Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

KIẾP NGƯỜI (Truyện ngắn của Mai Tiến Nghị)

(Tiếp theo)


Một lần sau khi tắm cho thằng Sinh thì thấy thằng Vường hì hì cười:

          - Này thím này... Thằng Sinh nó thích lấy vợ rồi đấy!

          Bà bảo:

          - Cha tổ bố thằng khỉ... cứ đùa. Làm sao mà nó lấy được vợ! Có mà lấy chó...

          Thằng Vường toe toét:

          - Lúc cháu tắm cho cu cậu thấy giống to phết, cứng phết. Cháu mới bảo lấy vợ nhá. Nó cười...

Minh họa truyện "Kiếp người"- Báo Văn Nghệ số 45 ra ngày 8-11-2014
          Bà Sênh giật mình. Chả trách nhiều lần thấy thằng Sinh ngoẹo cổ nhìn xuống bụng ư ử khóc. Ừ nhỉ. Nó cũng là con người. Nó bằng tuổi thằng Vường, năm nay cũng hai nhăm tuổi rồi. Thằng Vường đã có vợ có con. Vậy mà thằng Sinh... chả biết còn được bao lâu nữa. Ôi chao, giá mà nó có con để bà được tý cháu.

          Nhưng chẳng ra người thì nó vẫn là một con người... Con vật cũng còn biết đến sự đực cái. Con bà vẫn còn bản năng giống má. Giá mà có người đàn bà nào chấp nhận nó nhỉ? Có họa điên... Làm gì có đứa nào. Nhưng biết đâu đấy...

          Bà bảo thằng Vường:

          - Mày xem có đám nào giúp nó với.

          Thằng này hô hố cười:

          - Đứa nào chịu lấy nó. May ra chỉ có ca ve...

          Bà Sênh mừng quá:

          - Cô Ve con nhà ai? Ở đâu?

          Thằng Vường rũ ra cười ngặt nghẽo, cười chảy cả nước mắt nước mũi:

          - Ối giời ôi... bà già Khốt ta bít. Làm gì có cô nào tên là Ve. Cháu nói là nói ca ve... là bọn gái làm tiền bên bãi Quất í...

          Câu nói thằng Sinh muốn lấy vợ, thằng Sinh có thể làm đàn ông đeo đẳng trong đầu bà Sênh. Cứ nhìn đến con, bà lại đau đáu cái ý nghĩ giá mà có đứa nào đồng ý... Chả nhẽ nó được sinh ra là một kiếp đàn ông hẳn hoi mà đến chết cũng chẳng thể biết đến đàn bà dẫu chỉ một lần.... Ôi chao sao con tôi thiệt thòi đến vậy. Dạo này trông nó ủ rũ, nhợt nhạt lắm... cả bữa không ép nổi lưng cơm. Linh cảm thấy sự phải đến đang sắp đến... Bà nơm nớp mỗi khi đêm về... ngày mai liệu con có còn được ở.

          Và hôm ấy... cuối làng có đám cúng 49 ngày cho người mới mất. Bà băn khoăn quá... ngày xưa chồng bà mất, các già đến đông đủ cầu nguyện cho vong linh siêu thoát. Giờ nhà người ta có việc, mình cũng phải được câu tụng niệm cho người đã khuất. Đấy là cái nghĩa ăn nết ở với làng với xóm. Nhưng còn vướng cu Sinh.

           Chập tối thằng Vường sang tắm cho Sinh, nó thấy bà băn khoăn thì bảo: Thím hôm nay có đi lễ đám bốn chín thì cứ đi. Để cháu trông thằng Sinh cho.

          Bà mừng quá. “Vậy giúp thím với nhé. Thật may có cháu...”

          Đám lễ xong khá muộn, hiếu chủ lại còn thành tâm mời các già thụ lộc nên gần nửa đêm bà mới về đến nhà. Thằng Vường chặn bà từ đầu ngõ. Nó thì thào:

          - Thằng Sinh nhà mình vậy mà đàn ông phết đấy thím nhá!

          - Cha tổ bố thằng khỉ, có vậy mà cứ nói mãi...

          Thằng Vường giải thích:

          - Không phải chuyện hôm nào đâu. Hôm nay cháu cho nó được làm đàn ông rồi. Tưởng không ra gì vậy mà lại được... Cháu đứng ngoài nghe...Gớm! Cu cậu sướng quá cười hệch hệch như máy nổ.

          Bà lão ngớ người chả hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao: thế nào là làm đàn ông, thế nào là được với không được.

          Thằng Vường bật bưỡng:

          - Cháu cho thằng Sinh biết tý rồi đấy. Lúc thím đi rồi, tắm cho nó xong, cháu phóng xe sang bãi Quất, tha về một đứa. Gớm thoạt đầu con này kêu “eo ơi, kinh”. Suýt cháu cho vài cái tát. Thế là nó khiếp phải vào với thằng Sinh. Vậy mà được. Thế mới hay.

          Đến lúc này thì bà hiểu ra. Giời ơi! Chết con tôi rồi! Như gà mái thấy quạ đang tha gà con... Bà cắm đầu chạy thẳng vào trong buồng. Luống cuống bật đèn. Trên giường, anh cu Sinh hấp háy mở mắt khi đèn sáng. Thấy bà, cậu chàng vội lật người ngoẹo cổ vào phía trong như bị chói đèn nhưng ý chừng vì ngượng. Bà nghe thấy tiếng hệch hệch...

          Bà già nhìn con rồi ôm ngực rũ xuống. Hú hồn! Định thần nhìn lại lần nữa: còn sống! Bà yên tâm bước ra ngoài. Trong tranh tối tranh sáng, bà Sênh nhìn thấy một đứa con gái: cha tổ bố nhà nó... trông gầy như cú rõm, chả ra cái hình hài đàn bà... Bà điên lên:

          - Cha tổ bố thằng khốn nạn. Cha tổ bố con... khốn nạn. Chúng mày định giết con tao à. Chúng mày thử xem nó có ra hồn người không... Xéo! Xéo ngay...

          Con ca ve khiếp quá nước mắt giàn giụa, run lẩy bẩy đứng dúm vào góc nhà. Còn thằng Vường thì hốt hoảng quỳ xuống chắp tay vái lấy vái để:

          - Con lạy thím, con lạy thím, thím đừng nói to... Xong rồi... chả việc gì. Mấy lị tại con thương thằng Sinh. Vài hôm nữa con đi xuất khẩu lao động... Khi về chả chắc còn gặp em... nên... nên... Lạy thím... tha cho con thím nhá.

          Bà lão rưng rưng. Cha tổ bố nhà nó. Chỉ được cái mồm khéo nói! Nghĩ cái tình anh em chúng nó với nhau như vậy cũng thấy ngoai ngoai. Vả lại con mình cũng chẳng việc gì.    

          Bà ra sân đứng. Con bé vẫn nép trong góc nhà. Thằng Vường lại chạy ra:

          - Tối nay thím cho nó ngủ ở đây mai “nó”  bắt xe ôm về bên bãi.

          Bà bảo: mày chở nó về! Thằng Vường nói không được đâu thím ơi. Đàn bà nhà con nó xé con thành trăm mảnh chứ chả chơi. Thôi thím cứ để nó ở đây. Cho chúng nó làm vợ chồng, không phải lăn tăn gì cả. Mà cháu cũng nói thật: chả phải lo gì đâu. Con này cũng dân quê, làm ca ve mà xấu như ma nên ế sưng ế sỉa. Cứ cho nó ở đây. Thím nhá...

          Bà không thèm nói. Nhưng chả nhẽ nửa đêm bắt “con bé” phải đi bộ về. Bà đành ngủ võng, nhường giường cho con ca ve.

          Bà già qua được cơn lo thì càng bực với thằng Vường. Cha tổ bố thằng khốn nạn. Ai khiến nó làm cái việc tầy giời này. Ngộ nếu chẳng may thằng Sinh có làm sao thì tội ấy ai chịu. Con ca ve thấy bà cáu kỉnh thì im thin thít.

           Đêm ấy cũng như đêm nay... cả đêm bà không ngủ được. Nghĩ đi rồi nghĩ lại. Thằng Vường nó thương con bà cũng là thằng đàn ông mà phải chịu thiệt thòi... nên nó mới làm thế. Thôi cũng chẳng thèm trách mắng chửi bới nó làm gì. Nhưng bà không thể tin được cô gái. Biết “nó” là người như thế nào. Bà không sợ bị mất trộm, nhà này thì có gì để mà mất nhưng vẫn lo lo.        

          Sáng sớm bà xuống bếp nấu cơm. Đang lúi húi nhóm bếp thì thấy đứa con gái vừa cuốn tóc vừa đi đến bên bà: “Bà để con làm cho”. Bà dịch sang bên nhường chỗ cho cô gái. Thấy nó cời gio, đưa nắm rạ vào bếp cũng gọn gàng... đúng là con nhà nông. Tự dưng thấy cảm tình. Định hỏi thăm gia cảnh, hỏi thăm vì sao mà phải đi làm nghề khốn nạn này. Nhưng chợt nhớ lời thằng Vường: “Đừng nghe ca ve kể chuyện” nên bà Sênh chỉ ngồi im lặng. Chả gì thì con giai của mình cũng đã chung đụng với “nó”. Một ngày nên ngãi. Nghĩ cái cảnh mua bán mà xót xa... Cha tổ bố nhà “nó”... đời hay thật.

          Lúc sắp cơm lên ăn bà dọn thêm một cái bát một đôi đũa. Thôi thì... cũng bảo nó ăn lưng cơm. Chả nhẽ để nó nhịn đói ra về. Bà gọi: “Mày ơi... vào ăn cơm”. Tiếng cô gái trả lời: “Bà cứ ăn cơm, con còn dở tý ạ”. Rồi bà thấy cô gái lễ mễ bê chậu nước và cái khăn vào trong buồng. Quái con bé này làm cái gì thế nhỉ. Bà ngó vào buồng: “nó” đang vực thằng Sinh dậy, rồi một tay “nó” quàng qua cổ con trai bà, tay kia “nó” đưa cái khăn đã vắt nước lau mặt lau mũi, lau cả những dãi rớt trên miệng trên cằm thằng Sinh. Khuôn mặt thằng Sinh hồng hào hơn. Đôi mắt trố cũng linh hoạt hơn và cái miệng kêu hệch hệch...

          Mắt bà lão nhòa đi... Cha tổ bố nhà “nó”... Giá mà ...

*

*   *

          Bây giờ thì “nó” đang ở trong nhà bà, đang ngủ trên cái giường mà “nó” đã cùng con trai bà... 
(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét