Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

GỒ DỨA DẠI

1- Lâm được xuất ngũ ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Làng xóm vẫn không thay đổi gì nhiều. Vẫn con đường khấp khểnh, vẫn cái ngõ nhỏ dẫn vào nhà với những vết chân trâu đọng nước màu nâu đen. Trên mặt những vũng nước ấy bọ dĩn đọng thành váng, thấy động là chúng bay tóa lên. Hình như những cái vũng nước ấy không hề cạn theo thời gian và đám bọ dĩn vẫn là của ngày xưa. Hai bên ngõ, những bức tường đất lở lói, những mái rạ liêu xiêu. Vậy ra chẳng có thay đổi gì. Chỉ có con người là thay đổi. Ở trong chiến trường anh được tin bố đã mất. Còn thay đổi gì nữa, anh không thể hình dung nổi. Mẹ anh đang ngồi bệt trên hiên đất. Còm cõi và đờ đẫn, bà cụ ngước cặp mắt kèm nhèm: Ông hỏi ai? Mẹ ơi con đây... Ôi giời ơi! Mẹ anh nhào tới ôm lấy anh òa khóc: Mày đã về đấy hử con. Ông ơi! Nó đã về, thằng Lâm nhà mình đã về. Ông ơi sao không cố đợi đến hôm nay! Vợ anh đã già đi đến vài chục tuổi, héo quắt. Ngày vui đoàn tụ toàn nước mắt. Khóc mừng anh về, khóc thương người đã ra đi và khóc thương những ngày chờ đợi.
Người mẹ dường như đã chờ con đến cạn kiệt sức lực đến nỗi Lâm về được mấy ngày thì bà cụ đổ gục. Có lẽ sự chờ đợi đã trở thành quen đến mòn mỏi con người để đến khi bước sang trạng thái khác thì người ta không thể chịu đựng nổi. Lâm suốt ngày ngồi bên mẹ, hình hài khô đét của bà làm anh xót xa lo sợ mẹ sẽ bỏ anh. Cảm giác ấy làm anh không thể chịu nổi, anh định đứng dậy ra ngoài sợ mình sẽ bật khóc to. Nhưng hình như có linh cảm, khi ấy bà cụ tỉnh lại, đôi cánh tay khẳng khiu vươn về phía anh, khuôn mặt bà như co dúm lại, miệng thều thào: Con ngồi với mẹ thêm tý nữa! Anh cúi xuống, nắm lấy bàn tay mẹ áp vào má mình. Lúc ấy anh thấy mặt mẹ dãn ra mãn nguyện. Bà cụ lại yên tâm thiếp đi.
Nhiều lần như vậy, và rồi bây giờ mẹ anh đã không bao giờ trở dậy được nữa. Cụ đã yên tâm đi sang thế giới bên kia. Điều mà Lâm biết nó sẽ phải đến đã đến. Nhưng anh vẫn bàng hoàng. Sau phút bàng hoàng là sự trống rỗng vô hồn, người anh như loãng ra. Áo gai khăn xô, tiều tụy và đờ đẫn anh bước đi theo hướng dẫn của ông trưởng tộc ra làm lễ lập phục. Hai chân ríu lại như muốn khuỵu xuống. Ông trưởng tộc dúi đầu anh đến hai ba lần, anh ngơ ngơ nhìn. Quỳ xuống! ông trưởng tộc quát. Như cái máy, anh quỳ trước bàn thờ mẹ. Trên ấy ảnh bà cụ được đặt trang trọng. Chuối xanh, cam vàng, quýt đỏ, đỉnh hương nghi ngút khói. Trước bàn thờ là chiếc bàn nhỏ trên đặt mâm cơm cúng. Bát đầy cơm trắng. Mẹ ơi! Cho đến khi nằm xuống, bát cơm không độn vẫn là niềm mơ ước. Vậy ra có những kiếp người khó đạt được mơ ước dù chỉ là mơ ước nhỏ nhoi. Đói khát, đánh nhau... Những ám ảnh thời chiến tranh ùa vào lấp đầy khoảng trống rỗng trong đầu. Mơ hồ và mộng mị...
Ù... ù... ù... ù... ú... ú... Tiếng gì mà như tiếng xe tăng. Tai anh tự dưng căng lên. Đúng rồi! Xe tăng địch đang lên. Khéo mà nó sắp bắn... Anh không còn biết được rằng đấy là tiếng loa anh cán bộ thông tin đang thử máy.
Theo tục lệ, trước khi vào lễ lập phục bao giờ cũng phải có ba hồi chinh cổ gọi là động thần. Ông trưởng họ đứng nghiêm, đầu ngẩng cao, hai tay chắp trước bụng, tay phải thủ cái dùi trống. Rồi ông hất hàm ra hiệu với bên ông đánh chiêng cũng đang trong tư thế tương tự. Bi..li..i..i….Tiếng chiêng ngân nga âm i như từ cõi thật xa vọng lại. Tiếng i... i... ngân nga đọng trong cảm giác mơ hồ của Lâm, ong ong bên tai như là tiếng rền rĩ của pháo bắn vượt tầm về phía sau lưng.
Ông trưởng họ bước chân phải lên một bước, cánh tay trái duỗi thẳng đưa về phía đằng sau, rướn người ra phía trước như sắp sửa bay lên. Tay phải vung cái dùi trống…Tùng! Tùng! Khẩu DK bên cạnh đã lên tiếng. Xung phong!...Xung phong!...Tiến lên…Gi..ế..t… Lâm nhổm người lao lên, đầu đội ngay vào cái bàn có mâm cơm cúng. Rồi như một cái xe ủi, anh cùng cái bàn đâm thẳng vào bàn thờ. Cùng với tiếng xung phong là tiếng mâm rơi choang xuống nền sân gạch. Bàn thờ đổ nghiêng. Đỉnh đồng, cam, chuối, bưởi bòng... tung toé, lăn lông lốc.…
Cả đám chết lặng đến mấy giây. Rồi người ta lao đến ôm lấy Lâm, vật ngửa anh xuống đất. Người thì đè tay, người đè chân, người ấn đầu. Sao lại thế các đồng chí! Phải tiến lên chứ! Sao lại đè tôi? Anh ra sức vùng dậy. Một bàn tay mềm mại vuốt trên ngực, trên má anh cùng với tiếng nức nở: Mình ơi! Sao lại vậy? Đám ma mẹ cơ mà! Có phải là cái chỗ trận mạc đâu… Bình tĩnh lại đi! Sao khổ thế! Anh mở mắt: nhòa nhòa màu khăn trắng, nhòa nhòa một hình hài khô héo. Những khuôn mặt ngỡ ngàng... Mùi khói hương... Đám ma mẹ cơ mà, có phải chỗ trận mạc đâu! Hòa bình rồi cơ mà...
Mọi người lặng im. Không ai nói với ai. Họ lẳng lặng nhặt các thứ bị đánh đổ, bày lại bàn thờ. Không khí chùng xuống. Ông trưởng họ đứng nghệt mặt như người mắc lỗi. Rồi chợt nhớ trách nhiệm của mình, ông thì thào bảo người này kê lại bàn, người kia sắp lại mâm ngũ quả…Các bà các chị chùi nước mắt, không dám nói to.
Lâm ngồi dậy, quỳ trước bàn thờ. Có ai đó đã nhét vào tai anh hai cục bông... Ẩn hiện sau làn khói hương, người mẹ đang nhìn anh, cái nhìn như trách móc. Anh bật khóc: Mẹ ơi! Con bất hiếu...Mẹ ơi!

2- Hồi ấy quốc lộ chạy vắt qua làng, nó lượn theo hình chữ S tựa cái vạch chia hai nửa âm dương của hình bát quái. Trên con đường, hàng ngày, chiếc xe khách có từ thời Pháp thuộc ậm ạch sáng về chiều đi, hành khách là những bà buôn chuyến và mấy ông cán bộ đi họp trên tỉnh. Tí toe... Tí toe...tiếng còi oai vệ cùng với tiếng máy rú ầm ầm của chiếc cam nhông như đánh thức cái làng vốn yên bình đang lơ mơ ngủ, dụi mắt nhìn những văn minh tỉnh thành lởn vởn đi theo lớp bụi đường cuồn cuộn trộn khói xám, sặc sụa mùi dầu xăng phụt ra từ cái ống sắt rỉ nham nhở sau đít xe cũ nát. Người ta đổ xô ra đường kiếm kế sinh nhai: Một hàng phở, vài cửa hiệu vá săm xe đạp, dăm ba hàng xén, mấy quán bán nước úp bát lô xô bên cạnh vài lọ kẹo, phía trên treo tòong teng nải chuối... Những mái rạ đứng vẹo vọ, xiêu xiêu đủ lấp kín hai bên đường. Làng bỗng nhiên trở thành phố. Người ta gọi là phố Rạ.
Lũ trẻ trâu trong làng mặc quần đùi, đứa ngồi, đứa nằm sấp trên lưng những con trâu hàng ngày dong trên đường lổn nhổn những đá, mắt thèm thuồng nhìn những lọ kẹo, hít từng hơi dài tận hưởng mùi nước dùng bay ra từ hàng phở. Những khuôn mặt đen đúa lạnh tanh chỉ hơi nhăn lại, tay chân quờ quạng vỗ những con mòng trâu lợi dụng sơ hở châm vào đùi đòi hút máu. Chỉ thế thôi rồi chúng lại lặng im. Móng trâu gõ lộc cộc trên con đường khấp khểnh…
Bọn chúng chỉ như bừng tỉnh khi dong trâu đến Gồ Dứa Dại.
Gồ Dứa Dại nằm ngay sát mép đường, đúng vào cái chỗ phình ra của khúc lượn chữ S. Đó là một cái bãi rộng mấp mô những ụ đất cao thấp chẳng ra hàng lối. Trên những ụ đất ấy dứa dại mọc um tùm. Còn lại là cỏ. Cỏ mọc mát chân và lại rất sạch. Lũ trâu được lùa tản ra gặm cỏ xung quanh gò, còn bọn trẻ xúm vào chia phe chơi trận giả. Những ụ đất là những cứ điểm của hai phe. Chúng hò hét inh ỏi, bắn súng mồm rồi xông thẳng vào vật nhau để giành giật từng mỏm đất cho đến khi cả hai bên đều bị lá dứa cào đến tướp máu. Đang lúc vật nhau hăng hái chợt chúng buông nhau ra khi nghe tiếng oang oang ngoa ngoắt: Uơ! Uơ… Tiên nhân những thằng giời đánh thánh vật! Để nó ỉa lên đầu bố chúng mày à!… Cả bọn ngóng cổ nhìn. Trên gò là một con trâu đang chụm chân, cong đít, vổng đuôi… Thì ra bọn trẻ mải chơi, mấy chú trâu lân la lên gồ gặm cỏ và làm luôn cái việc phóng uế tại chỗ. Ngay lập tức cả hai phe nhập một, quân số còn được bổ sung thêm người vừa chửi- một ông lão gầy quắt queo. Tự dưng lão thành người cầm đầu bọn giời đánh thánh vật. Cả bọn vừa huỳnh huỵch đuổi theo vừa ném đất về phía con trâu. Lần này thì cuộc tấn công thật sự xảy ra. Bọn trâu hoảng hồn lồng lên chạy, phân trâu vung vãi… Rồi cuộc chiến cũng ngừng lại khi bọn trâu tháo chạy ra khỏi gồ, phía thắng trận phải tập trung giải quyết dọn dẹp hậu quả của cuộc rượt đuổi. Từ đằng xa, bọn trâu nghênh mặt nhìn những người chiến thắng đang vừa bịt mũi vừa xúc phân. Chúng vẫy tai, miệng nghé ọ như giễu cợt, rồi lại cúi xuống thản nhiên gặm cỏ.
Những đêm mùa đông mưa thâm tối trời, lập lòe trên gồ những đốm sáng xanh, lạnh lẽo chờn vờn nhảy múa. Trong đêm, những cái lá dứa dại dài và mảnh trên gồ in xiên xiên lên khoảng trời nhờ nhờ như những thanh gươm nhọn có răng cưa. Những đốm sáng lơ lửng, lơ lửng… nhảy nhót trên rừng gươm ấy, lãng đãng ẩn hiện sau những bụi cây tối đen, chập vào nhau rồi tản ra làm thành những vũ điệu câm ma quái. Có lúc nhiều đốm sáng chụm lại, cái nọ chồng lên cái kia thành hàng dựng đứng run rẩy, chỉ lát sau cái cột sáng quái dị ấy ngả nghiêng, đổ tóe ra… đột nhiên hiện lên, đột nhiên biến mất. Người lớn bảo đấy là ma trơi. Những đứa trẻ yếu bóng vía vội chui đầu vào những chiếc chăn đụp, không dám nhìn. Còn bọn trẻ trâu hiếu kỳ thì ngồi trong nhà chăm chú xem ma trơi nhảy múa qua những lỗ cửa sổ khoét trên vách nhà được trát bằng bùn rơm. Xem thì xem vậy nhưng chúng rờn rợn đằng sau gáy. Tuy đã theo lời khuyên của người lớn là phải nắm chặt hai bàn tay lại để ma khỏi bắt nhưng chúng vẫn sợ đến mức không dám thở mạnh. Và rồi chúng thiếp đi trong sợ hãi. Những đốm sáng ma trơi như chưa buông tha, bỗng hóa thành những bộ xương khô hình hài quặt quẹo thè lưỡi dài đỏ lòm, chập chờn, chập chờn... trong giấc ngủ đầy mộng mị. Ngày hôm sau chúng chạy ngay đến gồ để tìm lại dấu tích ma trơi tối hôm qua. Nhưng không có gì ngoài những lùm dứa và cỏ.
Ông lão quắt queo là bố của Lâm. Ngày ngày ông lão làm việc nhà nhưng vẫn để mắt trông chừng lũ trẻ đang nô nghịch trên Gồ Dứa Dại. Chẳng ai bắt ông phải làm việc đó. Nhưng ông và mọi người lại thấy đây là việc mặc nhiên phải làm vì lí do hết sức đơn giản: nhà ông ở gần đó. Không nói ra nhưng hình như có một quy định ngầm rằng trẻ con có thể chơi thoải mái nhưng dứt khoát không được làm bậy bạ trên Gồ. Bọn trẻ cũng chấp nhận yêu cầu ấy một cách hoàn toàn tự nguyện, bởi vì chúng được người lớn cho biết đấy là nơi linh thiêng. Mà đã là nơi linh thiêng thì không thể không sạch sẽ. Mọi sự uế tạp dù chỉ là vô tình phải được sửa chữa. Nếu không dọn dẹp ngay thì khi bọn chúng về nhà chắc chắn những cái roi mây treo trên con xỏ kèo nhà sẽ lên tiếng… Và hơn nữa trong thâm tâm chúng cũng thấy sợ, nỗi sợ vô hình đeo đẳng ám ảnh nhiều ngày, thậm chí trong nhiều tháng...
Bố Lâm và những người lớn tuổi nói với bọn trẻ rằng khi họ được sinh ra thì đã thấy có Gồ Dứa Dại. Nghe đâu rằng ở đây là ngôi mộ chung của nghĩa quân tử trận trong cuộc khởi nghĩa Ba Vành. Ngôi mộ chung được những người ở gần đấy lấy đất đắp cao. Thời gian dài đã trôi qua đủ để trở thành một cái gò. Dứa dại mọc um tùm. Làng gọi tên là Gồ Dứa Dại. Nơi đây linh thiêng lắm, ngày xưa ai đi qua cũng phải ngả mũ nón. Bây giờ thì không phải như vậy nhưng cứ đến tiết Thanh Minh, không ai bảo ai, cả làng cùng đến thắp hương ở đây. Hương cắm khắp nơi trên gồ. Cũng chẳng ai cắm hương cố định ở một chỗ. Mọi người chỉ đinh ninh một điều là ở đất này, dưới lớp cỏ và dưới những rễ dứa dại đầy gai là xương thịt những người xấu số. Những nén hương thắp lên làm ấm lòng người. Giữ sạch sẽ nơi yên nghỉ của những kiếp người khốn khổ để vong linh người chết khỏi tủi. Sống vì mồ vì mả chứ ai sống bằng cả bát cơm. Người chết được mồ yên mả đẹp thì người sống cũng được yên lòng.
Lâm lớn lên, cũng chăn trâu cắt cỏ, cũng hàng ngày nô nghịch và đánh trận giả ở Gồ Dứa Dại. Đến tuổi, Lâm vào bộ đội và đi chiến trường. Với mấy vết thương trên người, xong việc đánh nhau, anh về với vợ và sinh con như bao người khác. Nhưng chiến tranh vẫn ám ảnh trong tâm trí anh. Gặp ai anh cũng nói chuyện chiến trường. Nói cả ngày mà không chán. Thoạt đầu người ta chú ý nghe. Nhưng các câu chuyện anh kể cứ vòng đi vòng lại không biết khi nào chấm dứt khiến nhiều người phát ngại khi phải tiếp xúc với Lâm. Có người bảo anh có bệnh: bệnh nhớ chiến tranh. Không nói chuyện được với người lớn, anh nói chuyện với trẻ con. Cứ rảnh rỗi là ra Gồ Dứa Dại. Bọn trẻ trâu thấy anh là xúm ngay đến. Chúng tròn mắt nghe chuyện đánh lô cốt, đánh xe tăng. Khi đến cao trào của câu chuyện, Lâm nằm bò ra làm các động tác lăn lê bò toài. Lũ trẻ khoái lắm, chúng chia phe ra đánh trận bằng các động tác mà Lâm vừa làm. Lâm cũng tham gia rất tự nhiên không kể gì đến việc trong đám chơi lần lượt thêm vào những đứa con của anh… Chúng đang lớn dần…
Bố Lâm mất chỉ ít lâu thì bà mẹ mất...Cái lần xung phong xô đổ bàn thờ trong lễ tang mẹ khiến mọi người lo lắng. Vợ Lâm thương chồng, dứt khoát không cho anh đi làm. Lâm suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà cơm nước cho vợ, quản lí ba đứa con, chăm lợn gà và… hò hét mỗi khi có sự việc trên Gồ Dứa Dại như bố anh đã từng làm. Nhưng anh vất vả hơn. Ngoài sự mải chơi của bọn trẻ chăn trâu còn có sự cố tình của các đôi trai gái lợi dụng tối trời đến Gồ. Bọn này chẳng sợ ma. Và cũng không hiểu sao mà lâu nay ma trơi mất hẳn. Có lẽ do bom đạn nhiều…

3- Lâm xuống xe ở đầu Thị trấn lúc gần tối. Từ đây về nhà cũng không còn bao xa. Làng đã thành Thị trấn từ trước khi anh vào tù. Phố Rạ bây giờ nhấp nhô nhà mái bê tông, cái thò ra, cái thụt vào như răng khểnh. Thỉnh thoảng có những nhà ba bốn tầng kiến trúc tân kỳ khoe khoang sự giầu có. Đổi mới rồi có khác. Những mái rạ xiêu xiêu không còn nữa. Làng mình giàu thật rồi. Tốt thôi! Nhưng sao thấy nhục nhã quá! Mình là thằng tù mới được thả, lại được đi trên chính con đường mà thuở còn thơ bé hàng ngày vẫn dong trâu mà sao thấy lạc lõng. Phải thoát khỏi nơi này thôi. Nhưng đi đâu? Sao lại phải đi? Mình phải chiến đấu đến hai lần cho cái mảnh đất nghèo này vì những điều mà mình đã cho là thiêng liêng. Bây giờ là thời gian để sống với vợ con. Mẹ con nó đang chờ. Lâm thấy mắt mình cay cay. Anh kéo chiếc mũ lá sụp xuống mặt để mọi người khỏi nhận ra.
Nhưng bây giờ vẫn còn hơi sớm. Vợ con chắc đi làm chưa về. Anh chậm bước lưỡng lự. Đi đâu bây giờ? Rồi như vô thức, anh đi thẳng đến Gồ Dứa Dại. Mặc dù anh biết ở đây bây giờ không còn Gồ dứa dại vì theo lời vợ kể những lần lên thăm nuôi anh ở trại giam: nó đã biến thành bến xe. Được hơn năm thì bến xe lại dời đi nhường chỗ cho mấy nhà cao tầng của các đại gia. Một cái biển to tướng sặc sỡ: Nhà hàng Kim Lực: A! Đây rồi! Thịt chó có vừng. Đúng nó rồi. Ngôi nhà của Hoàng Kim Lực. Nó hiển hiện ngạo nghễ và xám ngắt trong hoàng hôn. Ngôi nhà nặng nề tựa một lô cốt vuông với các cửa sổ là những lỗ châu mai thao láo đối lập với cửa chính rộng ngoác như chực nuốt chửng người nhìn vào nó. Người ra vào tấp nập. Chắc là khách đến ăn thịt chó. Đời hay thật! Cả đời ra oai vì lắm tiền, nhìn thiên hạ bằng nửa con mắt bây giờ lại mở nhà hàng bán thịt chó. Phải rồi. Chính Kim Lực. Chính ông ta chứ không phải ai khác đã đẩy anh vào tù.
Lâm nghiến răng. Mắt hoa lên. Anh nhớ lại ngày hôm ấy cách đây đã năm năm… Từ trong nhà, anh nghe thấy tiếng máy nổ ầm ầm phía Gồ Dứa Dại. Vội chạy ra, nhưng chưa đến nơi anh bỗng sững lại: Một quái vật đang vươn cái cổ dài với chiếc gầu tua tủa răng hung hăng ngoạm vào lòng đất Gồ Dứa Dại. Họ làm gì thế nhỉ? Lại gần, Lâm bỗng nhìn thấy những cái que xám đen to hơn ngón chân cái trồi ra khỏi lớp đất nhão trong gầu máy xúc, những miếng vỡ như mảnh gáo dừa bên trong có sợi xốp xốp như ruột quả bầu khô bị chặt đôi nham nhở... Nước đen ròng ròng chảy theo chiều quay của cần máy vạch trên nền đất một nửa vòng tròn nhòe nhẹt những bùn và cả những đốt xương… Trời ơi! Xương người! Xương ống, xương sọ, xương quai hàm lẫn cùng với đất và bùn... Không thể được! Lâm gào lên... Và có nhiều tiếng cùng gào lên: Không thể được! Thì ra đã có nhiều người đến. Cái máy xúc bỗng biến thành xe tăng… Xung pho…ong…! Các đồng chí! Đem bộc phá lại đây! Tiến lên! Tiêu diệt lũ chúng nó! Có mấy người vừa đi đưa đám ma về cũng đổ xô đến. Họ khiêng theo cả trống… Mọi người nhao nhao: Dừng lại ngay!… Sao mà ác thế!... Dừng lại! Dừng lại!... Nhưng tiếng gầm của máy xúc át đi tất cả. Lâm nhìn thấy cái trống. Anh giật lấy dùi và thúc ngũ liên. Tiếng trống như càng kích thích anh hăng hơn. Tay thúc trống, mắt long sòng sọc, miệng hét xung phong, mặt đỏ lựng, tóc tai xõa xợi... Trông anh như một con sư tử say mồi. Tiếng trống ngũ liên hối hả vang xa… Làng có động! Bỏ hết các công việc đang làm, người ngoài đồng chạy về, người trong làng chạy ra; hàng trăm người hò hét, ném đất đá vào máy xúc. Chiếc máy xúc vỡ kính, ca bin dúm dó. Một viên đá bay qua cửa kính vỡ, trúng vào trán người lái. Anh chàng này ôm đầu máu chạy về huyện. Như có chuẩn bị từ trước, chỉ mươi phút sau mấy công an đã đến túm lấy Lâm và mấy người nữa, trói giật cánh khuỷu giải về trụ sở. Các nhà chức trách thu trống, giải tán đám đông trong tiếng rú của cái máy xúc không có người điều khiển.
……..
Nhân danh…. Bị cáo Phạm Lâm phải chịu hình phạt năm năm tù giam…! Viên chánh án dõng dạc tuyên bố.

4. Tùng tùng xòe!…Lùng tùng xòe!…Tiếng trống mồm lan từ trong ngõ. Rồi một hình nhân đội nón mê như bù nhìn coi ngô đeo cái thúng rách trước bụng kiểu thiếu nhi duyệt đội, tay gõ thúng, mồm kêu tùng tùng xòe, hai cẳng chân như hai ống giang nhún nhảy theo nhịp trống mồm. Sau lưng hình nhân bù nhìn còn đeo thêm cái gậy chéo qua vai như đeo súng, đầu gậy lủng lẳng buộc chùm lá dứa dại. Mỗi bước nhún, chùm lá dứa lại chao đi chao lại, có khi mắc cả vào cổ áo làm anh ta phải dừng lại để gỡ ra. Tiếng trống mồm tạm thời bị ngừng lại một tý rồi lại cất lên tùng tùng xòe…lùng tùng xòe... Cả phố Rạ bỏ hết mọi việc, ngó cổ xem cuộc diễu hành một người. Vui và hấp dẫn đáo để! Còn hơn những cuộc diễu hành hàng trăm người do thị trấn tổ chức. Đám diễu hành dần tăng quân số do bọn trẻ con hiếu kỳ rồng rắn bám theo. Có thằng chạy vượt lên trước rồi vừa đi giật lùi vừa hỏi: Bác ơi! Sao không lấy trống thật mà đánh? Bố khỉ! Chả biết cái gì cả! Trống làng bị thu mất rồi. Tùng tùng xòe! Thế bác đi đâu đấy? Đi giết quỷ! Thật á? Chứ lại không à. Lắm quỷ lắm đấy nhá! Quỷ ăn cả đất nhá, ăn thịt người sống nhá, ăn cả xương người chết nhá… Thật á! Chả nhẽ tao lại còn nói sai! Giết quỷ bằng cách nào? Phải có súng mới giết được quỷ chứ? Ngu thế, cần gì súng! Tùng tùng xòe… Cành đa lá dứa treo cao... í...i... Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà ì... ì... Quỷ vào rồi quỷ phải ra...a... ới...a... Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm!... i ới i ì... Tùng tùng xòe… Lùng tùng xòe.
Người làm ra cái đám diễu hành ấy chính là Lâm.
Lâm ở tù về, suốt ngày chỉ loanh quanh ở nhà, không đi đâu. Anh sợ mọi người. Mà anh cũng khó gặp mọi người vì họ đều lảng khi trông thấy anh. Đất này đã là đất thị trấn, dân xóm cũ đi kinh tế mới gần vãn còn lại chả mấy người. Cán bộ nô nức đến cắm đất làm nhà, kéo bầu đàn thê tử đến ở. Họ chỉ biết Lâm là thằng tù. Đã là thằng tù thì chẳng ai muốn tiếp xúc. Vả lại còn phải làm phải ăn. Giữa thời buổi chụp giật này hơi đâu mà hỏi han cái chuyện vớ vẩn của một thằng tù. Và hơn nữa dù không nói ra, người ta ai cũng nghĩ đã là thằng tù thì ắt phải có tội. Dây vào loại người có tiền án tiền sự khác nào dây với hủi chỉ tổ phức tạp chứ được ích lợi gì.
Lâm vừa đi tù thì hai thằng con lớn của anh cũng bỏ học trốn nhà đi luôn. Lâm ra tù cũng chẳng thấy đứa nào về. Có lẽ chúng ngại bởi những ánh mắt của chúng bạn trong lớp, trong trường. Nhà chỉ còn con bé con với vợ Lâm ốm đau quặt quẹo nhưng vẫn phải cố mà làm, cố mà sống. Mọi người bảo từ ngày ra tù Lâm hiền như đất. Mà anh ta hiền thật. Nhưng đến một lần vợ anh đi chợ về, vừa đặt cái thúng xuống sân thì mụ hàng xóm sang lục thúng: Xem nào, xem nào! Lắm tiền gớm nhỉ! Hôm nay có tiền mua cá cho ông chồng đi tù về cơ đấy. Vậy mà không trả tiền cho tao. Định ăn quỵt chắc? Vợ Lâm thanh minh: Khổ quá, từ hôm nhà tôi về, hôm nay mới dám mua vài nghìn cá lẹp. Xin bà cho khất. Khất ! Nói cho chó nó nghe!... Vay tiền thăm nuôi chồng ở tù, mấy năm rồi, lãi không trả gốc cũng mất. Ăn vậy khác nào ăn cứt con tao. Cả nhà mày ăn máu ăn rớt của tao! Mụ ta trút mớ cá lẹp vào nón của mình le te ra về. Từ trong nhà bỗng có tiếng thét: Xung phong… Giết chúng nó!… Mụ hàng xóm hoảng hồn co cẳng chạy. Lâm vừa hô xung phong vừa đuổi theo. Ôi giời ơi, các con ơi! Thằng Lâm nó đánh chết mẹ rồi! Mụ ta vừa chạy vừa tri hô. Ba thằng quý tử của mụ quần bò áo phông chạy ra. Một thằng ngáng chân, Lâm ngã sấp. Ba thằng xúm vào thi nhau đấm đá. Vợ Lâm vội chạy ra ôm lấy chồng, mặc cho chúng đánh tới tấp lên người. Mấy ngày sau thì hàng phố được chứng kiến các cuộc diễu hành của Lâm. Ngày nào cũng vậy. Một mình với cái thúng thủng, với cái gậy và bó lá dứa dại treo lủng lẳng, Lâm vừa tùng tùng xòe vừa hát cành đa lá dứa treo cao… vòng đi vòng lại từ đầu đến cuối thị trấn. Cuộc diễu hành chỉ có đám trẻ con rồng rắn bám theo. Khi nhọ mặt người thì cuộc diễu hành cũng kết thúc ở cái đoạn Gồ dứa dại ngày xưa. Lâm bỏ cái gậy xuống, cẩn thận tháo bó lá dứa cài vào hàng rào nhà Kim Lực. Có người hỏi sao lại cài vào đấy thì Lâm bảo để quỷ nó sợ, quỷ nó phải đi…
Những cuộc diễu hành của Lâm dần trở thành bình thường. Ở đâu mà chả có. Có nơi người ta còn dám diễu hành với bộ dạng nguyên thủy của Ađam, Eva thì cũng đã làm sao. Còn ở thị trấn này, Lâm vẫn đủ áo quần, chỉ hò hát đánh trống mồm… chẳng hại đến ai, chẳng ảnh hưởng đến hòa bình thế giới. Cho nên chẳng ai bận tâm, và họ cho rằng cũng là một trò tiêu khiển. Thêm tý sắc màu cho cuộc sống kể cũng vui vui…
Tùng tùng xòe!... Lùng tùng xòe!... Quỷ vào thì quỷ lại ra, cành đa lá dứa thì ta cứa mồm...
Mấy tiếng trống mồm và mấy câu hát như xoáy vào đầu Kim Lực. Ông lồng lên, đi đi lại lại trong phòng, mắt tóe lửa. Đúng là nó đang xỏ ông, trả thù ông. Nó bảo ai là quỷ, ai ăn đất? Mong mở mày mở mặt với thiên hạ, ông phải hạ mình với cả những thằng chỉ bằng tuổi con ông chỉ vì chữ quyền to hơn chữ lực. Với hàng tá anh em kết nghĩa là lãnh đạo huyện, tỉnh, ông thừa lực dựa thế mượn quyền để thành vị vua không ngai. Là vua không ngai của đất này, chả nhẽ ông không có được mấy trăm mét vuông đất hay sao. Miếng đất ngon lành giữa Thị trấn tiện mọi bề phát triển ông mới ham. Ham vì nhẽ nó chẳng xa lắm nơi chôn rau cắt rốn, chứ sức ông thì mua đất Thủ đô có khó gì. Cái chính là để cho những thằng con, bởi vì lũ con ông văn hóa chỉ lớp ba kì một. Với học vấn khiêm tốn ấy, giá có lên Thủ đô cũng chỉ làm đầy tớ. Để được đất, ông phải có những cú hích. Hích những anh em kết nghĩa...Cú hích thứ nhất ông bảo: Gồ Dứa Dại là đất hoang ngày xưa, chả thuộc quyền sử dụng của ai!... Khi sự việc bị phản ứng, ông hích cú thứ hai để dẹp yên dư luận: biến nó thành bến xe. Đất hoang đưa vào xây dựng cơ sở hạ tầng, có nghị quyết hẳn hoi. Đứa nào dám chống? Cứ nhìn tay Lâm và mấy người tù rồi đấy. Tởn chưa? Không ai dám ho he gì nữa. Vậy là xuôi! Bến xe ngược lối thì làm gì có xe vào. Công trình mấy trăm triệu hóa ra để nuôi cỏ bò rò và làm chỗ vệ sinh cho lũ cẩu. Rồi hích cú thứ ba: công trình không hiệu quả, cần thanh lý nên chuyển nhượng thành đất ở cho ông. Bây giờ ông có sổ đỏ đàng hoàng. Đố đứa nào làm gì được! Nó bảo ai ăn xương người chết. Đúng là đồ xỏ lá. Mồ mả của ai? Đã có đứa nào đứng ra nhận? Mà cũng tại thằng đệ tử ruột của ông nó ngu quá, vô văn hóa quá. Nó bảo: Chẳng qua cái Gồ Dứa Dại cũng chỉ như cái mả ông Đống bên đường. Khi cần người ta chỉ ủi đi là xong. Chết là hết! Sẵn máy móc trong tay, nó đem máy xúc về xúc cái gồ đi thay đất mới để ở cho sạch. Giá như nó thuê người bới hài cốt chuyển đi, cúng bái một tý rồi hãy xúc... thì bọn kia làm gì có cớ gây chuyện... Lòng vòng đi lại, mất bao nhiêu là sức mới có được miếng đất mong muốn, vậy mà có đứa bảo đất này là đất nghịch. Chả sợ! Đất nghịch thì ông mở hàng thịt chó. Tiện nhiều bề. Máu chó trấn đất nghịch, trừ tà ma. Thịt chó là món khoái khẩu... ông càng có điều kiện giao lưu mà phát triển...Việc tay Lâm đi tù là tại nó. Rành rành gây mất trật tự trị an, kích động..., đánh người gây thương tích, phá hoại tài sản... Chối đằng giời!. Năm năm tù là còn nhẹ! Nó đi tù, ông làm nhà. Đang sống yên ổn thì nó lại về giở chứng. Mới chỉ tùng tùng xòe thúng thủng, nghêu ngao bài ca lá dứa thì cũng chỉ là phản ứng của loại sâu kiến, giá như mày có vác dao mà múa thì cũng đếch làm gì được ông! Nhưng mà nó cứ rền rĩ như con bọ đắng cộm trong mắt, con kiến lục sục trong lỗ tai thì không tài nào chịu được! Không thể được! Cứ thế này thì đến điên lên mất. Điên!!!... Ờ nhỉ! Mình vẫn còn ngu quá, sao bây giờ mới nghĩ ra...
Hôm sau ông mời chánh phó Chủ tịch Thị trấn đến nhà. Không thể làm mất lòng ông vua không ngai và cũng vì món thịt chó nhà ông nổi tiếng lắm: Dồi chó nhân trứng gà, lá mơ, tiết đọng, rán vàng ươm thơm phưng phức, nóng hôi hổi, mỗi người chỉ được một gang. Thịt chó hấp sả bóp vừng bùi nghìn nghịt. Lẩu chó bốc hơi ngùn ngụt, tái chín tùy tâm, vừa ăn vừa hít hà. Các vị này lập tức có mặt. Tiện thể ông gọi luôn tay phụ trách thương binh xã hội huyện. Tay này cũng đến ngay, vì nhờ những cú hích của ông mà anh ta mới có cái ghế đang ngồi. Khi tất cả đã ngà ngà, ông mới sẽ sàng: Này các chú: tôi nói chân tình các chú đừng giận nhá! Ấy chết! Chúng em đâu dám. Bác cứ dạy! Hôm kia chú X lãnh đạo tỉnh về thăm tôi có bảo mấy câu: Một là, các chú làm việc còn hơi hữu khuynh. Thị trấn là bộ mặt của huyện, đếch ai lại để một thằng tâm thần nhông nhông ngoài đường bêu riếu thế được. Mà thị trấn lại là đơn vị văn hóa. Hai là, tinh thần nhân đạo các chú để đâu? Người ốm phải được chữa bệnh chứ. Ba là...? Ông dốc cạn chén rượu rồi đưa cái chén không lên ngang mặt, mắt nhìn sâu vào trong đáy như để tìm vết nứt... Mấy anh hoảng hồn: Vâng! Quả là chúng em sơ suất... Rồi cả bọn tranh nhau đưa ra giải pháp... Chúng mày đâu! Đưa chai rượu hôm kia chú X biếu tao ra đây để anh em tao thưởng thức. Lộc bất khả hưởng tận... Giỏi! Tôi chịu các chú. Giỏi thật! Nhưng phải động viên vợ nó đồng ý, không thì hỏng việc đấy. Chú X bảo phải dựa vào quần chúng! Nào! Trăm phần trăm!

Ò e... ò e... ò e... Cả thị trấn đang ngái ngủ choàng tỉnh khi nghe tiếng còi của chiếc xe có in dấu chữ thập lừng lững chạy lùi vào ngõ nhỏ. Vẫn cái nón mê, cái thúng thủng, cái gậy lủng lẳng chùm lá dứa dại, Lâm ra tới ngõ. Anh ngơ ngác nhìn cái xe như nhìn con quái vật tự dưng xuất hiện choán hết lối đi. Tùng tùng xòe...lùng tùng xòe... Cửa xe bật mở. Bốn bóng áo choàng trắng nhảy xuống túm lấy anh. Lâm ngơ ngác: Sao lại bắt tôi đi tù? Không. Các bác ấy đưa mình đi chữa bệnh đấy! Vợ anh đã ôm bọc quần áo đi đằng sau nói trong nước mắt. Lâm bị đẩy lên xe. Một người giằng lấy bọc quần áo ném vào theo. Cánh cửa xe đóng sầm. Ò e... ò e... ò e. Chiếc xe lao đi. Lớp bụi xám cuộn lên. Trong lớp bụi xám ấy chị Lâm ngồi bệt trên mặt đường, gục đầu tức tưởi...
Ở chỗ phình ra nơi khúc lượn chữ S của quốc lộ, Hoàng Kim Lực mỉm cười nhìn theo lớp bụi đường còn lởn vởn khi cái xe chạy qua. Ò e... ò e... Tiếng còi xa dần, xa dần... nghe cứ như khúc dạo đầu của bản nhạc vui! Nhẹ cả người. Ông quay lại, đến sát hàng rào nhà mình nhẩn nha gỡ những lá dứa dại đang héo khô. Gỡ đến cái lá cuối cùng, ông mãn nguyện nhìn về ngôi nhà yêu quý của mình. Ơ sao lại thế nhỉ? Ngôi nhà cao tầng bỗng nghiêng ngả. Hình như nó đang đổ xuống... Sao lại vậy. Nhắm mắt lại... Những đốm sáng lơ lửng, lơ lửng… nhảy nhót chập vào nhau rồi tản ra. Rồi nhiều đốm sáng chụm lại, cái nọ chồng lên cái kia thành hàng dựng đứng run rẩy, ngả nghiêng, đổ tóe ra… Ông rùng mình. Chợt nghe tiếng người lao xao: Cứu...Cứu! Định thần lại Kim Lực mở mắt, ông đang nằm dưới đất. Có cái gì cứa vào cổ. Lá dứa dại. Vớ vẩn! Lão gạt cái lá dứa dại còn tươi nguyên và chống tay ngồi dậy. Mình già thật rồi! Nhìn xung quanh: Một cây, hai cây... nhiều cây dứa dại mọc ngay sát bờ tường rào. Cây còn thấp nhưng lá và búp đang vươn lên như những lưỡi gươm có răng cưa...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét