Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

ĐÊM ẤY CÓ NGUYỆT THỰC ( Kỳ cuối)

(Tiếp theo và hết)


Mình và nàng sẽ đến tận cùng của tình yêu. Không việc gì phải băn khoăn đắn đo nữa… Nghĩa lập cập mở từng nút áo Sâm… Trăng nhễ nhại… bàn tay run run trên bầu ngực tròn căng. Không gian chỉ có ánh trăng và tiếng rì rào xào xạc của những lá cây trên ngọn tháp. Rồi anh cúi xuống gắn miệng vào bầu ngực trinh nữ, bàn tay tiếp tục lần tìm. Vòng tay của của người yêu lỏng dần, lỏng dần… Thoảng trong tiếng xạc xào là tiếng kêu khe khẽ: “Ui dà… Em… Em tội tình chi mà…mà ông Việt cộng xét… xét người… em…”
          Bàn tay đột ngột dừng lại. Nghĩa choáng váng. “Phản động!” Cấp trên nói đúng. Anh đã bị xúc phạm, bị mắc mưu kẻ địch. Người Nghĩa rỗng rễnh. Trời tối sẫm. Ngẩng đầu thấy trăng chỉ còn một mảnh đỏ quạch. Anh đẩy Sâm khỏi người mình và đứng dậy. Sâm hốt hoảng ngồi dậy miệng lắp bắp “Răng vậy anh? Răng vậy anh?”
          Vậy là rõ, chả cần bàn bạc chia sẻ những băn khoăn như dự định trước lúc gặp cô ta nữa! Nghĩa không ngoái đầu lại, lầm lũi bước. Trời tối đen. Nguyệt thực toàn phần. Bóng quả đất đã che kín mặt trăng…
          Nghĩa quyết định không gặp Sâm nữa. Những lần Sâm tới đơn vị thăm, Nghĩa đều tránh mặt nhờ vệ binh ngoài trạm gác bảo là anh đi công tác vắng. Nhưng trong lòng anh không thể vơi nỗi nhớ, không thể vơi nỗi khát thèm được nhìn mặt Sâm, đã có lần Nghĩa lén nhìn từ cửa sổ doanh trại. Thấy Sâm tần ngần gửi túi đồ đựng mấy thứ cho anh và thẫn thờ gạt nước mắt khi ra về, Nghĩa quặn lòng cố ghìm mình để không chạy ra cổng lúc ấy. Anh biết nếu chỉ cần một lần gặp lại thì không bao giờ anh có thể xa được Sâm. Nửa tháng sau, Nghĩa cầm quyết định xuất ngũ, lẳng lặng khoác ba lô về Bắc… sau khi đã viết một bức thư ngắn gửi lại cho Sâm với lời hứa sẽ trở lại...

          Và bây giờ anh đã trở lại sau ba sáu năm. Ngày ấy anh đã bỏ chạy vì một câu nói đùa. Phải, mãi sau này anh mới nhận ra đó là câu nói đùa. Bây giờ mà nói ra chuyện ấy thì không ai tin: sao lại có thể bỏ chạy khi tình yêu thăng hoa đến đỉnh điểm? Nhưng quả thật cái lý trí khô cứng phân định rạch ròi địch ta ngày ấy là nỗi ám ảnh thường trực biến thành nỗi sợ. Nỗi sợ đeo đẳng cả đời người để rồi thành nếp sống. Chuyện thực hiện lời hứa trong thư đã trở thành xa vời vì ngay ngày mới về nhà anh không dám nói chuyện ấy vì sợ bố mẹ không đồng ý, lấy vợ rồi có con lại sợ tan vỡ gia đình, công việc ổn định rồi thì lại sợ bị đánh giá vi phạm đạo đức… Những nỗi sợ suốt hơn ba chục năm trời chẳng buông tha anh luôn song hành cùng nỗi dằn vặt không thực hiện được lời hứa đối với Sâm. Đến bây giờ thì Nghĩa tự thấy mình vừa hèn nhát vừa ích kỷ… Nếu không bị lạc lõng vì sự ghẻ lạnh của người vợ trong lúc tham quan ở Đà Nẵng thì có lẽ đến hết đời anh cũng chẳng có cơ hội quay về mảnh đất này để gặp lại người xưa.
           Nhưng người bỏ về lúc này lại là Sâm. Nàng sợ gì cơ chứ? Phải rồi, nàng phải giữ hạnh phúc gia đình của mình. Nghĩa hào hển chạy theo cái bóng trắng với suối tóc bay ngang nhập nhòa trên cánh đồng đang đỏ sẫm dần bởi nguyệt thực. Khi trăng sáng trở lại thì không thấy Sâm đâu nữa.
          ……
          Tiếng chuông điện thoại réo, Nghĩa mắt nhắm mắt mở uể oải cầm lấy cái máy… Tiếng vợ chao chát làm anh tỉnh hẳn: “Đi với đứa nào đã thoải mái chưa? Có về không đấy? Bảy giờ rưỡi xe chạy. Nếu không kịp thì kệ ông đấy nhá!” Nghĩa chưa kịp trả lời thì có tiếng đàn ông trong máy “Trông cái mặt vậy mà cũng giữ chồng ra phết. Thôi chết! Khéo lão nghe thấy” rồi tiếng vợ anh: “Sợ gì! Có mà dám. Cái ngữ lão ấy thì tích sự gì…”. Nghĩa chán nản bỏ máy. Thôi… cũng phải về. Yên tâm vì tất cả đã an bài.
          Ông già một mắt đang lúi húi bên bếp. Thấy Nghĩa xuống giường, ông hất hàm hỏi:
          - Thằng Hai định về luôn hả?
          - Dạ! Cháu về luôn theo đoàn. Bảy rưỡi phải có mặt tại Đà Nẵng. Mà Út Sâm lấy chồng gần đây phải không chú! Cô ấy được mấy con rồi.
          Ông già nhướng con mắt còn lại ngạc nhiên:
          - Vậy tối qua mi không gặp nó hả?
          - Dạ có. Nhưng cô ấy chẳng nói gì.
          Ông già thở dài:
          - Nói chi được mà nói!
          Đoạn ông già thong thả lại gian giữa kéo tấm rèm bàn thờ. Trên đó bên cạnh tấm hình bà già là tấm hình Út Sâm. Hai bát hương đầy chân nhang quăn tít. Nghĩa sững sờ gặp lại khuôn mặt của nàng hồi đêm.
          - Nó tin mi, tin vào cái lá thơ. Rồi trông chờ. Lần lữa cả chục năm ròng. Không thấy mi trở lại, nản quá chừng à. Rồi nghe người ta vượt biên. Chết trên biển…
          Nghĩa lạnh người. Tối qua…Tối qua là mơ hay thật?
          Ông già cầm xuống từ trên bàn thờ một cái bọc ni lông. Ông bảo Nghĩa: Mi cầm lấy về làm kỷ niệm. Nghĩa run run mở bọc giấy. Một chiếc mũ cối. Chiếc mũ bị thủng một chỗ ở trên chóp, vải bọc mũ đã rách lỗ chỗ còn phần cốt đã mủn, động nhẹ là bở bùng bục. Nhưng dòng chữ trên mũ vẫn còn rõ ràng: Trần Trung Nghĩa E…F…QK5. Cái mũ cối anh đã tưởng mất trong trận lụt ngày xưa.
          Nghĩa ôm chiếc mũ vào ngực, gục đầu quỳ xuống trước bàn thờ... Từ con mắt còn lại và cả từ cái hố mắt hỏng đang giàn giụa nước mắt, ông già lẩm bẩm bằng cái giọng khàn khàn đứt quãng:
          - Phải chi …ngày đó… Thôi! Út à! Thằng Hai nó đã quay về… Siêu thoát nghe con…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét