Thứ Năm, 7 tháng 1, 2010

HỒN CỦA ĐẤT



TRUYỆN NGẮN

Y sững sờ không nhận thấy những nét quen thuộc của ngôi trường mình đã từng gắn bó ngày xưa. Hàng bàng gù trước các phòng học đã cùng y qua hơn hai chục năm chịu đựng những bầm giập của cuộc sống nghèo nàn và xô bồ, của những lễ hội khoa trương theo yêu cầu của các cấp lãnh đạo giờ cũng không còn. Thay vào đó là những cỏ. Cỏ đến rợn chân người. Và lạnh. Cái lạnh đã thay thế cho sự ấm áp của ngày xưa. Sao vậy nhỉ? Rồi sân trường mọc lên những ụ tròn sắp xếp thẳng hàng cầu kỳ. Trông giống cái gì nhỉ? Sao y không thể nghĩ ra. Giống cái gì nhỉ? Những ụ đất tròn xếp đặt thẳng hàng ám ảnh. Lạ thế. Là cái gì, y vẫn không thể gọi tên được…
Văn phòng trống trơn. Trong ánh sáng nhợt nhạt, những đồ vật tại đây cũng u ám và lạnh lẽo. Cờ quạt, khẩu hiệu hình như đã đổi màu. Mảng tường tróc lở lộ ra màu đỏ bợt của những viên gạch non đang vữa bở, vãi vương thứ bột màu đỏ nhợt lẫn với bụi vôi cùng với nước mưa do mái dột tạo thành một hỗn hợp trông như máu mủ của một cái nhọt bọc lâu ngày vừa vỡ ra, rớt rát từ trên những mảng tróc lở nhểu xuống chân tường. Bàn ghế mục nát bốc mùi ẩm ướt và hôi sì. Một cánh của cái quạt trần han gỉ gẫy gập, những cánh còn lại rũ xuống trông tựa cánh tay của một thây ma dựng đứng. Không thể chịu nổi cảnh điêu tàn đến thảm hại trong cái văn phòng u ám, y bước ra hành lang.
Phòng đựng đồ thí nghiệm mở cửa. Sao lại vậy nhỉ? Trường không có người mà phòng này vẫn mở. Không sợ mất trộm ư. Chả nhẽ giữa cái vùng quê chưa thoát nghèo mà nơi này lại an toàn đến vậy. Y nhìn vào, rùng mình, lạnh toát người: trong ánh sáng nhờ nhờ như sương, những bộ xương người xam xám khẳng khiu với những cái đầu lâu thô lố hốc mắt hình như đang chăm chú nhìn y- một kẻ vô tình xâm phạm không gian của chúng. Mà sao nhiều bộ xương đến thế? Chả lẽ nhà trường này được trên ưu ái cấp nhiều dụng cụ thí nghiệm bộ môn giải phẫu sinh lý người.
Các phòng khác đóng cửa im ỉm, mạng nhện và bụi chăng kín các khuôn cửa. Những cái dây leo với những chùm lá thưa bợt bạt màu xám bò vào thành cửa sổ rồi mất hút sau khung cửa tối om trông như những con rắn đang trườn vào hang. Lặng im. Không có cả tiếng côn trùng và không có cả tiếng gió. Hoang vắng bao trùm tất cả.
Phía phòng bảo vệ có ánh sáng. Thứ ánh sáng lạnh và xanh. Chắc là tiết kiệm điện, người ta sử dụng đèn com pắc. Vậy ra ít nhất ở đây cũng có người. Phải rồi, ngày hè giáo viên nghỉ cả. Chỉ còn người bảo vệ trông coi khu trường. Y đi theo dãy hành lang ẩm ướt về phía đó. Cát sỏi và lá mục lạo xạo dưới chân. Không biết hiện nay ai đang bảo vệ trường. Liệu có phải người quen. Nếu gặp được người quen để tâm sự thì tốt. Chẳng gì thì ngôi trường cũng đã gắn bó với y trên hai chục năm trời. Ngày y phải chuyển trường ra đi thì ngôi trường còn đầy sức sống, cây lá xanh tươi, quang cảnh nhộn nhịp. Chả lẽ chỉ mấy năm đã đổi thay đến hoang toàng lạnh lẽo như vậy sao. Chắc phải có nguyên nhân. Thôi, cứ đến phòng bảo vệ thì khắc biết.
Đến gần phòng bảo vệ, y hắng giọng đánh tiếng để mọi người khỏi bất ngờ. Không có tiếng trả lời. Y ngó vào. Trong ánh sáng xanh nhợt nhạt, một người đang đứng ở cửa thấy y liền thụt vào, bò vội lên cái giường cá nhân cũ kéo chăn đắp tận cằm. Người quen! Là lão Kình trọc bảo vệ ngày xưa.Với chức danh bảo vệ nhưng lão mắc tật nghiện rượu nặng nên chỉ coi được cái nóc trường. Lão nhặt nhạnh, bòn góp từ mọi ngõ ngách xó xỉnh để đem đi bán những gì có thể bán được. Còn những thứ không bán được thì lão làm ngơ cho bọn mất dạy ngoài trường lấy đi. Và rồi lão được bọn chúng thù lao cho sự làm ngơ ấy mỗi lần vài ba nghìn để mua nửa lít rượu nấu bằng gạo tẻ sặc mùi cồn, đủ thoả mãn cơn nghiện trong ngày. Không thể chịu nổi cái kiểu coi trường như thế, Uỷ ban xã cho lão nghỉ việc. Nhưng lão nghỉ rồi thì tình cảnh của lão càng đáng thương hơn. Lúc còn coi trường thì mỗi vụ lão được xã trả công vài tạ thóc đưa về nộp cho vợ. Nhưng lão chả bao giờ được một mảy hạt gạo tấm từ những tạ thóc ấy. Để có thể sống, ngoài cái việc giúp đỡ những kẻ bất hảo như đã kể trên thì lão còn dựa vào cái bơm với bộ đồ vá săm lốp xe đạp hành nghề ngay tại cổng trường. Lão phục vụ khách vá xe rất tận tình bằng cách biểu diễn trò ảo thuật biến một thành hai trước mặt khách: đầu tiên lão bơm cái săm cho căng lên; thao tác thứ nhất là đưa cái săm lên ngang tai, sau một hồi nghe ngóng lão khẳng định được chỗ thủng (thực ra là chỗ lành) và cọ cọ, dán dán. “Xong! Lão bảo với khách như vậy- Nhưng để đảm bảo, cần phải kiểm tra lại, trên hình quan điểm vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi, không còn mi-li áy náy.” Lão nhúng cái săm vào chậu nước. Chỗ vừa vá đảm bảo rồi nhá (vì chỗ ấy chưa hề bị thủng); còn chỗ thủng thật lúc đó mới sùi bong bóng. Thao tác tiếp theo mới vá thật vào chỗ thủng. Bằng cái cách bóp cổ khách như vậy, ngày nào nhiều lão cũng chỉ kiếm được dăm ba nghìn. Thôi thì đói no cũng qua ngày. Khi không còn cái chức bảo vệ nhà trường, nguồn thu nhập vài tạ thóc không có nữa thì vợ lão coi lão không còn là con người, con lão coi lão như người dưng. Lão vất vưởng chả ra sống chả ra chết… Vậy mà bây giờ lão lại được người ta đưa trở lại cái vị trí ấy. Chả trách nhà trường điêu tàn hoang vắng đến vậy.
Y cất tiếng chào. Lão già không trả lời. Lão nhìn y với cặp mắt thờ ơ, vẻ mặt lạnh lùng như không quen biết. Mi mắt sụp xuống, khuôn mặt đờ đẫn có lẽ do uống rượu nhiều đến nỗi không còn nhận ra người quen. Rồi lão lại vùi đầu vào trong chăn. Cái chăn đụp màu nâu, loang lổ những miếng vá dúm dó. Và lạ lùng hơn nó rộng quá khổ, gấp ba bốn lần cái chăn bình thường nên trùm cả xuống đất, che gần kín nền nhà. Ở dưới chăn trên nền đất có cái gì động đậy, chắc là con chó hay con mèo. Nhưng lão ta có nuôi được con vật nào đâu. Ngày xưa, thỉnh thoảng cũng thấy lão nuôi con mèo hoặc con chó con… lúc bắt đầu nuôi thì lão âu yếm lắm, chăm chút lắm; nhưng do sự bức bách bởi tình cảnh thiếu thức nhắm đã khiến lão phải quyết định hoá kiếp cho chúng chỉ chưa đầy tuần sau đó. Sự âu yếm chăm chút chỉ là nhất thời, thay vào đó là sự tàn bạo khủng khiếp của thời Trung cổ: bằng một nhát đập chí tử, con vật yêu quý đã nằm thẳng cẳng chết đứ đừ. Và sau đó bằng rơm khô, lá mục lão nổi lửa thui cho chúng đến vàng ươm và dùng dao cùn chặt côm cốp trên cái chân ghế học sinh. Cái thực thể non bấy được lão yêu chiều hàng ngày đã được sả ra thành một mớ hỗn độn xương thịt bầy nhầy dưới lưỡi dao rựa cùn. Lão bảo làm như vậy là nhân đạo, là thể hiện sự yêu quý đối với chúng, là giải thoát cho chúng khỏi kiếp chó mèo hạ đẳng… Rốt cuộc bạn bè với lão chỉ còn lũ chuột. Lão cũng “yêu quý” chúng, cũng rất muốn thể hiện sự “yêu quý” như đã từng làm đối với những con chó con mèo con đáng thương kia. Nhưng lũ này rất tinh quái và nhanh nhẹn, có lẽ chúng cao quý hơn lũ chó mèo nên không cần chuyển kiếp; lão đành chào thua bởi mắt kém và tuổi tác làm cho lão không thể còn nhanh nhẹn. Mặc dù có thiếu nhắm, thèm thịt lắm thì lão cũng đành chịu nhìn những con mồi chạy nhởn nhơ ngoài vòng “thương yêu” như trêu tức. Và để thay thế cho chúng là những cái ấm nhôm, xô, chậu… đang lành lặn hoá thành bẹp dúm bẹp dó, sau đó báo cáo hỏng đề nghị thanh lý và được lão đem bán cho đồng nát để mua tý da lợn đầy lông lá, vài thanh đậu phụ ế chua loét, mấy con cá ươn khẳn… rồi xào xào nấu nấu khói um cả góc trường. Những lúc ấy nguời ta thấy lão vừa đưa mu bàn tay dụi mắt vừa sụt sịt mũi, toác miệng cười, ra chiều mãn nguyện.
Lần này thì dưới cái chăn bẩn thỉu trên mặt đất không phải là con chó hoặc con mèo; mà nhô ra hai cái đầu trẻ con trọc lốc và vàng vọt. Cũng mặt mũi lạnh tanh, cũng những cặp mắt vô hồn. Chả nhẽ lão này lại nuôi trẻ con. Rồi hai cái đầu trẻ con lại thụt vào trong chăn. Rồi động đậy. Và lại nhô ra ba cái đầu trẻ con khác ở trên giường. Lại thụt vào. Lại động đậy trong chăn và lại thò ra cái mặt lão Kình, nhưng lần này không ở trên giường mà là ở dưới đất. Cứ như vậy, lúc thì ba cái đầu trẻ con, lúc thì ba bốn cái đầu vừa trẻ con vừa người lớn, lúc trên giường, lúc dưới đất, thò ra thụt vào trong tấm chăn đụp loang lổ... Lão này làm cái trò khỉ gì thế này. Gặp người quen thì dửng dưng, lại còn bày trò ú tim với mình. Chả hiểu ra sao cả.
Y tức mình, phăm phăm bước vào, đưa tay hất mạnh cái chăn, y bỗng rùng mình bởi nó nhũn nhão như vừa ngâm nước và bở bùng bục. Cái chăn bay vào góc nhà: trên giường, dưới đất chẳng có ai. Những đầu trọc, những hình hài người ngợm biến mất hút như chưa hề xuất hiện; cái chăn hoá thành đống giẻ tả tơi, rách nát như đống rêu vừa được vớt lên, ri rỉ chảy nước loang lổ trên nền nhà đầy những vệt đất nham nhở như mối đùn…
Ma! Chả nhẽ là ma. Lạnh gai cả người. Lông tóc trên người dựng đứng, chân tay bải hoải. Y cố chạy ra khỏi cái phòng bảo vệ ma quái ấy. Y chạy mà không biết sẽ chạy về đâu. Đâu cũng được, miễn là thoát khỏi cái chỗ ghê rợn ấy. Bỗng như người bị rơi từ trên không xuống mặt đất. Y nhắm mắt: chắc là chết. Mở mắt ra thấy mình trong lòng một cái hố. Đất cát rơi lả tả xuống đầu xuống cổ, chui qua cả cổ áo xuống lưng. Ngứa điên cả người. Muốn gãi quá nhưng không thể được. Hai tay như bị trói không thể nào vòng về phía sau. Trên cái khoảng sáng nhờ nhờ ở miệng hố là ba bốn khuôn mặt. Quen lắm! Ai thế nhỉ? Lại không nhớ ra. Mấy cánh tay chìa xuống. Y cố nắm lấy một trong những cánh tay ấy nhưng cũng không thể được, tay y cứng đờ. Những cánh tay trên miệng hố túm tóc y kéo lên. Bằng cách ấy y được lôi lên mặt đất. Đầu đau ê ẩm. Y nhìn quanh: mặt đất trống trơn. Chả có ai. Rõ ràng vừa có mấy người kéo mình lên. Họ trốn vào chỗ nào nhỉ? Phải hét to lên xem họ ở đâu? “A…a… Có ai không?”… Một cái đạp đau điếng. Y vùng dậy…
“Làm cái gì mà hét ầm lên. Không cho ai ngủ nghê gì à?”. Thì ra mình nằm mơ! Bà vợ yêu quý vừa dùng cẳng chân giải thoát cho y khỏi cái giấc mơ kì dị quái đản. Không biết tiếp theo sự việc sẽ như thế nào?
Không thể ngủ tiếp được nữa, y trằn trọc mở mắt nhìn lên trần nhà. Khoảng trắng nhờ nhờ phản chiếu ánh sáng của đèn ngủ làm trong đầu y lại hiện lên cái khoảng sáng trên miệng hố trong giấc mơ. Và y nhớ ra: Cái phòng bảo vệ xuất hiện trong giấc mơ vốn là phòng ở dành cho giáo viên của những năm tám mươi thuộc thế kỷ trước. Trước khi y về công tác tại nhà trường thì ở đây đã có những sự việc hãi hùng mà bây giờ dư âm của nó vẫn còn qua các câu chuyện kể. Chỉ trong có hai năm mà ở đây chết ba cô giáo và hai đứa trẻ sơ sinh. Họ đều đã từng ở trong phòng này. Họ chết do thai sản hoặc do bệnh tật. Sự đói khát và vất vả thiếu thốn làm cho hai người không thể đủ sức vượt cạn trong những lần sinh nở. Người còn lại thì bệnh tật đã tích tụ trong cơ thể lâu ngày, nó gặm nhấm dần cái sự sống vốn đã mong manh. Người ta trò chuyện truy tìm nguyên nhân của những mảnh đời bất hạnh. Bên cạnh những nguyên nhân trực tiếp như đã nói thì người ta còn phát hiện ra một nguyên nhân khác: do cái phòng ở. Nguyên cái phòng ấy trước là của một y tá, trong phòng này người thầy thuốc của nhân dân lại rất nhiệt tình hăng hái làm thêm để có thu nhập ngoài giờ bằng cái việc huỷ diệt những mầm sống, những sinh linh nhỏ bé hậu quả không mong đợi của những cuộc tình vụng trộm. Theo như tin đồn và căn cứ vào các biểu hiện đầu mày cuối mắt trong đám nam thanh nữ tú, cán bộ, dân quân, các mối quan hệ kết nghĩa anh nuôi em nuôi… thì số lượng những ca như vậy có thể đến hàng trăm. Oan hồn quả báo.Vậy là không ai có đủ can đảm đến ở trong cái phòng y tá sát sinh nọ. Về sau nó được dành làm phòng bảo vệ. Lão Kình là người bảo vệ tá túc đầu tiên trong cái phòng này. Rồi lão nghỉ việc. Sau đó là lão chết bất đắc kỳ tử do một tai nạn giao thông. Xe máy va vào lão khi lão đang vừa chuyệnh choạng đi bộ theo kiểu vặn thừng của hoa hậu vừa đánh võng chữ chi trên đường. Chả biết có phải vì say rượu...
Sự hiện diện của lão trong giấc mơ cùng với trò ú tim mà lão làm muốn thông báo một điều gì đó chăng? Lão không nói gì, nhưng y biết trong giấc mơ thì những người đã chết không bao giờ nói. Người ta gọi đó là vong. Có lẽ đấy là phần còn sót lại của mỗi con người trên thế gian. Nó là cái phần không thuộc về vật chất, không có hoạt động cơ học nên không thể phát ra âm thanh. Nó là phần hồn, là ảo ảnh của người chết và có khả năng dẫn dắt người sống vào cõi hư ảo trong những giấc mơ kỳ dị. Nhưng y chắc có một thông điệp mà ở cái chốn hư vô ấy muốn thông báo cho mình. Giải mã được những thông điệp ấy quả là rất khó khăn. Chỉ có thể chiêm nghiệm điều đó trong sự việc tiếp theo của cuộc sống thực tại. Những hình ảnh của các sự việc xảy ra trong mơ sẽ tương ứng với những sự việc cụ thể sẽ diễn ra trong cuộc sống. Có lẽ nó không hứa hẹn những điều tốt đẹp, nhưng hình như nó chỉ ra rằng y sẽ vượt qua được những rắc rối đó bởi y bây giờ là người ngoài cuộc. Còn may mắn chán: Số phận vẫn mỉm cười với mình mặc dù nó không ngừng đưa ra các thử thách.
Đến bây giờ thì y mới vỡ ra: Những ụ đất tròn ở sân trường phải chăng là những nấm mộ. Những nấm mộ chỉ có trong những giấc mơ còn trên thực tế không thể có. Trong trần gian, nấm mộ là chứng tích duy nhất còn sót lại và cũng là vật sở hữu cuối cùng của một kiếp người. Những sinh linh bé nhỏ chưa từng được hít thở khí trời, những thân phận bé nhỏ sống mà chẳng được ai quan tâm sẻ chia, vậy thì làm sao có thể được người đời ghi nhớ bằng một nấm đất. Còn bởi vì những vong ấy chỉ thoáng qua trong cuộc đời rồi biến mất khỏi trí nhớ của đồng loại còn sống. Thỉnh thoảng lãng đãng hiện ra trong những cơn mơ hoặc vào những lúc đầu óc người ta mụ mị siêu thoát để cảnh báo sự tồn tại của họ.
*
* *
Hôm sau y dạy sớm mà trong đầu vẫn lảng vảng những hình ảnh trong giấc mơ đêm qua. Tự nhiên y thấy chán nản, không biết nên làm gì. Vậy là y thắng bộ vào và lấy xe đi. Cũng không hẳn là định đi đâu. Nhưng y chợt nảy ra ý định đến trường cũ để xem như thế nào, có gì giống như trong mơ không. Đến gần trường thì y lại ngại. Mình đã đi khỏi nơi này mấy năm rồi. Chuyện mơ và thực liệu có gì liên quan mà phải đến. Nhưng chợt nghĩ ra đang kì nghỉ hè nên chắc là ở đấy cũng chả có người, vả lại mình về thăm trường cũ cũng là tốt chứ có sao. Cái ý nghĩ ấy làm y bớt nghi ngại phần nào, thậm chí còn thấy vui vui.
Trường cũ vắng hoe. Cổng đóng kín nên y không vào được nên đành đứng ở ngoài nhìn vào. Y giật mình khi thấy mấy cây bàng gù không còn nữa. Đúng như trong mơ. Những cây bàng đã được trồng gần ba chục năm trời từ khi ngôi trường được dựng lên. Cứ mỗi lần lễ hội hay biểu diễn văn nghệ tại sân trường, những thân cây bàng non phải cõng hàng trăm đứa trẻ chia nhau leo lên từng cây, mỗi cây vài chục đứa, chúng chọn những cành gần sân khấu nhất để được xem cho rõ. Những thân cây non cứ mỗi năm lại gù đi một ít cho đến khi thành cổ thụ. Cấp trên bảo là hàng cây xấu quá, huỷ nó đi. Nhưng y kiên quyết giữ lại vì nghĩ rằng dù có xấu thì nó là một phần của mảnh đất này, gắn bó thuỷ chung, tận tuỵ với mái trường này. Lúc còn non, nó gù xuống vì cõng lũ trẻ; bây gìơ dù có gù, có xấu thì nó vẫn cho lũ trẻ bóng mát trong cái sân trường đầy nắng lửa. Thế mà người ta đã huỷ nó rồi! Thay vào đấy là những hàng cau vua giống nhập ngoại, mốt thời thượng. Những cây cau đang héo quắt cháy sém, búp và tàu lá rũ rượi trong nắng hè chang chang trông như những thây ma bị dựng đứng, đầu ngoẹo sang một bên, tay thõng thượt rủ xuống. Có sự thay đổi thật. Hàng cây tùng tháp khoẻ khoắn nghiêm trang như hàng quân danh dự ngày xưa được thay bằng những cây ngâu tỉa tán tròn như thúng úp nhưng chỉ có cành cuộng khẳng khiu mốc thếch điểm lơ thơ lá úa vàng. Và cũng đúng như trong mơ: rất nhiều cỏ, nhưng là thứ cỏ Nhật Bản hiện đang được ưa chuộng trồng trong các công viên. Cỏ ở đây được trồng theo ô ngăn cách bởi các lối đi bằng bê tông. Cỏ rất xanh và dầy. Chúng chen chúc nhau trong lãnh địa dành riêng cho mình. Chợt y rợn người: trong những ô cỏ loang lổ bóng nắng là mấp mô những ụ tròn nho nhỏ cái xanh sẫm, cái vàng vàng… như những cái đầu trọc đang lục đục cựa quậy trong tấm chăn rộng đầy mảnh vá. Phải chăng những gì trong mơ đang là thực. Sự thực đang hiển hiện trong mắt, y không thể không tin. Y nhắm mắt và chợt tưởng tượng ở mép cái tấm chăn rộng kia sắp sửa thò ra thụt vào những cái đầu trọc, những cặp mắt lạnh tanh, vô hồn của lão Kình và những sinh linh chết yểu…
Khác với trong mơ, y không chạy. Chả việc gì mà phải chạy trong một buổi sáng đầy nắng và gió như thế này. Y thở dài nghĩ về cái ngày đầu khi về trường đã cách đây hơn hai chục năm. Lúc đó dư luận đang xôn xao về những cái chết của ba cô giáo. Người ta sợ đến nỗi giáo viên trong trường nằng nặc xin chuyển đi trường khác, người được phân công về thì kiên quyết chống lại quyết định. Y được phân công về phụ trách trường. Buộc phải về, vì đó là quê hương của mình. Nhưng cũng từ đó thì không có hiện tượng tương tự nào xảy ra nữa. Người ta bảo do y cứng tướng hợp với cái nơi đất nghịch. Y không nghĩ như vậy nhưng y cảm thấy số mệnh đã trao cho mình cái việc nên làm. Tiếp thu công việc được non tuần, y cho học sinh lao động tu sửa lại cảnh quan đang rệu rã của nhà trường. Trong buổi lao động, lũ trẻ đào được một vật lạ. Chúng không biết đó là cái gì và đưa cho y. Cái vật ấy giống như chữ T in hoa, làm bằng sắt to bằng ngón tay út, dài hơn hai mươi phân, phía cuối là một vòng tròn xỏ lọt bàn tay. Nhiều lớp gỉ sét bám dày, lớp bên ngoài đang mủn ra chứng tỏ nó bị vùi dưới đất khá lâu. Một chiếc chìa khoá! Y cho rằng đây là chìa khoá của một ngôi đền hoặc miếu khá lớn. Nhưng chỗ này trước đây là cái trạm xá. Sau hỏi ra mới biết cái trạm xá ấy lại ngự trên mảnh đất của một ngôi đền cổ lớn thờ một vị tướng có công với nước. Ngôi đền thiêng có tiếng từ ngày xưa nhưng bị phá đi hồi cải cách vì nó là “tàn dư của phong kiến bóc lột lạc hậu”. Người ta lấy gỗ đem đấu giá rẻ chia nhau, gạch để lát đường xây dựng nông thôn mới và khu đất được dành để làm trạm xá. Trong chiến tranh phá hoại, căn nhà chính của trạm vốn xây trên nền móng của ngôi đền bị một quả bom Mỹ giáng xuống tan tành. Mấy người vừa y tá vừa bệnh nhân cũng tan biến vào đất cát, đào bới mấy ngày trời cũng chỉ nhặt được vài mảnh xương thịt nát vụn, chả biết ai vào với ai. Từ đấy không ai dám bén mảng đến đó nữa, lâu ngày thành đất hoang, cỏ dại mọc um tùm. Mãi đến thời hoà bình thống nhất, người ta nghĩ ra sáng kiến xây trường học vào chỗ ấy vừa vì tương lai con em chúng ta, vừa không bỏ đất hoang. Tiện mọi bề. Nhiều nơi họ còn dám đặt trường học trên bãi tha ma cơ mà... Thì ra đất này đã từng là nơi linh thiêng. Y cẩn thận đặt cái chìa khoá vào chỗ trang trọng nhất trong phòng làm việc của mình. Hàng ngày, khi ngồi làm việc y lại gặp chiếc chìa khoá. Rồi thành thói quen, cứ bước vào phòng làm việc là y lại đưa mắt nhìn xem chiếc chìa khoá có còn ở chỗ cũ hay không. Có lúc y ngồi lặng đi hàng giờ nhìn nó, và nghĩ… Nó như nhắc nhở y về trách nhiệm với mảnh đất này.
Vậy mà y đã làm việc ở đây hơn hai chục năm ròng lập nên một kỷ lục mà các vị tiền nhiệm không bao giờ đạt được. Người nào ở lâu nhất cũng chỉ được ba năm là phải bán sới đi chỗ khác vì những chuyện hết sức không đâu. Và y hết sức cẩn trọng trong mọi việc. Dần dần y có được cảm giác an toàn cho mình. Từ trong sâu thẳm y tin rằng cái chìa khoá mà y đang giữ chính là sự gửi gắm của ngày xưa. Chính cái điều ấy giúp y giữ được mình và điều hành công việc được giao một cách suôn sẻ. Khi buộc phải ra đi, y nghĩ ngợi hay là mình đã làm điều gì xúc phạm. Không, kiểm điểm lại chưa bao giờ y dám phụ mảnh đất này ngay cả trong ý nghĩ. Phải chăng còn có thế lực lớn hơn?
Ngày ra đi, y đã định đem chôn chiếc chìa khoá. Đất này đã trao nó cho mình, bây giờ xin được trả lại cho đất. Nhưng y nghĩ lại. Y trân trọng trao cho người đến thế chỗ. Thì cũng coi như việc đời làm cái thủ tục bàn giao hành chính thông thường… Không biết bây giờ nó có còn không? Hay là người ta đã vứt đi rồi vì nghĩ đó là trò mê tín nhảm nhí vớ vẩn.
“Sao! Về thăm trường cũ mà phải đứng ở ngoài à?” Tiếng nói kèm một cái đập vào vai làm y giật nảy người. Quay lại thì ra mấy ông bạn trong Hội Cựu chiến binh cùng với y, nhà ở xóm này. Y ngượng nghịu: “ Đi qua thấy cảnh cũ đã khác xưa, mình đứng xem một tý”. Mấy anh em rủ nhau vào một cái quán nước. Y kể cái giấc mơ kỳ lạ của mình. Một ông trầm ngâm:
- Các cụ bảo Hiền như Bụt, Lành như đất; Ông Thích ca mấy chục năm tu luyện dưới gốc bồ đề để được cái tiếng Hiền. Còn đất, đất tu luyện hàng tỷ năm, giơ mặt chịu bao nhiêu là nắng mưa, gió bão; trải qua bao nhiêu cuộc thăng trầm biến cải mới được cái tiếng Lành. Nhưng đất cũng có hồn đấy các ông ạ…
- Làm sao ông biết được?
- Gì mà không biết. Này nhá: Hồn của mỗi mảnh đất tích tụ linh hồn của cỏ cây và con người từng sống cùng với nó. Đất lành đấy nhưng chỉ lành với người tử tế. Còn đất cũng biết nổi giận, mà lúc nổi giận thì khủng khiếp lắm chứ chẳng phải chuyện đùa. Vì vậy mà vua chúa bán đất, nhượng đất là đến hồi tàn mạt; nhà nào bán đất đi thì lụn bại rất mau. Không tin các ông cứ nghiệm mà xem. Ai sống trên đất mà không biết trân trọng đất thì bị trừng phạt đến nơi đến chốn. Kẻ nào lợi dụng đất cầu lợi cho riêng mình, hại đến người khác cũng phải gánh quả báo đến đời con đời cháu…
- Phải đấy! Vậy mới có câu Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai. Cái sự lành dữ như vậy chính là sự thiêng của đất. Đất này thiêng lắm đấy. Người nào biết tôn trọng và gắn bó với đất này thì mới có diễm phúc biết được tâm sự của nó. Chả phải ai cũng được như vậy đâu.
Y nhìn mấy ông bạn mà ngớ người. Không phải vì cái mớ lí luận có vẻ khúc triết các ông vừa nói. Mà là vì bây giờ y chợt nhận ra: họ có khuôn mặt của những người đã đưa tay kéo y lên khỏi cái hố trong giấc mơ kỳ dị đêm qua.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét