Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

CÂM VÀ CUỘI (truyện ngắn đăng nhiều kỳ)

Dạo này bận nên không viết kịp Blog- Thôi thì để nhà đỡ trống, mình đăng mấy cái truyện ngắn để mọi người đọc cho...đỡ buồn. Nói là truyện ngắn nhưng cũng phải đăng đến dăm lượt mới hết. Bạn bè thông cảm...
Cái cổng trường Trung học Phổ thông Quang Trung của Thị xã bị đổ vào đêm ngày thứ Bảy.
Một thị trấn vắng vẻ ven biển bỗng trở thành thị xã vì nó được coi là nơi phát triển công nghiệp và du lịch. (Công nghiệp ở đây là nghề làm muối, còn du lịch là do có bãi tắm). Nằm ở trung tâm của thị xã mới được thành lập ấy, trường Trung học Quang Trung như là một niềm kiêu hãnh của mọi người. Bởi nó là trường học có cấp cao nhất ở đây. Niềm kiêu hãnh này lại càng được củng cố bởi cái tên Quang Trung, cho dù ngay bên cạnh (không phải là thị xã) cũng đã có trường mang tên Nguyễn Huệ. “Anh Quang Trung to hơn, có chất lượng cao hơn anh Nguyễn Huệ”- Đấy là lời các lãnh đạo thị xã mỗi khi nói về ngôi trường yêu quý của mình.
Và để xứng tầm anh Quang Trung to hơn anh Nguyễn Huệ người ta xây cổng trường cũng to hơn. Trông nó bề thế và uy nghi lắm. Nó đối diện với nhà riêng ba tầng của Chủ tịch thị xã nên phải to, phải cao là lẽ dĩ nhiên.

Cái cổng trường được trang trí rất cầu kì với 4 trụ cổng vuông ốp gạch men màu mận chín. Bốn cái trụ đội một tấm bảng lớn bằng bê tông có dòng chữ Trường Quang Trung. Trên nóc bảng, ở chính giữa người ta thiết kế một con hải âu giang cánh đậu trên quả địa cầu, một bên là quyển sách mở với ngọn đuốc đang rực cháy, bên kia là mẫu nguyên tử hạt nhân biểu tượng khoa học. Do tài năng khiêm tốn của cánh thợ thi công nên quả địa cầu không được tròn lắm. Con chim hải âu có cái bụng quá đầy đặn trông giống một con vịt đang xoè cánh... con hải âu lai vịt ấy như vừa chui ra từ trong quả trứng- địa cầu. Còn bó đuốc thì giống một cái chổi rơm màu đỏ dựng ngược. Cổng được tô màu xanh đỏ sặc sỡ nên bà con thị xã đi làm muối về qua thường khen nức nở. Vì thế cả người thiết kế, người thi công và cả lãnh đạo đều hài lòng với công trình kiến trúc ấy.
Ấy vậy mà bây giờ cái cổng lại sụp xuống. Nó đổ vào ban đêm. Trời mùa đông, mọi nhà đóng cửa kín. Trong giấc ngủ nồng nàn, người ta chỉ mơ màng nghe thấy “ình”, sau đó thì yên ắng, nên cũng chẳng ai trở dạy. Đến sáng ra, mở cửa nhà, tự nhiên thấy một khoảng trống: cái cổng đã đổ rồi. Cái bảng tên trường vỡ tan gần một nửa, chỉ còn hai chữ Trường Quan... các chữ khác bay đâu mất, giơ ra những thanh sắt quăn queo. Mấy cái cột cổng nằm chình ình, thân vặn như bị xoắn, cái nọ chồng ngang lên cái kia trông như khẩu thần công ngếch nòng vuông hướng về nhà Chủ tịch Thị xã. Con hải âu bay mất mỏ, cụt ngủn đôi cánh, chỉ còn cái đầu tròn tròn ngóc lên khỏi đống bê tông vụn. Quả địa cầu thì văng ra xa cách đống đổ nát đến gần hai mét. Tan hoang như cảnh bên I-rắc bị quân Mĩ đánh bom chiếu trong ti vi.
Thông tin cái cổng trường bị đổ lan nhanh như điện toàn thị xã. Mấy nhà bình luận đầu trọc, túi thủng vì dạo này trời rét, nhà nghỉ vắng khách, suốt ngày ngồi xổm trên ghế các quán trà ngoài bãi tắm được dịp bàn tán về cái sự kiện có một không hai này. Y như bên Mỹ người ta bàn luận về cái sự cố ngày mười một tháng chín năm nào. Một ông đeo kính râm bảo tại thi công ăn bớt vật liệu nên mới thế. Tức thì một ông khác cãi lại ngay: nếu thi công bớt vật liệu thì tại sao nó không đổ ngay sau khi làm. Chắc là bị động đất. Có khả năng động đất thật! Bởi hồi đêm người ta thấy giường hơi rung một tí, sau đó là tiếng “ình”. Đấy là những người nhà gần thấy thế chứ còn những người ở xa vài trăm mét chả thấy gì cả. Nếu động đất thì phải đổ nhiều nhà khác chứ sao lại chỉ đổ mỗi cái cổng trường. Vả lại có ai nghe thấy đài báo nói gì về động đất đâu. Lạ nhỉ. Thế thì tại sao?
Sau khi viện mọi lí lẽ để tìm nguyên nhân nhưng không có nguyên nhân nào xác đáng, người ta tập trung vào cái hướng nghe có lí nhất là do mấy ông giáo trong trường không chịu cúng bái, động thổ hạ móng công trình gặp phải đúng ngày địa tặc. “Các ông trí thức hay khinh nhờn cái việc cúng bái nên mới thế”. Nhưng lại có người bảo: “Ông nói vậy là đếch biết gì. Ông hiệu trưởng nhà trường "sòng" lắm. Hôm động thổ xây cổng trường mời thầy cúng tưng bừng cả ngày trời. Hôm ấy học sinh nghỉ học cả, tôi thấy chiêng trống ầm ầm, tưởng nhà trường tập văn nghệ nên ghé vào xem, thấy có ông thầy cúng đang làm lễ. Giấy tiền vàng mã đốt một đống tướng, lửa đùng đùng như cháy nhà! Có cả hình nhân bằng rơm nữa.” Nhiều người xác nhận: Trước khi hội giảng, trước khi thi tốt nghiệp... nhà trường đều mời thầy cúng. Có thờ có thiêng. Làm gì có chuyện khinh nhờn... Lời qua tiếng lại, ai cũng giữ ý kiến phỏng đoán của mình, chẳng ai chịu ai. Thế là cãi nhau. Rồi mọi người cũng chợt thấy cái vô lí của mình khi nghe cô chủ quán lên tiếng: “Rõ vớ vẩn! Nó đổ kệ nó, các ông có đổ đếch đâu mà rỗi hơi cãi nhau. Về mà trông hàng cho vợ con!”. Tự dưng mấy ông nhớ tới nhiệm vụ của mình. Hôm nay là chủ nhật. Thôi thì phải về nom hàng, xem may ra có kéo được vị khách nào dửng mỡ trái mùa muốn tìm của lạ. Dạo này rét mướt, người ra bãi ít quá. Cứ ngồi đây thì thất thực... Vậy là giải tán. Nhưng những cái đầu thì vẫn nghĩ: Tại sao cái cổng của anh Quang Trung bị đổ?

Còn nữa- kỳ sau đăng tiếp
Ảnh mạng- không liên quan đến nội dung.
...

2 nhận xét:

  1. Bác cho cái cổng trường nó đổ thì cũng phải kêu "ầm...ầm..."cho nó chắc chắn, cho nó hoành tráng chứ, đổ cái "ình" nghe như đống sình, cây tre gì đó đổ. Nhẹ tênh!

    Trả lờiXóa
  2. @Tranvu: Quả thật nó chỉ "ình" một cái...

    Trả lờiXóa