến quá chậm thì tùy cơ ứng biến nêu lên lý do để nói với Tổ Bầu cử cho bầu thay.
Riêng thằng em út thì cho đến giờ vẫn chưa lần nào được hưởng trực tiếp quyền lợi bầu cử vì… hắn có tật ngủ dậy muộn!
Còn lần này thì hắn đang làm thợ xây ở tận nước Nga… Đọc thêm!