Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

HÌNH NHƯ VẪN "THIẾN SÓT"

Bộ Giáo dục- Đào tạo đã có công văn giảm tải nội dung các bộ môn. Riêng bộ môn Văn (cấp Trung học Cơ sở) Bộ đã bỏ khá nhiều bài. Hoan hô Bộ đã sáng suốt “Thiến” những vấn đề về nội dung mà giáo viên vẫn băn khoăn. Có lẽ để khỏi băn khoăn thì cứ thiến đi là cách tốt nhất.
Ở lớp 7 Bộ “thiến” gọn gàng bài “Sau phút chia ly” trích Chinh Phụ ngâm. Đỡ hẳn phải giải thích “Chàng” với “Thiếp”… và cũng khỏi phải băn khoăn có phù hợp với trẻ 12 tuổi hay không
Còn ở lớp 9 thì Bộ “Thiến” không thương tiếc đoạn trích “Mã Giám sinh mua Kiều” bởi vì có nó mà xảy ra cuộc chiến giữa “Giờ lâu ngã giá VÀNG ngoài bốn trăm” và “Giờ lâu ngã giá VÂNG ngoài bốn trăm”. Cứ “thiến” đi là hết chuyện.
Tuy nhiên mình vẫn còn băn khoăn… Hình như vẫn “Thiến sót”. Bởi vì với bài “Nguyên Tiêu” mặc dù được cho là một trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ nhưng nó vẫn gợn gợn sự trùng lặp câu chữ, ý tứ… của các nhà thơ lớn của Tàu và ta

Nguyên âm bài thơ như sau:

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Đối chiếu với mấy bài thơ cổ thì thấy rõ điều này.

Câu 1: Kim dạ Tây Đình nguyệt chính viên
(trích từ bài “Tây Đình” của Lý Thương Ẩn TQ)

Câu 2: Nguyệt quang như thủy thủy như thiên
(trích từ bài “Giang Lâu Thư Hoài” của Triệu Hỗ TQ)

Câu 3: Yên ba thâm xứ hữu ngư châu
(trích từ bài "Thú Nhàn” của Cao Bá Quát VN)

Câu 4: Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
(trích từ bài “Phong Kiều Dạ Bạc” của Trương Kế TQ)
Hay: Câu 4: Quá ngọ tinh lai tuyết mãn thuyền
(trích từ bài “Ngư nhàn” của Dương Không Lộ VN)

Thơ của lãnh tụ thì đã có sự đánh giá của hàng nghìn giáo sư tiến sỹ. Dù vậy cũng không ngăn được người đọc băn khoăn. Vẫn dạy cho học sinh cũng được… nhưng sau này các em lại băn khoăn như ta bây giờ. Liệu có nên chăng?

(Để rõ hơn xin các bạn xem lại bài “Cải cách giáo dục- kính cụ- còn bao nhiêu lần nữa” ở mục "Nhìn và ngẫm" trong blog này)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét