Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

NHÀ VĂN LÊN PHỐ

TRUYỆN NGẮN


Ối anh ơi là anh ơi! Anh đi đâu mà bỏ mẹ con em bơ vơ! Vợ hắn tả tơi thất thểu dọc theo bờ kênh vừa nhìn xuống dòng nước vừa quệt mắt. Dưới kênh chỉ thấy có bèo ong và bèo tây lẫn lộn. Ối anh ơi anh ơi là anh ơi... Người đàn bà rên rỉ nhưng không dám khóc to. Trăng sáng vằng vặc. Có một chỗ bèo dạt ra, thấy rõ bóng trăng in trên đáy nước. Lạ nhỉ, mọi chỗ bèo kín đặc mà đây lại không có bèo, hay là ở chỗ này... Anh ơi, anh có thiêng thì chỉ chỗ để em vớt anh lên. Người đàn bà định nhảy xuống. Nhưng nhỡ phải chỗ nước sâu... nhỡ hắn kéo mình xuống thì chết cả đôi. Nhìn quanh, thị vớ được một cành chà rào. Thị đưa cành chà rào xuống cái lỗ nước nơi không có bèo. Mắm môi mắm lợi, thị rà cái cành chà rào... Hắn cũng chẳng to lớn gì, nếu hắn mà ở dưới ấy thì chỉ cành chà rào cũng có thể kéo được hắn lên. Nhưng không thấy. Vậy hắn ở đâu? Nốc cho lắm vào rồi khướt ra. Đâm đầu vào chỗ nào rồi không biết. Bà mà vớ được thì bà cho biết tay. Thơ với chả văn rồi lúc say thì khướt khườn khượt, lúc tỉnh thì như thằng mất hồn, lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác... Ôi giời ôi! Sao kiếp tôi nó khốn nạn thế hả giời... Lấy được ông chồng có nghề nghiệp hẳn hoi, lại lắm tài vặt. Ai cũng bảo là tốt số. Tự dưng đọa ra, bỏ hết mọi sự chẳng thiết làm ăn gì. Ấy là bởi cuồng lên đi viết văn, làm thơ. Rồi thì rượu. Thơ văn phải có rượu. Rượu- thơ, thơ- rượu... Mồm leo lẻo bảo rằng như thế mới là tiên. Tiên với chả Phật! Mới hơn ba chục tuổi đầu bỗng thành thằng không tuổi, đang sáu mươi cân tọp lại còn hơn bốn chục cân, vêu vao đầu gối quá tai, gầy còn hơn cả La Hán. Cả năm may ra mới được một cái truyện ngắn đăng báo, được vài trăm nhuận bút thì lấy làm khoái chí lắm. Bỏ tiền phô tô vài chục bản đem phân phát tứ tung. Lại còn bắt vợ mua rượu mua nhắm đãi bạn. Rồi cả đám, người thì trọc lông lốc, người thì tóc tai bù xù, mặt mày tái dại ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Rượu vào lời ra ngồi nịnh nhau: Tài!... tài thật! Thánh! ... thánh thật!.. Nghe mà rực ruột. Tài cái con khỉ! Tài gì mà cả năm mới được mấy cái đồng bạc còm rồi bắt vợ bỏ tiền bù lỗ. Thánh! Thánh cái giời vật! Thánh mà để người ta chửi cho chẳng bằng con chó. Chưa xong bữa đã có người đến chửi. Người chửi là cái thằng hàng xóm. Vì viết cái gì không viết lại viết về con chó chột mắt hay sủa càn, để nó nghĩ là nói xỏ mình vì thằng này cũng bị hỏng một mắt. Thật khốn nạn! Nuôi được cái lão nhà văn để rồi lỗ chỏng chơ, thiệt đơn thiệt kép lại còn bị người ta chửi cho mất mặt. Đợt này á! Bà cấm tiệt. Cứ còn ngồi mà viết, thì bà bẻ bút.
Mọi lần, thị mặc kệ hắn tít mít tối ngày. Muốn đi đâu thì đi, đi chán thì về. Muốn viết gì thì viết. Thì ngoài viết ra, hắn có làm gì đâu. Người ta làm nhà văn để nuôi vợ nuôi con. Còn thị thì vất vả đầu cúi đít chỏng là để nuôi nhà văn và một lũ con- sản phẩm của những bốc đồng sau những bốc đồng viết lách. Quán xuyến mọi việc trong nhà, làm lụng nuôi con, đối nội đối ngoại, một tay thị đảm đương. Mà có bắt hắn phải đảm đương thì hắn cũng chịu. Chỉ được cái võ mồm, nói năng thì đến cua trong lỗ cũng phải bò ra. Cái lo nhất của người đàn bà là giữ chồng. Nhưng cái việc ấy thì thị hoàn toàn yên tâm. Người chả ra hồn người, loẻo khà loẻo khoẻo lại cả tháng giời không tắm, lúc nào cũng sặc mùi rượu. Giá có động đến thì nhũn nhùn nhùn như con chi chi thì bõ bèn gì mà lo thiên hạ nó chài. Gớm! Báu lắm đấy. Ai rước hộ đi thì may quá.
Nhưng lần này thì khác. Buổi sáng, trước khi đi làm đã thấy hắn ngồi vào bàn viết, thấy hắn thở dài thườn thượt, mặt mày ra vẻ đăm chiêu. Cũng chẳng lạ gì cái kiểu dở người ấy. Trưa về, vẫn thấy hắn ngồi nguyên như cũ, chỉ thêm cái mi mắt rưng rưng. Cũng chẳng lạ, chắc là hắn đang khóc cùng nhân vật. Tự dưng tự lành tưởng tượng ra nhân vật rồi ngồi khóc với nó. Đúng là dở hơi. Cái đáng khóc chả khóc lại đi khóc cho cái mà mình tưởng tượng. Kệ! Chẳng việc gì đến thị, thị phải đi làm. Cứ ngồi đấy mà tưởng với tượng, mà khóc với mếu thì lấy cái gì đổ vào mồm. Nhưng cả nhà ăn cơm tối xong cũng không thấy hắn ló mặt về. Tự dưng thị thấy nóng ruột. Cố ngồi đợi. Nửa đêm vẫn không thấy. Thị gài cửa rồi đi tìm. Chắc hắn lại say khướt với mấy ông trong làng. Nhà ở giữa đồng vào đến làng phải đi dọc theo bờ kênh. Đi ra khỏi nhà được mấy chục bước thì thấy cái xe đạp chổng bánh sau lên bờ còn bánh trước chìm nghỉm dưới nước. Thôi chết rồi. Say quá đây mà. Vợ hắn hoảng hồn vừa vác chà rào rà dọc kênh vừa khóc...
Rà hết cả một đoạn dài mà không thấy. Yên tâm là hắn không nằm ở dưới đáy kênh. Vậy thì hắn chẳng việc gì. Không khóc nữa! Thị lôi cái xe đạp lên té nước rửa qua loa rồi dong về nhà. Hay là đi với con nào? Cái mồm tía lia như hắn thì không biết chừng lại có con dở hơi nào mê muội cũng nên... Chả nhẽ. Chả có con nào lại ngu quá ngu quẩn đến như vậy nếu hắn không có tiền. Tiền! Thôi chết rồi. Vứt xe ở sân, thị chạy vào buồng, vội vã lục cái va li bẹp. Không thấy! Mất rồi! Có ba trăm bạc vừa bán ổ gà để đóng học cho con, hắn lấy đi mất rồi. Giời ạ! Sao số tôi nó khốn nạn thế. Khốn nạn!... Sao tôi không chết đi cho rồi. Chồng ơi là chồng! Muốn gào lên nhưng sợ lũ con thức giấc. Thị giàn giụa nước mắt.
Suốt đêm ở hiên nhà, người vợ ngồi bó gối rấm rứt khóc.

*
* *

Hắn thủ ba trăm của vợ thật. Nhưng không phải để đi với con nào. Hắn đi kiện. Kiện một tờ báo có uy tín mãi tận Trung ương. Sự thể như thế này: Hôm qua một ông bạn viết cầm tờ báo đến nhà hắn. Chúc mừng ông! Cái Chị Lượt của ông được Thời Cuộc chọn đăng! Nhưng sao đề tác giả là Sỹ Vượng? Hắn ớ ra. Thật á! Sỹ Vượng là cái thằng chó chết nào mà lại dám lấy bài của tao. Chắc là trùng tên truyện đấy thôi. Vậy là hai ông, người đọc báo, người soát theo bản gốc. Không sai một dấu phảy. Thế là thế nào nhỉ? Truyện này hắn đã gửi dự thi truyện ngắn và đã được đăng, lại nghe loáng thoáng được vào chung khảo. Thế mà bây giờ nó ở đây với cái tên tác giả khác. Thôi chết rồi! Chắc thằng xỏ lá này làm như vậy để vu cho mình đạo văn, hoặc chí ít cũng phạm quy vì truyện dự thi không được đăng trên các báo khác. Hắn đần mặt ngẫm ngợi. Vậy thì phải kiện!
Hắn tập hợp tất cả chứng cứ khẳng định Chị Lượt là của mình và hùng hục viết một lá đơn. Mở đầu đơn kiện hắn viết rất hùng hồn: tôi được cha mẹ và nhà trường xã hội chủ nghĩa dạy rằng: ăn cắp là tội rất xấu. Của ăn cắp mà lại khoe ra trước bàn dân thiên hạ là của mình thì đó là loại vô liêm sỉ. Và tôi cũng dạy các con tôi như thế... Đại loại nội dung lời lẽ rất kiên quyết nhưng cũng không kém phần bóng bảy văn hoa để chửi thằng ăn cắp là thằng khốn nạn. Sau đó tiếp tục chửi thằng mua đồ ăn cắp. Thằng mua đồ ăn cắp là thằng ngu: ngu vì bỏ ra đồng tiền mà lại vớ phải đồ ăn cắp và hơn nữa làm báo mà không đọc báo thì bao giờ mới khá lên được. Truyện người ta đã đăng sờ sờ dự thi mà một tờ báo ngay sát nách không biết gì. Sau khi chửi thằng khốn nạn và thằng ngu xong thì hắn yêu cầu: Thằng kia phải xin lỗi, tòa soạn phải đính chính, phải trả nhuận bút cho hắn và thanh toán mọi phí tổn đi lại. Viết xong, hắn mặc quần áo, moi trong va li số tiền vừa bán gà để làm lộ phí, tranh thủ làm vài tợp rượu và ra khỏi nhà, không đợi vợ con về. Rượu vào khí thế bừng bừng, nhưng cái xe đạp cà khổ lại giở chứng, cứ vài chục vòng lại phải xuống lắp xích. Điên tiết hắn lao cái xe xuống kênh. Cần gì! Đợt này thắng kiện ông mua cái khác. Rồi hùng hục đi bộ gần chục cây số ra bến xe.
Hăng quá nên hắn quên cả thời gian. Đến bến xe mới hơn tám giờ tối mà xe chạy Hà Nội phải năm giờ sáng hôm sau mới có. Nhà văn của chúng ta buộc lòng phải nằm ở bến xe. Một tay hắn khư khư trong túi quần để chắc chắn ba trăm không bị bay mất, một tay vỗ muỗi. Gà gật rồi cũng qua đêm...
Trong khi hắn gà gật chiến đấu với lũ muỗi ở bến xe thì vợ hắn ở nhà ngồi khóc!...
*
* *
Giấc trưa xe mới đến Hà Nội. Đói, mệt và mất ngủ. Người hắn đờ ra. Ghé một cái quán, gọi chén nước chè cho tỉnh táo. Nhẩm trong đầu xem đã tiêu hết bao nhiêu, tính xem có nên ăn cái gì không? Nếu ăn thì nhỡ ra không đủ tiền về. Nhưng không ăn thì đói quá. Sẩy nhà ra thất nghiệp. Ở nhà, vợ ép lắm hắn cũng chỉ lưng bát cơm còn toàn uống rượu. Bây giờ hắn đang thèm rượu lắm. Nhưng còn phải làm việc quan trọng. Rượu vào người ta lại bảo là thằng say. Thằng say mà vào một tòa báo cỡ cả nước thì họ tống cổ. Nhưng làm cách nào cho hết trưa. Trong khi đang mải tính toán, hắn chợt nghe chủ quán cằn nhằn chửi vợ: cái đồ đàn bà thối thây! Giờ này không mang cơm ra để ông chết đói. Hắn bắt chuyện ngay. Ông có biết đàn bà được sinh ra như thế nào không? Đàn bà là cái rẻ xương sườn của đàn ông. Các ông nghe kinh Thánh nói vậy chứ gì. Nhưng đếch phải. Tay chủ quán há hốc mồm, cả đám xe ôm đang dài cổ đợi khách cũng tròn mắt nghe hắn diễn thuyết... Để tôi nói cho mà nghe. Ngày xưa Chúa Trời sinh ra mỗi một thằng đàn ông. Tay đàn ông ấy ở một mình buồn quá bèn xin với Chúa cho thêm người nữa xuống làm bạn. Chúa đồng ý, cho một ông thánh xuống trần gian lấy của tay đàn ông kia một rẻ xương sườn đưa về cho Chúa để Chúa nặn thành đàn bà. Thì kinh Thánh cũng nói vậy mà- mấy tay hóng chuyện nói chen. Để im tôi nói cho mà nghe. Ông Thánh được cử xuống hạ giới mò hết mọi xó xỉnh mà không thấy tay đàn ông đâu. Chả là hắn ta uống rượu say khướt rồi chui vào một chỗ ngủ líp ba ga mấy ngày liền. Thánh cũng chả tìm thấy. Chợt có một tên quỷ trông thấy Thánh. Tên quỷ này trước cũng ở trên Thiên Đường nhưng vì hắn can tội hay ngồi lê lắm điều, tham tiền, cứng cổ đến mức Chúa Trời cũng không chịu nổi nên bị đày xuống trần gian. Quỷ trông thấy Thánh thì hoảng quá, tưởng rằng Thánh tìm bắt mình để đầy xuống địa ngục. Hắn bèn chui đầu vào một quả núi nhưng lại lòi đuôi ra. Thánh cũng trông thấy Quỷ, liền gọi để hỏi xem thằng Người đâu. Quỷ khiếp quá càng chui sâu. Thánh nắm lấy đuôi Quỷ, giật mạnh. Một đằng cố chui vào, một đằng cố kéo ra... thế là phựt một phát. Quỷ chui tọt vào lòng núi. Còn lại một mình Thánh với cái mẩu đuôi Quỷ. Không tìm được thằng Người, sợ bị chúa Trời phạt, Thánh bèn dùng phép nặn mẩu đuôi Quỷ thành cái xương sườn của thằng Người đưa về cho Chúa. Chúa Trời cả tin mới nặn tiếp thành đàn bà. Vậy cho nên mới có đàn bà như ngày nay. Hố hố... há há... cả bọn cười ngặt nghẽo. Lão này cũ người mà kể chuyện hay ra phết! Tay chủ quán cũng mải nghe quên cả chửi vợ. Lúc hắn đứng lên, chủ quán đã không lấy tiền nước lại còn mời thêm điếu thuốc lá. Lần đầu tiên sử dụng cái vốn moi ra từ những câu chuyện từng đọc, thấy đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt, hắn đâm ra hứng khởi. Ô hay, thành phố cũng chỉ như vậy thôi ư? Những chuyện như vậy có đầy trong sách. Nông thôn đã đành, làm gì có sách mà đọc. Còn thành phố, liệu có mấy người đọc sách. Vậy thì chán thật. Viết để làm gì? Khốn nạn cả đời, in mấy trăm cuốn, lỗ chỏng vó mà có mấy người đọc. Chả trách mấy ông nhà văn chuyên nghiệp cũng kêu chán. Sách bán chạy là sách dạy làm quan, sách dạy làm giàu, sách dạy cách làm tình thế nào cho sướng và... sách chế độ chính sách. Hay thật. Tập hợp các văn bản của Nhà nước, mất tý công đánh máy in thành sách, bán hàng nửa triệu bạc một cuốn. Những cuốn sách ấy lại nằm ở những giá sách sang trọng của các đại gia. Chính sách thay đổi chóng mặt. Sách in chóng mặt. Còn những chiêm nghiệm ám ảnh cả một kiếp người, những nỗi niềm nhân thế... mấy ai để ý. Cho nên mấy ông nhà văn nghèo cũng phải.
Thôi thì cũng phải ăn rồi đến đâu thì đến. Hắn thất thểu vào một hàng cơm bình dân. Lúc này cũng đã hơi quá trưa. Ông chủ nhà đang uống rượu một mình. Thấy khách đến vào cái giấc đáng lẽ phải được nghỉ nên ông ta có vẻ khó chịu, mặt mũi hằm hằm. Nghe nói ở Thủ đô cứ chủ quán nào hằm hè thì quán ấy mới đắt khách. Hắn làm như không thấy điều ấy, gọi một suất cơm canh mười ngàn. Cơm đưa lên. Quen thói ở nhà lại thèm chén rượu. Chai rượu lại để ngay cạnh. Sự cám dỗ của quỷ chiến thắng sức ép của công việc đang chờ. Thôi cũng đành! Hắn rót một chén. Nhìn lên, thấy bức trướng mừng thọ, hắn đưa đà: Cụ nhà vừa được mừng thượng thọ! Chủ nhà gật đầu. Rượu vào bốc lên. Hắn bắt đầu thao thao. Vậy là nhà ta có phúc lớn. Chủ nhà nhìn hắn hoài nghi. Này nhé! Ông có biết thiên tước là gì không. Thiên tước là tước lộc của Giời, mà Giời thì rất công bằng. Ai xứng đáng mới được, chứ không như trần thế chạy chọt cửa sau, hối lộ cửa trước mới được ban tý chức tước thì vênh mặt lên thực ra chẳng có tài cán đức độ gì. Mà người xứng đáng phải là người hiền lành tử tế thì giời mới ban cho tuổi thọ. Cụ nhà ta thượng thọ là được ban thiên tước. Các cụ hiền lành để phúc cho con cháu. Tôi nhìn ông thấy dung nhan rạng rỡ lắm, làm ăn có vẻ nhuận lắm. Ông thấy có đúng không. Nhờ các cụ đấy! Ông chủ nhà khoái quá bê cả thức ăn cả rượu sang ngồi với hắn. Được thể hắn nói thao thao. Chủ nhà há hốc mồm nghe, sướng tê người, liên tục rót rượu vào chén hắn. Nhưng vì còn công việc trước mắt nên hắn uống dè dặt. Lúc hắn ra đi, chủ nhà chỉ lấy mười ngàn tiền cơm, không lấy tiền rượu, sau đó còn bắt tay giật giật rất nhiệt tình và hẹn hò lưu luyến lắm. Hắn cảm ơn và liếc chai rượu vẫn còn nhiều mà tiếc rẻ. Giá mà không phải cái vụ văn chương thổ tả này thì có phải hơn không!
*
* *
Tay bảo vệ tòa soạn báo Thời Cuộc nghi ngại nhìn một hình nhân không ra già không ra trẻ, áo quần lếch thếch, đầu tóc bù xù, loẹt quẹt đôi dép lê mòn vẹt cả mũi. Nhà văn của chúng ta xông thẳng vào tòa soạn. Này ông kia đi đâu? Đi gặp Tổng Biên tập!... Đứng lại! Xuất trình giấy tờ!... Hắn làm như không nghe thấy, vẫn xăm xăm đi vào. Tay bảo vệ hoảng hốt chạy theo ngăn lại: Văn hóa công sở để đâu. Vào cơ quan phải xin phép chứ! Hắn quay mặt lại: Sao! Phải xin phép à! Vậy ăn cắp bài, đăng bài không xin phép tác giả là văn hóa gì? Phòng Tổng Biên tập ở đâu? Thấy đối tượng chắc cũng không phải tay vừa, ít nhất cũng là cấp cùn trở lên... tay Bảo vệ dàn hòa: Thì ông cứ vào đây tý đã. Hắn vào phòng thường trực ngồi đợi. Tay bảo vệ bỏ đi vào một hành lang tối. Nhìn vào hành lang tối mờ mờ như cái lỗ lươn, tự dưng hắn ngại ngại. Người ra vào nhiều nhưng không ai để ý đến hắn. Đợi mãi chẳng thấy ai bảo sao, tay bảo vệ cũng không thấy đâu. Quái thật! Lại có cái loại văn hóa bảo khách vào phòng rồi biến mất hút con mẹ hàng lươn. Chả nhẽ cứ ngồi mãi ở đây. Thấy một cô từ trong cái lỗ hun hút đi ra, hắn vội chạy theo: Xin lỗi.. cho tôi hỏi: Phòng Tổng Biên tập ở đâu. Cô này vẫn cắm đầu đi: tầng ba! Đúng là thời đại công nghiệp. Thông tin người ta chỉ cung cấp vừa đủ, không thừa thiếu chữ nào. Nhưng thôi, hãy cứ lên tầng ba. Hắn đoán cầu thang chắc ở cuối cái lỗ hành lang hun hút. Đúng thế thật.
Tầng hai... tầng ba... Hắn đi dọc hành lang tầng ba, ngửa cổ tìm phòng Tổng Biên tập. Đây rồi. Hắn gõ cửa. Không có tiếng trả lời. Phải ba lần mới nghe thấy: đang bận, hãy chờ! Chờ đến hơn chục phút thì thấy cánh cửa mở. Một cô môi son má phấn bước ra: Xong rồi, ông vào đi... Hay thật! Chả biết xong cái gì mà thấy cô ta vừa lắc mông vừa chỉnh áo. Ông Tổng đầu hói tròn như quả bưởi đang chăm chú trên máy vi tính không ngẩng đầu lên miệng hỏi: Có việc gì? Hắn trình bày. Tổng Biên tập lơ đãng nghe rồi bảo: Ông xuống tầng hai làm việc với biên tập văn hóa văn nghệ của báo. Thế nhé!
Xuống tầng hai. Lại ngửa cổ vừa tìm vừa hỏi thăm Phòng Biên tập văn hóa văn nghệ. Rồi cũng tìm được. Tiếp hắn là một cô váy ngắn chân trần, đi bốt trắng. Hắn nhìn đôi bốt thầm nghĩ: Nắng vỡ giời, nóng chảy mỡ lại còn đi ủng. Mà sao đôi ủng này lắm lỗ xỏ dây thế. Để xỏ dây buộc ủng có khi phải mất hàng tiếng đồng hồ chứ chả chơi. Tự dưng hắn liên tưởng cô này là con cháu Tôn Ngộ Không. Ừ đúng là giống Tôn Ngộ Không thật vì mặt thì bự phấn trắng vẽ vời rất cẩn thận, còn cái tai, cái cổ thì vẫn nguyên bản nâu nâu tươi màu suy nghĩ. Cô biên tập khi đọc đơn kiện của hắn lộ rõ vẻ hốt hoảng. Sở dĩ hắn biết được điều ấy vì thấy vành tai của cô ta tía dần lên theo từng dòng chữ trong đơn mà cô ta đọc được. Nếu bị phản ứng thì hắn sẽ phản công bằng các chứng cứ đã sắp xếp theo tinh thần của công ước Bơn. Nhưng không đến mức đó. Cô ta sẽ sàng: Đúng là chúng tôi có lỗi vì quá tin vào người gửi bài. Xin khất anh sáng mai chúng tôi sẽ giải quyết vì còn phải xin ý kiến Tổng Biên tập. Hắn bảo: Tôi không đợi được đến sáng mai! Yêu cầu phải giải quyết ngay! Anh thông cảm vì chiều nay tài vụ đi vắng. Vả lại anh đi mấy trăm cây số lên đây cũng phải nghỉ ngơi tham quan Thủ đô chứ ai lại về ngay. Hắn nghĩ thầm: Tham quan cái con khỉ! Tiền đâu mà tham quan? Lại còn phải chỗ ăn, chỗ ngủ nữa chứ. Đếch làm việc kiểu cù nhầy này nữa. Ông kiện lên Bộ cho các người biết tay. Vậy là hắn hùng hục ra bến xe.
Ra bến xe lại vào quán nước lúc trưa. Chủ quán nhận ra hắn ngay, vội đon đả chào mời, cánh xe ôm cũng đến hóng chuyện. Nhưng bây giờ hắn chẳng còn bụng dạ nào để tếu táo được nữa. Làm một hơi hai cốc nước chè, hắn ra xe. Nghĩ đến đoạn đường mấy trăm cây số hắn ngán ngẩm. Tống liền hai cốc nước đâm ra mót đái, hắn phải đi giải quyết cái nhu cầu không thể trì hoãn... Thoải mái quá! Nhưng vừa bước ra khỏi nhà vệ sinh thì bị một bà béo chặn lại: Tiền? Hắn hỏi lại: Tiền gì? Tiền đi tiểu chứ tiền gì. Mắt mù không nhìn quy định à. Hắn nhìn lên cái bảng sơn xanh. Thành phố hay thật. Đi đái cũng mất tiền. Hắn đưa cho bà Vệ Sinh một ngàn. Còn thiếu! Hắn ngạc nhiên: Ơ hay bảng giá quy định một ngàn, tôi trả một ngàn sao lại còn đòi nữa? Buổi trưa anh cũng vào đây chưa trả tiền. Bây giờ phải trả cho đủ! Hắn ớ ra nhưng bụng cũng phải công nhận là bà ta nói đúng. Nhưng hắn còn cố vớt vát: Buổi trưa tôi có vào đây đâu mà đòi? Gớm nhỉ! Lại còn chối. Người ngợm như hình nhân, đầu như tổ quạ, quắt queo như thằng nghiện thế kia giá có đi đâu một năm quay lại thì chỉ mù mới không nhận ra. Trả một ngàn nữa ngay kẻo không xong với tôi đâu!... Nhìn bà Vệ Sinh đẫy đà với cây chổi lăm lăm trong tay như Bát Giới cầm đinh ba thì hắn hơi hoảng. Mất thêm một ngàn nữa. Người thành phố sòng phẳng thật! Cái hay ho mình nói ra đằng mồm, người ta sướng, người ta trả công cho mình. Cái mình thải ra đằng đuôi, người ta phải dọn thì người ta bắt mình phải trả tiền. Đúng thôi! Vậy thì tại sao mình lại không thể đòi thằng Thời Cuộc phải sòng phẳng? Phải làm cho ra nhẽ chứ sao lại chịu về không. Quay lại! Vậy là hắn lại hừng hực khí thế đi bộ về tòa soạn báo Thời Cuộc.
Đoạn đường từ bến xe đến tòa soạn Thời Cuộc không phải là ngắn. Hắn cứ cắm cúi đi cho đến khi thấy bóng mình in trên mặt đường mới nhận ra thành phố đã lên đèn. Một mình lạc lõng giữa ồn ào xe cộ hắn bỗng thấy sợ. Giả sử có một cái xe mất tay lái... mình có bị làm sao... thì vợ con không biết, không ai biết... thì cũng chỉ như một kẻ ăn mày... Vô nghĩa, vô nghĩa hết! Tự nhiên thấy thèm người. Thèm có một người để tâm tình, chia sẻ... Nhưng ai có thể tâm tình chia sẻ. Mà đêm nay mình sẽ ngủ ở đâu. Lại vạ vật vỉa hè sao? Hắn lục túi tìm tờ giấy ghi số điện thoại của bạn bè. Trần Văn X... Điện thoại: 0483... Đây rồi. Sao mình vô tâm, anh ấy mấy lần hẹn nếu có dịp lên Hà Nội thì vào nhà chơi...
Hắn vào một dịch vụ điện thoại gọi đến nhà ông X.
Người nhà nghe máy rồi bảo ông X không có ở nhà. Hắn hỏi thêm thì mới biết ông đang nằm viện. Ung thư giai đoạn cuối. Vậy là hắn đến Bệnh viện. Ông X là nhà thơ. Sở dĩ hắn biết ông vì ông là người cùng quê, trước cùng sinh hoạt trong Hội Văn nghệ tỉnh sau chuyển lên Trung ương. Cả hắn và ông cùng là đệ tử Lưu Linh, cùng thích văn chương nên thân nhau. Hắn kính trọng ông là đương nhiên vì ông có thực tài và sống rất chân tình. Còn ông quý hắn bởi hắn thật thà và thương hắn bởi hắn nghèo. Thỉnh thoảng gặp nhau hay khi ông đến nhà chơi thường dúi cho hắn mấy chục. Chẳng nhiều nhặn gì vì ông không giàu, nhưng vợ chồng hắn rất cảm động. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. San sẻ cho nhau chút đỉnh là cho nhau niềm vui, động viên nhau tinh thần là chính để mà tồn tại. Có lẽ chỉ những nhà văn mới làm được như vậy.
Ông Nhà Thơ mừng đến rưng rưng khi được nhà văn xóm đến thăm. Khi một mình đối đầu với cái kết cục tất yếu của kiếp người thì người ta cảm thấy mọi sự chăm sóc thăm hỏi của đồng loại là thiêng liêng. Hắn cũng đọc được trong mắt ông sự cố gắng níu kéo đến tuyệt vọng. Hình như hắn đến làm ông có thêm nghị lực để hy vọng. Hắn biết điều ấy nên cố gắng làm cho ông vui và bảo rằng bệnh tật của ông chỉ là ốm xoàng, một trận cảm vặt. Tếu táo và trân trọng, hắn kể với ông cái việc phải lên thành phố. Nhà Thơ chăm chú nghe nhưng lộ vẻ mệt mỏi. Nhận thấy điều ấy, hắn hỏi ông: Anh mệt à. Bây giờ anh thèm cái gì nhất? Ông thều thào: Rượu! Nhưng chúng nó không cho uống... Mình cũng chả dám đòi... Mọi người trong nhà đang cuống lên chạy tiền thuốc cho mình mà mình lại đòi rượu nữa thì nhẫn tâm quá... Tưởng gì! Hắn hăng hái đi mua một chai rượu. Cẩn thận hắn rót rượu vào cái chén nhỏ. Nhà Thơ run run nâng cái chén, mắt nhìn sâu vào những giọt rượu trong vắt. Ông đưa chén rượu lên ngang mặt, tận hưởng mùi thơm quyến rũ và từ từ đưa chén chạm môi. Môi ông như được men rượu làm hồng lên. Mắt ông nhắm lại. Những giọt rượu được ông giữ lại trong miệng một tý để tận hưởng vị cay nồng rồi mới nuốt. Một tiếng khà nhè nhẹ nhưng hẫng. Hắn biết tiếng khà là thói quen của những người uống rượu. Có lẽ Nhà Thơ kìm tiếng khà ấy lại vì ông không muốn nó mang đi hương vị của những giọt rượu đang đọng trong cổ họng. Tuyệt vời! Hắn ngắm Nhà thơ uống rượu mà rưng rưng. Đời hắn cũng đã uống không phải là ít rượu. Nhưng hôm nay hắn mới tận mắt chứng kiến sự hoan lạc đến tột đỉnh của người uống rượu. Này chú! Ông nói, giọng trong hơn- Buồn cười thật đấy. Để kéo dài sự sống thêm mấy ngày, người ta bắt mình phải đoạn tuyệt với những cái gì mà mình thích. Thêm mấy ngày nhạt nhẽo vô vị ấy thì phỏng có ích gì. Còn khổ hơn cái chết. Vậy thì việc gì phải kìm hãm. Tuyệt thật! Chú cho tôi xin tý nữa. Hắn rót thêm một chén. Vẫn những động tác như vừa rồi, nhà thơ uống và khà. Lần này thì tiếng khà thoát ra thoải mái hơn. Mặt ông hồng lên. Cặp mắt linh hoạt như người không hề có bệnh. Phấn khởi vì những thay đổi đến bất ngờ ở Nhà Thơ, hắn hỏi: Anh còn nhớ câu thơ: Nếu ngày mai tôi chết... Vừa đọc được một câu hắn đã thấy mình hớ. Ai lại đi nói về cái sự chết chóc với người đang trọng bệnh. Nhưng Nhà Thơ nói ngay: Nhớ chứ! và ông đọc liền một hơi Nếu ngày mai tôi chết. Thì chẳng mong gì hơn. Âm thầm một giọt lệ, rỏ xuống những nguồn cơn.‘*’ Những nguồn cơn... Ông lẩm bẩm. Những nguồn cơn... Mày sướng nhất đấy em ạ! Tự nhiên ông thân mật xưng hô mày tao. Cái việc mà mày vừa nói chứng tỏ mày đã làm được việc mà không phải ai cũng làm được. Thứ nhất: cái thằng mà nó lấy cắp truyện của mày là người tri âm với mày rồi. Mày hỏi vì sao à? Để anh nói cho mà nghe. Trước hết là nó đã công nhận cái truyện của mày, nó thích cái truyện của mày. Thích quá, nó mới lấy cắp. Chả có ai lại đi lấy trộm cái mà mình không thích. Nó lại dám thay tên tác giả, thế tên nó vào tức là nó đã dám thừa nhận ý của mày trùng với ý của nó. Thứ hai: Thằng Thời Cuộc nó đăng truyện ấy lên là nó đã công nhận giá trị của truyện. Một cái truyện mà hai thằng báo to cùng công nhận, cùng đăng thì tuyệt quá rồi còn việc gì phải băn khoăn. Thứ ba: viết ra được nhiều người biết đến là tốt quá. Chính mày viết xong mày cũng chẳng quan tâm số phận của nó như thế nào sau khi gửi đi. Có người bảo mày mới biết cái vụ này. Đã có người đọc quan tâm đến mức ấy là hạnh phúc đấy em ạ!... Nhưng mà em tức lắm! Tức không chịu được vì nó dám thay tên tác giả! Vậy là mày lại háo danh rồi. Viết mà người ta đọc, người ta chiêm nghiệm, chia sẻ và đồng cảm với điều mình viết là được rồi. Cái tên nào thì cũng vậy thôi. Để người đọc người ta nhận thấy gì sau trang viết ấy mới là quan trọng. Viết để có cái danh thì chẳng để làm gì. Đấy mày xem. Có những người nổi danh nhà văn lớn nhưng có gì đáng để đời. Viết xong tung hô một thời rồi sau đó mấy ai nhớ đến. Mà cũng lạ. Viết văn cũng có nhà văn lớn, nhà văn bé, nhà văn chuyên nghiệp, nhà văn nghiệp dư... Chả phải cũng phân chia đẳng cấp những người viết hay sao? Không có đẳng cấp nào hết. Chỉ có tác phẩm hay và tác phẩm không hay. Nhà văn lớn mà đẻ ra cái tác phẩm dở thì dù tung hô đến mấy cũng đáng vứt vào sọt rác. Đấy là chưa kể các ông ấy còn viết để công kênh cho mình. Nói thẳng là viết vì danh để rồi văn chương nhạt hoét, khoa trương cái này cái nọ, nhân danh cái này cái nọ... Em có cảm giác là nó xỏ lá em, làm cho em bị phạm quy trong cuộc thi truyện ngắn lần này. Quên đi! Hy vọng được giải thưởng ư? Nghiệm ra rằng những tác phẩm để đời chưa bao giờ được nhận bất cứ giải thưởng nào. Vì sao? Chắc mày thừa biết. Thế thì sao lại lao tâm khổ tứ vì nó. Tác phẩm đã được đăng, đã được công chúng chấp nhận thì bây giờ nó là của công chúng, không còn là của riêng mình nữa. Cái gì còn lại là của mình, mình phải đòi. Nhuận bút chẳng hạn, đó là công sức của mình, mình phải đòi. Thế thôi! Nói một hồi, nghe chừng nhọc. Ông ngồi im như tiếc nuối, như hờn dỗi. Hắn lại rót chén rượu đưa ông, rồi với bản tính tếu táo hắn đọc: Nếu ngày mai tôi chết, thì chả mong gì hơn, đổ đầy quan tài rượu, rồi chôn đâu thì chôn! Hay! Nhà thơ vùng dậy cười ha hả... Nét cười sảng khoái sáng bừng lên trên khuôn mặt u ám.
Đêm ấy hắn ở trong bệnh viện cùng với Nhà thơ.
*
* *

Hôm sau hắn lại đến Tòa soạn báo Thời cuộc. Cô Biên tập con cháu Tôn Ngộ Không đi ủng xỏ dây dẫn hắn xuống Phòng Tài vụ nhận tiền. Cô tài vụ bảo báo mới ra chưa có nhuận bút. Hắn khùng lên: vậy thì tôi sẽ kiện. Cô Biên tập vội vàng chạy đi vay tiền đưa cho hắn. Thôi anh cầm tạm. Bài của anh, chúng em đánh giá là bài hay nhất và trả nhuận bút mức cao nhất của báo. Chúng em sẽ làm theo yêu cầu của anh. Lần sau nếu có bài anh gửi trực tiếp cho em. Mong anh hợp tác. Hắn nghĩ cũng chẳng có thể hơn và có hơn cũng chẳng làm gì. Hắn cảm ơn và cầm tiền. Thôi đành vậy!
Đã định về ngay, nhưng vẫn băn khoăn... hắn ngược vào Bệnh viện để chào Nhà Thơ. Có cảm giác đây là lần gặp sau cùng. Bàn tay Nhà Thơ nắm lấy tay hắn như không muốn rời. Hắn mở số tiền vừa nhận cùng với số mang đi còn lại, lấy riêng ba trăm để trả cho vợ và tính toán vừa đủ đi xe về đến nhà; Số còn lại hắn đưa cho Nhà Thơ: Em có mấy đồng biếu anh để anh bồi dưỡng. Anh thông cảm. Nếu có điều kiện vợ chồng em lên thăm anh sau... Nhà Thơ bật khóc. Hắn cũng khóc rồi vội vã lau nước mắt để ra về vì sợ dùng dằng thêm tý nữa thì hắn cũng khó lòng về nhà trong ngày được.
*
* *
Khoảng một tuần lễ sau, vẫn ông bạn viết hôm nào lại mang tờ Thời Cuộc đến nhà hắn. Đây, báo nó đã đính chính rồi ông ạ. Đâu! Chỗ nào! Rà mãi, rà từng dòng đến trang bảy mới thấy một cái mẩu nhỏ xíu nằm dọc ở góc cuối. Hắn phấn khởi xem xong đưa cho vợ. Vợ hắn bảo: Lãi to rồi. Hắn ngơ ngác: Lãi cái gì? Vợ hắn thản nhiên: lãi được cái Đính chính! Chuyến đi của ông lãi được mỗi cái Đính chính. Hắn lấy thước ra đo cái lãi của mình: bề ngang đúng hai phân, bề dọc năm phân... Vợ hắn còn cẩn thận hơn, thị đếm từng chữ và hùng hồn công bố: vừa hai mốt chữ (!)
Buổi chiều, đứa cháu nhà bên chạy đến bảo chú sang nghe điện thoại. Lúc về hắn ngồi khóc. Vợ hắn đi làm về thấy hắn đần mặt, mi mắt mọng nước liền hỏi: sao có việc gì mà sụt sùi? Anh X mất rồi! Vợ hắn lặng người. Lúc nào? Anh ấy mất lúc trưa nay. Chị ấy mới điện cho biết. Vậy sao ông vẫn còn ngồi đây? Hắn không nói gì. Vợ hắn vào buồng lục sục một lúc rồi cầm cái gói tiền ba trăm đưa cho hắn: Mình đi Hà Nội luôn đi! Lên trên ấy cho có anh có em. Giá mà tôi cũng đi được... Vợ hắn rơm rớm nước mắt: Thôi cứ nói với chị ấy thông cảm cho tôi. Mình đi ngay đi...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét