Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

CÂM VÀ CUỘI (kỳ 2)

(Tiếp theo kỳ trước)

Khi mở cửa, nhìn thấy cái cảnh tan hoang, ông Chủ tịch Thị xã không nói gì mà lẳng lặng vào nhà. Mọi người thấy thế cho rằng ông đang bực lắm. Phen này thì khối anh chết. Mà quả là ông đang bực thật. Ông vừa nhận Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục. Đang gắn vào cái hộp kính treo trên tường sắp hàng cùng với các Huy chương Vì sự nghiệp Văn hoá quần chúng, Huy chương vì Sự nghiệp Khuyến học, Huy chương vì sự nghiệp...có dễ đến gần chục cái Vì sự nghiệp các loại thì bà vợ yêu quý của ông ỏn ẻn: “Toàn là Vì sự nghiệp… ấy mà cấm có thấy đứa nào vì lãnh đạo, chả mấy khi thò mặt đến”. Ấy là bà có ý trách những cái anh chỉ biết lấy lời khen hay thay phong bì. Mấy chú bên kinh tế, đậm đà lắm, tình nghĩa lắm, mà lại kín đáo chứ chả phô trương. Đúng là đàn bà chỉ biết một mà không biết hai: Tiền ông giữ, xây dựng cơ sở vật chất ông nắm, công tác cán bộ ông điều hành trực tiếp; mấy cái anh giáo dục còn gặm được cái gì ngoài việc lo chuyên môn. Có đâu mà phong bì với phong bao. Nó chỉ có cái huy chương là để tri ân đối với ông về sự hết lòng vì nền giáo dục của quê hương. Hương án giữ mặt tiền. Có người lo phía sau phải có người giữ phía trước. Vậy mà bà vợ không biết cho. Thế mới bực!
Đã là lãnh đạo thì phải quan tâm đến tất cả các ngành. Các ngành thì lại muốn được lòng lãnh đạo để được ưu ái hơn nên các loại huy chương vì sự nghiệp... cứ như sao trên giời sa xuống đậu vào ngực ông. Bao giờ người ta cũng nói: “Chỉ có anh là xứng đáng nhất, bởi vì không có anh thì làm sao có phong trào...” Ông biết là họ nịnh. Nhưng ông cũng thấy tự hào. Thầy giáo của ông trên ba mươi năm dạy học cũng chỉ được nhận Huy chương với ông cùng ngày. Mà ông thầy ấy còn phải mấy lần làm hồ sơ xét duyệt lên, xét duyệt xuống mới được. Còn hồ sơ Vì Sự nghiệp của ông thì đã có cánh cán bộ Phòng Giáo dục thị xã làm tất. Họ lại còn phải năn nỉ ông thì ông mới chịu kí vào bản thành tích công lao của chính mình. Bởi vì ông rất khiêm tốn. Mà mấy tay ấy nó sáng tác thành tích cho ông đến là khéo. Nào là ông chỉ đạo phổ cập cấp hai đạt chuẩn sớm nhất trong tỉnh, nào là ông nghiêm túc chỉ đạo cuộc vận động hai không mà chỉ số chất lượng vẫn cao hơn trước khi chưa có hai không. Ở đâu thì không biết chứ còn ở thị xã này dứt khoát là không có chuyện học sinh ngồi nhầm lớp!
Thực ra cái sự chỉ đạo của ông là sự quyền biến từ có thành không và ngược lại. Ông hùng hồn tuyên bố Phổ cập là công việc trọng tâm quyết định việc hoàn thành nhiệm vụ của các nhà trường. Bằng mọi giá phải phổ cập! Hiệu trưởng nào không làm được phổ cập cấp hai thì sẽ bị cách chức! Thế là Hiệu trưởng các trường hoảng tam tinh: Phấn đấu mãi, thậm chí phải chạy chọt mới có cái ghế xoàng xoàng. Chả nhẽ lại để mất vì cái sự không phổ cập. Học sinh bỏ học nhiều, chả có thể cản được. Nhưng vẫn phải phổ cập. Cái khó ló cái khôn. Người ta đã phát minh ra sáng kiến vĩ đại: biến cái số học sinh bỏ học thành số học sinh chuyển trường. Đất nước rộng bao la, cứ bảo chuyển trường đi Tây nguyên, đi miền Nam, đi Quảng ninh, đi… Có giời cũng chẳng kiểm tra được. Vậy là thị xã lập nên kì tích: Từ ngày thành lập đến nay không có học sinh nào bỏ học. Sự phổ cập trở nên chắc chắn. Còn cái việc học sinh ngồi nhầm lớp, ông giải quyết cực kì ngoạn mục. Ông bảo văn phòng thảo công văn chỉ thị cho các nhà trường phải rà soát lại xem có hiện tượng này không. Tay văn phòng làm ngay tắp lự đưa ông duyệt. Lúc đó ông bảo phải thêm vào câu: “Nếu trường nào có học sinh ngồi nhầm lớp thì hiệu trưởng và giáo viên phải chịu trách nhiệm, chịu kỉ luật”. Chẳng ai muốn bị kỉ luật! Và kết quả giáo dục thị xã tuyệt đối lành mạnh. Được đà ông giao kế hoạch cao hơn năm trước. Một số tay hiệu trưởng có ý kiến thì ông bảo: “Các anh báo cáo không có hiện tượng ngồi nhầm lớp. Đúng không nào? Thế thì chỉ tiêu chất lượng không có lí gì lại thấp được. Chẳng ai phú quý giật lùi, bế con dốc đầu trở xuống.” Cái lí trên đời vẫn phải thế. Vậy thì hai không chứ bốn không hay đến mười không cũng thế thôi. Thành tích giáo dục của thị xã vẫn ngời ngời, ông lại vừa lĩnh huy chương… Vậy mà cổng của cái anh Quang Trung lại bị đổ.
Cái sự bực dọc với vợ còn có nguyên nhân khác. Tay em vợ ông làm thiết kế cái cổng, còn thi công do chính em rể vợ ông đứng ra cai thầu. Ở cái thị xã này thì tất cả các công trình đều do ông bật đèn xanh nên các em vợ ông bao thầu trọn gói. Ông cũng yêu cầu phải dân chủ minh bạch trong cái việc này lắm. Các em ông bao giờ cũng thắng thầu. Đó là cái lẽ dĩ nhiên. Các doanh nghiệp khác biết thân phận đành bán sới đi nơi khác làm ăn. Đối với cái công trình này, ông đã bảo: “Thôi! Cái này không bõ bèn gì! Cho thằng khác nó làm. Để được cái tiếng khách quan” Nhưng bà vợ khóc lóc nói rằng ông không biết thương người nhà mình. Hay là ông lại bị con nào xỏ mũi dắt dây... Thế là ông đành... Đã ưu ái như thế mà lũ em vợ ông còn làm ăn như c...! Vua nghe vợ mất nước! Không khéo lại mang tiếng.

Giữa lúc ấy thì ông em vợ đến, mặt tái nhợt ấp úng:
- Thưa anh…
Ông lộn tiết:
- Thưa cái con khỉ. Làm thằng kỹ sư xây dựng mà ngu. Bây giờ nó đổ rồi, trắng mắt ra chưa?
Cán bộ trong thị xã này bị ông Chủ tịch chửi là ngu là chuyện bình thường. Tay kĩ sư định thanh minh nhưng ông bảo ngay:
- Về thiết kế lại! Rồi bảo tay Quang Trung lập dự án sang tôi kí. Khẩn trương làm lại ngay!
Tay kĩ sư em vợ sướng quá. Không ngờ mọi việc lại giải quyết đơn giản đến thế. Không điều tra nguyên nhân, không xác định trách nhiệm, không kỉ luật ai! Nhưng mình cũng đã thiết kế còn trên cả những tiêu chuẩn kĩ thuật theo những điều mình đã học. Công trình lại do chú em rể làm. Nếu nó có ăn bớt đến bốn mươi phần trăm thì cũng vẫn còn đủ tiêu chuẩn kĩ thuật. Thế mà cái cổng vẫn đổ. Tại sao nhỉ?

Còn nữa-kỳ sau đăng tiếp
...

1 nhận xét: