Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

ĐÊM ẤY CÓ NGUYỆT THỰC- Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị

Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh số 263-18/7/2013 đăng truyện ngắn "Đêm ấy có nguyệt thực" của Mai Tiến Nghị. Xin được giới thiệu phần đầu của truyện ngắn ấy.



Ông già ngồi dựa vào bức tường tróc vôi nham nhở. Một con mắt đờ đẫn đùng đục trong ánh sáng đèn điện đỏ quạch, con mắt kia chỉ là một cái hố, hai mép da dính nhau và không ngừng rỉ nước… thỉnh thoảng ông già đưa tay lấy mép cái khăn mặt bông vắt vai chấm chấm vào cái hố mắt tối om nhoèn nước ấy…
          - Phải chi ngày đó…
          Nghĩa nghe câu nói này nhiều lần kể từ hồi chiều khi anh vừa bước đến đây. Chỉ vậy nhưng anh cứ xao lòng mỗi khi nghe thấy câu nói ấy. Nó vừa như một tiếng thở dài tiếc nuối của một thời quá vãng.
          Thời gian lặng lẽ trôi nhưng trôi rất nhanh. Thoáng một cái đã ba mươi sáu năm. Có những lúc Nghĩa cứ nghĩ mình vẫn còn trẻ. Nhưng khi ra đường nhiều người gọi bằng ông, anh đã giật mình. Lại nữa, đôi lúc cần nhớ đến một cái gì đó thì vắt óc cũng không thể nhớ ra… Vậy mình cũng đã già.
          - Phải chi ngày đó…
          Chả lẽ anh đã bỏ dở cuộc tham quan ở Đà Nẵng để về thăm lại nơi anh đã từng ở chỉ để nghe một câu tiếc nuối thẫn thờ đến vậy sao? Anh ngạc nhiên vì đã ba sáu năm qua mà ông già vẫn nhớ tên anh khi anh bước đến mảnh vườn xưa. Lúc ấy ông già tay cầm cái bát mẻ đang múc cám cho mấy con ngan vươn cổ khạp khạp đòi ăn. Nghe tiếng chó sủa nhanh nhách, ông già ngẩng lên, rồi nghiêng nghiêng khuôn mặt hom hem, cằm điểm mấy sợi râu lưa thưa… một mắt chăm chăm nhìn anh, giọng nói không chút ngạc nhiên:
          - Hai Nghĩa đó hả.  Ừ…Ừ… cũng già rồi. Đợi chút…
          Nhà vắng hoe. Bà già chắc đã mất. Còn người mà Nghĩa cần gặp chắc đã đi lấy chồng. Phải thôi. Ba mấy năm rồi. Chắc cũng già rồi.
          - Vô nhà nằm nghỉ. Tau nấu cơm. Tối con Út Sâm nó mới về…
          Út Sâm là là con gái cưng của ông già. Ngày Nghĩa đóng quân ở đây cô mới chỉ mười bảy tuổi. Trên cô có hai người anh nhưng đều chết lúc mới sinh. Thành thử cô là con độc nhất, đang học lớp mười một trường nữ sinh ở thị xã thì giải phóng… Giải phóng, đơn vị anh cắm chân tại xóm, vô tình tổ ba người của Nghĩa tá túc ở nhà ông một mắt này. Nghe đâu ông ta trước là lính Hải quân “quốc gia”, tham gia hải chiến Hoàng Sa, bị thương vào mắt… thành phế binh và đã hoàn dân từ giữa bảy tư.
          Sâm đẹp, khuôn mặt thanh tú, dáng người thanh thanh và nước da trắng hồng. Cô rất ít nói, thỉnh thoảng bọn Nghĩa có trêu thì Sâm cúi mặt rồi lúng búng: “Dị òm” * nghe tội tội. Nhưng đôi mắt cô như biết nói. Có nhiều khi đôi mắt ấy ngơ ngác đến tội nghiệp, có những lúc chăm chú, nhưng đa phần lạnh lùng. Nhìn cô Nghĩa cứ tưởng tượng đến một cái bình thủy tinh mỏng mảnh rất dễ vỡ. Có thể do đã quen thấy các cô gái ở đơn vị với nước da ngăm ngăm, thân hình chắc nịch, nói cười oang oang nên khi gặp Út Sâm thì Nghĩa có cảm tưởng như vậy. Rồi như có một lực hút, Nghĩa rất thích nhìn cô làm việc, thích nghe cô nói và nhất là thích nhìn đôi mắt của cô mặc dù ánh mắt ấy không khi nào hướng về phía anh trừ khi có việc gì thật cần anh giúp thì cô mới nhìn anh với ánh mắt thản nhiên đến lạnh lùng.
          Hình như Út Sâm không mặn mà với việc những người chiến thắng đến tá túc tại nhà mình. Nghĩa quan sát thấy cô có vẻ cảnh giác trước mọi cử chỉ hành động của bọn anh. Đã có lúc anh định chuyển đến nhà khác. Nhưng không được, vì cấp trên chỉ định ở nơi nào thì phải nguyên ở đấy để tiện liên hệ… nhất là trong thời điểm này khi vừa giải phóng, không ít đối tượng còn vương vấn với chế độ cũ đang muốn trỗi dậy, cả đơn vị lại đang san lấp mặt bằng để xây dựng doanh trại. Hai vợ chồng ông chủ nhà một mắt và cô con gái thường chụm đầu thì thầm trong khi cô con gái cảnh giác nhìn xung quanh. Kệ! Việc ai người ấy làm, bọn anh vẫn thực hiện chính sách dân vận bằng việc hàng ngày quét sân quét nhà, phát quang bụi rậm, gánh nước đổ đầy cái chum ở cạnh bếp…Nhưng những việc ấy các anh cũng chẳng mấy khi được làm vì Út Sâm đã làm trước cả rồi.
          Cho đến một hôm, Nghĩa đang kéo nước ở cái giếng cạnh ngõ thì Biểu đến chơi. Vốn cùng quê, lại cùng nhập ngũ nên Nghĩa tưởng hắn đến thăm mình. Vừa gặp nhau Biểu đã hỏi ngay:
          - Đây là nhà Huỳnh Thị  Sâm?
          Nghĩa bảo phải. Cái thằng quỷ này thính gớm. Vậy mà nó đã làm quen được với cô gái. Để xem thằng này giở trò gì. Biểu hất hàm bảo: “Đi vào nhà với tao!”
          Nghĩa theo Biểu vào nhà. Anh giới thiệu với ông bà chủ đây là Biểu người quen với cô Út. Vừa lúc ấy Út Sâm cùng bước vào. Cô ngơ ngác nhìn người lạ…
          - Không! Tôi không quen cô Sâm! Biểu nói ngay và móc trong túi áo ngực ra một tờ giấy- Tình cờ khi đánh nhau ở Tiên Phước tôi có được cái này. Hôm nay tôi đến để đáp ứng nguyện vọng của cô ấy.
          Hắn đưa tờ giấy cho ông bố và quay lại giật chiếc mũ cối Nghĩa đang đội rồi ấn cái mũ vào tay Út Sâm: “Quà của cô đây!”
          Út Sâm thất thần như bị thôi miên, cô lúng túng cầm lấy cái mũ cối. Rồi khuôn mặt hồng hào của cô tự nhiên trắng bệch và cả người đổ khuỵu xuống. Nghĩa vội chạy lại đỡ cô gái, bà mẹ cũng chạy đến cùng đỡ cô ngồi xuống sàn nhà. Ông bố xem xong tờ giấy thì ngồi bất động thả tay buông cho nó rơi xuống, con mắt còn lại mở trừng trừng như nhìn vào khoảng không vô định. Lặng im đến nghẹt thở, chỉ có tiếng “Cộc” khô và lạnh của cái mũ cối rơi xuống nền gạch.
          Nghĩa để bà mẹ ngồi cùng cô gái, anh đứng lên nhặt tờ giấy. Thì ra đấy là một bức thư. Thư của Út Sâm gửi một người lính Cộng hòa. Trong nét chữ mềm mại là những tình cảm lâm ly như giọng điệu cải lương và cuối thư là câu chúc anh người chiến sĩ tuyến đầu anh dũng chiến đấu, đặng diệt thật nhiều giặc Cộng, ngày về làm quà cho em gái hậu phương một chiếc nón cối…
          À thì ra vậy. Nhưng sao Biểu lại làm thế. Sự trả đũa để khẳng định vị thế của người chiến thắng ư! Không! Nó là trò đùa của sự kiêu ngạo?... Nghĩa cúi xuống chụp cái mũ và lao ra khỏi nhà. Anh đuổi kịp Biểu khi hắn vừa ra đến ngõ. Biểu quay lại và nhận trọn một cái tát vào mặt. Hắn đưa tay xoa má, không nói gì và quay người đi thẳng. Còn lại Nghĩa đứng như trời trồng, chợt thấy bàn tay mình bỏng rát... 

 “Dị òm” *: Xấu hổ quá (Tiếng địa phương QN)

1 nhận xét: