Thứ Sáu, 14 tháng 10, 2011

CÂM VÀ CUỘI (kì 3)

(Tiếp theo)


Vậy mà có người biết rõ nguyên nhân cái cổng trường bị đổ!
Người đó là Quắc câm. Năm nay hắn cũng đến ba chục tuổi nhưng người bé loắt choắt như đứa trẻ mười hai. Có lẽ cái tên kèm phụ danh ấy là do ngày còn bé hắn không nói được. Cũng chẳng phải chữa chạy gì mà đến khoảng năm mười hai tuổi thì tự dưng người ta thấy hắn biết nói. Nhưng hắn không nói bằng tiếng ta mà bằng một thứ ngôn ngữ gần giống tiếng ta. Thành ra hắn nói thì chỉ mình hắn nghe. Và cũng chỉ có một người dịch được cái thứ tiếng ấy. Người đó là anh cán bộ thông tin thị xã. Nếu như không có anh ta thì Quắc vẫn là người câm. Vậy ra cái sự câm của một người là do người ấy nói bằng một thứ ngôn ngữ mà mọi người không hiểu. Do được coi là người câm và lại hơi ngố nên hắn là người thừa của xã hội trong việc học hành, việc ăn việc ở: hắn chẳng có nhà cửa, chẳng đi học, chẳng ai quan tâm rằng hắn sống hay chết. Bố mẹ hắn đã chết cả. Mảnh đất ngày xưa của bố mẹ hắn được người ta giao cho người khác để xây nhà nghỉ từ khi thị trấn lên thành thị xã. Vì vậy hắn phải tự tồn tại một cách vất vưởng. Đêm hắn ngủ ở lều chợ, ngày thì xem nhà ai có việc gì thì đến làm, nếu không có việc thì hắn lang thang ở các cơ quan xung quanh. Được cái hắn chả bao giờ lấy trộm của ai cái gì, lành tính và thích chơi với trẻ con. Hắn rất khoái nghe chuyện cổ tích. Những thằng Bờm, chú Cuội trong các câu chuyện của bọn trẻ con, hắn nghe chăm chú và hình như hắn tưởng thật. Chả biết có phải vậy không, nhưng người ta thấy hắn hềnh hệch cười vô tư lắm. Mọi người cũng vô tư khi thấy hắn. Hắn giết gà rất giỏi và bốc mả, nhập liệm người chết rất cừ. Điều đặc biệt hơn là nhớ rất kỹ ngày chết của những người trong xóm. Thành thử hắn là người không thể thiếu trong các đám cưới: vài ba chục con gà, hắn trổ tài chỉ một loáng là xong. Những đám ma thì lại càng cần hắn hơn bởi vì chả mấy ai dám làm cái việc bó gói người chết… Hắn vừa làm vừa ú ớ nói với người chết theo một thứ ngôn ngữ riêng của hắn. Còn cái việc bốc mả thì hắn độc quyền, vì ở cái thị xã này duy nhất có mình hắn dám thò tay nhặt từng cái xương người... Và hơn nữa, thấy hắn đến ngõ thì người ta nhớ ra: ngày mai nhà mình có một cái giỗ. Còn giỗ ai thì đợi hắn vào nhà. Hắn sẽ bảo mọi người bằng cách chấm tay vào chén nước, viết xuống bàn tên người mất. Mà cũng lạ, không biết hắn biết chữ từ khi nào, học vào lúc nào và ai là người dạy chữ cho hắn? Người ta gọi hắn là người âm phủ. Người âm phủ thì chỉ ma nó mới lấy. Con gái trần gian sợ hắn. Cho nên hắn không có vợ...
Một buổi sáng, người âm phủ đến nhà anh thông tin. Anh này đang ngồi ngáp vì buồn chán bởi thủng túi, mà lại đang cơn thèm rượu. Quắc hềnh hệch cười ngay từ đầu ngõ. Chàng thông tin định đuổi về. Nhưng Quắc câm ú ớ: “Hây hấm… trô hấm…” Tay thông tin lơ đãng: “Cái gì mà hay lắm, to lắm… Về đi! Chỉ dớ dẩn.” Quắc không chịu về và lại tiếp tục cái thứ ngôn ngữ quái dị: “Cổi quầng… trô hấm… trấng hấm…” “Sao mày khốn nạn thế, nhìn trộm đàn bà thay quần lại còn về khoe to lắm, trắng lắm. Xéo ngay! Tao lại cho cái tát bây giờ.” Quắc luống cuống, hắn chấm ngón tay trỏ vào chén nước viết lên mặt bàn hai cái tên và lại bảo: “Cổi quầng… trô hấm…hây hấm” rồi hắn làm cái động tác vừa ưỡn cái bộ phận dưới vừa cong mông lắc lắc như người ta nhảy Lăm-ba- đa, nhịp nhàng cong ưỡn... Tay thông tin sáng mắt: “Đi! Có rượu rồi”.

Chiều hôm ấy, hai tay: một câm, một cán bộ thông tin say nghiêng ngả mà túi vẫn còn nặng. Chả là khi nghe Quắc thông báo, tay thông tin biết ngay sự việc. Hắn đến cả hai đương sự đã cùng nhau thoát y nhảy Lăm- ba- đa tại chỗ ở cơ quan, gặp riêng từng người, ỡm ờ đưa ra cái thông tin và có cả nhân chứng xác nhận bằng cách gật đầu. Cả hai ngớ ra. Lúc họ hành lạc thì có biết Quắc trông thấy nhưng cả hai đều nghĩ: Sợ gì thằng câm! Cứ để nó nhìn cho sướng. Câm thì nói được với ai. Nhưng ai ngờ lại có người hiểu được tiếng của thằng câm. Để đảm bảo an toàn cho cái ghế và mái ấm gia đình, giữ trọn tiết hạnh, nên cả hai (Dĩ nhiên là từng người) đều có thù lao hậu hĩnh cho sự im lặng của bộ đôi câm biết nói.
Tự nhiên bộ đôi này lại có thêm nguồn thu nhập. Vì tay thông tin là người biết giữ lời hứa. Những sự việc tương tự không đến nỗi hiếm. Quắc vẫn ra vào các cơ quan trong giờ nghỉ như thường.. Những khổ chủ bị các hắn tống tiền thì chẳng ai dại gì mà lại nói ra, nên người khác không biết vẫn cứ tưởng Quắc câm. Mà cái sự không biết ấy đồng nghĩa với sự không cảnh giác. Vậy là tay thông tin cứ việc kính thưa các ông đã bị bắt và chuẩn bị kính thưa các ông sắp bị bắt về cái sự hây hấm…


Còn nữa- Kỳ sau đăng tiếp

...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét