
(Tiếp theo và hết)
Đoạn đường từ bến xe đến tòa soạn Thời Cuộc không phải là ngắn. Hắn cứ cắm cúi đi cho đến khi thấy bóng mình in trên mặt đường mới nhận ra thành phố đã lên đèn. Một mình lạc lõng giữa ồn ào xe cộ hắn bỗng thấy sợ. Giả sử có một cái xe mất tay lái... mình có bị làm sao... thì vợ con không biết, không ai biết... thì cũng chỉ như một kẻ ăn mày... Vô nghĩa, vô nghĩa hết! Tự nhiên thấy thèm người. Thèm có một người để tâm tình, chia sẻ... Nhưng ai có thể tâm tình chia sẻ. Mà đêm nay mình sẽ ngủ ở đâu. Lại vạ vật vỉa hè sao? Hắn lục túi tìm tờ giấy ghi số điện thoại của bạn bè. Trần Văn X... Điện thoại: 0483... Đây rồi. Sao mình vô tâm, anh ấy mấy lần hẹn nếu có dịp lên Hà Nội thì vào nhà chơi...
Hắn vào một dịch vụ điện thoại gọi đến nhà ông X.
Người nhà nghe máy rồi bảo ông X không có ở nhà. Hắn hỏi thêm thì mới biết ông đang nằm viện. Ung thư giai đoạn cuối. Vậy là hắn đến Bệnh viện. Ông X là nhà thơ. Sở dĩ hắn biết ông vì ông là người cùng quê, trước cùng sinh hoạt trong Hội Văn nghệ tỉnh sau chuyển lên Trung ương. Cả hắn và ông cùng là đệ tử Lưu Linh, cùng thích văn chương nên thân nhau. Hắn kính trọng ông là đương nhiên vì ông có thực tài và sống rất chân tình. Còn ông quý hắn bởi hắn thật thà và thương hắn bởi hắn nghèo. Thỉnh thoảng gặp nhau hay khi ông đến nhà chơi thường dúi cho hắn mấy chục. Chẳng nhiều nhặn gì vì ông không giàu, nhưng vợ chồng hắn rất cảm động. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. San sẻ cho nhau chút đỉnh là cho nhau niềm vui, động viên nhau tinh thần là chính để mà tồn tại. Có lẽ chỉ những nhà văn mới làm được như vậy.

Ông Nhà Thơ mừng đến rưng rưng khi được nhà văn xóm đến thăm. Khi một mình đối đầu với cái kết cục tất yếu của kiếp người thì người ta cảm thấy mọi sự chăm sóc thăm hỏi của đồng loại là thiêng liêng. Hắn cũng đọc được trong mắt ông sự cố gắng níu kéo đến tuyệt vọng. Hình như hắn đến làm ông có thêm nghị lực để hy vọng. Hắn biết điều ấy nên cố gắng làm cho ông vui và bảo rằng bệnh tật của ông chỉ là ốm xoàng, một trận cảm vặt. Tếu táo và trân trọng, hắn kể với ông cái việc phải lên thành phố. Nhà Thơ chăm chú nghe nhưng lộ vẻ mệt mỏi. Nhận thấy điều ấy, hắn hỏi ông: Anh mệt à. Bây giờ anh thèm cái gì nhất? Ông thều thào: Rượu! Nhưng chúng nó không cho uống... Mình cũng chả dám đòi... Mọi người trong nhà đang cuống lên chạy tiền thuốc cho mình mà mình lại đòi rượu nữa thì nhẫn tâm quá... Tưởng gì! Hắn hăng hái đi mua một chai rượu. Cẩn thận hắn rót rượu vào cái chén nhỏ. Nhà Thơ run run nâng cái chén, mắt nhìn sâu vào những giọt rượu trong vắt. Ông đưa chén rượu lên ngang mặt, tận hưởng mùi thơm quyến rũ và từ từ đưa chén chạm môi. Môi ông như được men rượu làm hồng lên. Mắt ông nhắm lại. Những giọt rượu được ông giữ lại trong miệng một tý để tận hưởng vị cay nồng rồi mới nuốt. Một tiếng khà nhè nhẹ nhưng hẫng. Hắn biết tiếng khà là thói quen của những người uống rượu. Có lẽ Nhà Thơ kìm tiếng khà ấy lại vì ông không muốn nó mang đi hương vị của những giọt rượu đang đọng trong cổ họng. Tuyệt vời! Hắn ngắm Nhà thơ uống rượu mà rưng rưng. Đời hắn cũng đã uống không phải là ít rượu. Nhưng hôm nay hắn mới tận mắt chứng kiến sự hoan lạc đến tột đỉnh của người uống rượu. Này chú! Ông nói, giọng trong hơn- Buồn cười thật đấy. Để kéo dài sự sống thêm mấy ngày, người ta bắt mình phải đoạn tuyệt với những cái gì mà mình thích. Thêm mấy ngày nhạt nhẽo vô vị ấy thì phỏng có ích gì. Còn khổ hơn cái chết. Vậy thì việc gì phải kìm hãm. Tuyệt thật! Chú cho tôi xin tý nữa. Hắn rót thêm một chén. Vẫn những động tác như vừa rồi, nhà thơ uống và khà. Lần này thì tiếng khà thoát ra thoải mái hơn. Mặt ông hồng lên. Cặp mắt linh hoạt như người không hề có bệnh.

Đêm ấy hắn ở trong bệnh viện cùng với Nhà thơ.
*
* *
Hôm sau hắn lại đến Tòa soạn báo Thời cuộc. Cô Biên tập con cháu Tôn Ngộ Không đi ủng xỏ dây dẫn hắn xuống Phòng Tài vụ nhận tiền. Cô tài vụ bảo báo mới ra chưa có nhuận bút. Hắn khùng lên: vậy thì tôi sẽ kiện. Cô Biên tập vội vàng chạy đi vay tiền đưa cho hắn. Thôi anh cầm tạm. Bài của anh, chúng em đánh giá là bài hay nhất và trả nhuận bút mức cao nhất của báo. Chúng em sẽ làm theo yêu cầu của anh. Lần sau nếu có bài anh gửi trực tiếp cho em. Mong anh hợp tác. Hắn nghĩ cũng chẳng có thể hơn và có hơn cũng chẳng làm gì. Hắn cảm ơn và cầm tiền. Thôi đành vậy!
Đã định về ngay, nhưng vẫn băn khoăn... hắn ngược vào Bệnh viện để chào Nhà Thơ. Có cảm giác đây là lần gặp sau cùng. Bàn tay Nhà Thơ nắm lấy tay hắn như không muốn rời. Hắn mở số tiền vừa nhận cùng với số mang đi còn lại, lấy riêng ba trăm để trả cho vợ và tính toán vừa đủ đi xe về đến nhà; Số còn lại hắn đưa cho Nhà Thơ: Em có mấy đồng biếu anh để anh bồi dưỡng. Anh thông cảm. Nếu có điều kiện vợ chồng em lên thăm anh sau... Nhà Thơ bật khóc. Hắn cũng khóc rồi vội vã lau nước mắt để ra về vì sợ dùng dằng thêm tý nữa thì hắn cũng khó lòng về nhà trong ngày được.

*
* *
Khoảng một tuần lễ sau, vẫn ông bạn viết hôm nào lại mang tờ Thời Cuộc đến nhà hắn. Đây, báo nó đã đính chính rồi ông ạ. Đâu! Chỗ nào! Rà mãi, rà từng dòng đến trang bảy mới thấy một cái mẩu nhỏ xíu nằm dọc ở góc cuối. Hắn phấn khởi xem xong đưa cho vợ. Vợ hắn bảo: Lãi to rồi. Hắn ngơ ngác: Lãi cái gì? Vợ hắn thản nhiên: lãi được cái Đính chính! Chuyến đi của ông lãi được mỗi cái Đính chính. Hắn lấy thước ra đo cái lãi của mình: bề ngang đúng hai phân, bề dọc năm phân... Vợ hắn còn cẩn thận hơn, thị đếm từng chữ và hùng hồn công bố: vừa hai mốt chữ (!)
Buổi chiều, đứa cháu nhà bên chạy đến bảo chú sang nghe điện thoại. Lúc về hắn ngồi khóc. Vợ hắn đi làm về thấy hắn đần mặt, mi mắt mọng nước liền hỏi: sao có việc gì mà sụt sùi? Anh X mất rồi! Vợ hắn lặng người. Lúc nào? Anh ấy mất lúc trưa nay. Chị ấy mới điện cho biết. Vậy sao ông vẫn còn ngồi đây? Hắn không nói gì. Vợ hắn vào buồng lục sục một lúc rồi cầm cái gói tiền ba trăm đưa cho hắn: Mình đi Hà Nội luôn đi! Lên trên ấy cho có anh có em. Giá mà tôi cũng đi được... Vợ hắn rơm rớm nước mắt: Thôi cứ nói với chị ấy thông cảm cho tôi. Mình đi ngay đi...
‘*’ Thơ của Nguyễn Mạnh Chính
(Ảnh lấy trên mạng chỉ có tính chất minh họa- không liên quan đến bài viết)
...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét