Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

BÁNH CHƯNG... DÉP!

Năm ấy mình học lớp 4.

Thường ngày đến trường toàn đi chân đất. Trước khi đi ngủ mới rửa chân, rồi lộc cộc guốc gỗ từ cầu ao vào nhà để leo lên giường. Năm nào ông nội cũng đẽo cho đôi guốc gỗ xoan, quai bằng mảnh vải bạt.

Tết ấy mẹ bảo: Năm nay được giấy khen. Mẹ thưởng cho đôi dép cáo su.

Tối hôm hai ba ông Táo lên giời, mẹ đưa cho mình 5 đồng… bảo đi phiên chợ tết ngày hai nhăm tháng chạp để mua dép.

Năm đồng lúc bấy giờ to lắm. Hơn thùng thóc. (10kg)

Cả đêm không ngủ. Ngày hai bốn chờ đợi. Tờ 5 đồng mình gói lại đem giắt vào kẽ vách. Thỉnh thoảng lại chạy vào mở ra xem. Thấy tiền vẫn còn. Yên tâm!

Sáng ngày hai nhăm, mình háo hức đi chợ. Tay nắm chặt tờ 5 đồng. Mỏi tay này thì dừng lại, mở tiền xem còn nguyên vẹn rồi chuyển sang tay kia.


Mình đi rõ sớm vì sợ gặp bạn bè… sợ chúng nó rủ đi chơi rồi mất tiền. Với lại cũng muốn bất ngờ để khoe với chúng nó: mình có dép.

Đến chợ chen gần chết mới đến được cửa hàng ông bán dép cao su.

Mình được ông bán dép chọn cho một đôi dép đẹp lắm. Hai đầu cong vút, giữa lòng mo. Bốn quai thơm mùi cao su, dưới đế lại còn khía hạt na. Vừa vặn chân. Hết bốn đồng tám. Vẫn còn hai hào.

Mình xỏ chân ngay vào dép, nghiến răng kéo cái dây quai hậu lồng vào gót. Đàng hoàng rồi. Hãnh diện ra về, cứ độ dăm bước lại nhìn xuống chân.

Nhưng được độ dăm trăm bước thì không chịu nổi. Bàn chân bị những cái quai dép thít lại như dây trói. Mu bàn chân phồng lên, còn lòng bàn chân đau rát và nóng như phải bỏng.
Đành phải cởi dép ra, kiếm cái dây chuối buộc vào rồi vắt lên vai đi chân đất về nhà. Bây giờ mới cảm nhận được cái sướng của việc đi chân đất: bước chân nhẹ tâng tâng, mặt đường mát lạnh. Sướng tê người. Mà sao trước đấy không nhận ra nhỉ.

Về nhà mình cho dép vào sâu tít gầm giường. Mẹ hỏi còn tiền không, mình đưa hai hào. Mẹ bảo: thôi mẹ mừng tuổi.

Sáng hai tám nhìn xuống gầm giường: đôi dép bạc phếch. Cái đế duỗi ra thành lòng máng như ống tre luồng bổ đôi. Xỏ dép vào… căng quai hậu, mũi chân thò ra trước mũi dép đến cả ngón.


Vậy là chịu, không thể đi được. Nghĩ bụng: Đi chân đất càng sướng. Nhưng lại tức, vì mua phải đôi dép đểu, lão thợ cắt ra từ cái mảng hông của cái lốp ô tô. Giá mẹ mua thì còn có cớ để văng ra ăn vạ… nhưng đằng này lại do chính mình đi mua.

Ông anh nhà bên cạnh thấy mình nhăn nhó thì hỏi làm sao. Mình trình bày. Hắn ta bảo: Khó đếch gì. Tao biết cách chữa.

Mình tin ngay, chẳng gì lão cũng hơn mình 3 tuổi. Nịnh nọt mãi rồi phải hối lộ hắn mất hai hào còn lại trong túi thì hắn mới chịu bày cho mình cách làm. Mất hai hào kể cũng tiếc. Nhưng mà đành vậy, chả nhẽ mua dép về lại để không.

Tối ba mươi, hàng xóm nhà nào cũng nổi lửa nấu bánh chưng. Nhà mình nghèo, chưa bao giờ nấu bánh chưng. Nhưng năm ấy theo lời lão mình về cuộn từng cái dép lại, lấy dây đay buộc chặt và cho vào nồi mười, đổ nước đậy vung và nổi lửa… ninh dép.

Hàng xóm qua chơi thấy trong bếp đỏ lửa, nồi mười đậy vung, nước sôi ình ịch thì bảo: “Năm nay nhà này khấm khá thế… gói được bánh chưng!” Mẹ mình chẹp miệng: “Vơng… gói mấy cái bánh chưng gù cho cháu nó ăn.”

Gần giao thừa, mình tắt bếp, vớt đôi dép nhúng xuống ao. Ngồi chờ dép nguội rồi nín thở gỡ dây. Tuyệt vời… Đôi dép cong lòng mo lên như mũi thuyền, đẹp hết chê. Sướng quá. Mất thêm hai hào cũng đáng.

Sáng mồng một, xúng xính trong bộ quần áo nâu mới may, mình lấy dép đi vào chân.
Trưa mùng một, đôi dép lại trở về hình lòng máng, lại như cái đoạn ống luồng bỏ đôi, mười ngón chân lại đi trước dép.


Tức quá. Tối lại bỏ dép vào nồi, lại ninh ình ịch ình ịch.

Hàng xóm sang chúc tết lại hỏi: “Nhà cháu tối mồng một mà vẫn ninh bánh chưng à? Ừ, cứ làm vậy thì ngày nào cũng được ăn bánh nóng.”

Ngày hôm sau cũng vậy. Tối mồng hai lại ninh dép…


Tết năm ấy chả được ăn miếng bánh chưng nào.

Vì mọi năm thấy nhà mình không gói bánh thì nội ngoại, hàng xóm đem đến cho. Có tết được dăm cái bánh chưng.

Còn năm ấy… chả ai cho! Mọi người bảo: “Nhà nó có bánh chưng rồi, ngày nào cũng ninh bánh, ngày nào cũng được ăn bánh chưng nóng… Mà cái nhà ấy vậy mà ăn độc. Cấm cho ai được lấy một miếng…”


...

1 nhận xét:

  1. Ngày xưa em cũng có một đô giống đôi của bác nhưng không biết cách ninh như vậy.

    Trả lờiXóa