Xương cốt biển nén vào trang viết, dốc tuột mình chưa cạn nỗi đau... Sóng Văn vỗ trắng trên đầu! (Nguyễn Thế Kiên)
Thứ Năm, 7 tháng 1, 2010
LÃO PHẬT GIA VÀ CÁI KÍNH
TRUYỆN NGẮN
Có một cây cầu được mọi người đặt tên là cầu Đắc Lý. Cầu được bắc lên nhưng chả mấy ai cần đi. Vì nó được bắc qua đoạn sông ở mãi cuối thị trấn huyện. Nó cắt ngang đường quốc lộ và nối liền…hai bãi tha ma. Cầu được bắc lên vào cái ngày mà thị trấn chưa hình thành. Và nghe đâu tác giả của nó là một vị phó chủ tịch huyện. Vị này có một cô bồ ở rìa xóm nhỏ mãi phía tít đằng tây con sông, cách bãi tha ma hàng cây số đường bờ ruộng… Đi lại với nhau một hồi thì ông nhận ra cái sự vào xóm thường xuyên dễ thành cái cớ để mọi người đàm tiếu ảnh hưởng tới uy tín lãnh đạo của mình. Để nối những bờ vui ông cho xây cầu…Cầu xây xong được vài năm thì ông mất chức. Và cuộc tình cũng tan tác bèo dạt mây trôi. Có lẽ quá đau buồn vì mối tình dang dở bởi nhịp cầu duyên mà ba năm sau thì ông quy tiên.
May thay hai bên cầu, ngoài hai bãi tha ma còn toàn là ruộng lúa nên các nhà quy hoạch tha hồ thi thố tài năng. Phía tây cầu người ta xây một trạm biến thế điện. Phía đông cầu người ta xây một trường học. Do không có dân cư nên lúc đầu trường không có học sinh. Người ta bèn đặt cho nó tên là “Trường Chất lượng cao”. Với cái tên này thì dĩ nhiên các trường đã có từ trước phải là trường chất lượng thấp. Vào đúng lúc “ Giáo dục- Đào tạo là quốc sách hàng đầu” thì cái tên “Chất lượng cao” kích thích niềm hy vọng cho nhiều người về cái sự học hành thành đạt của con cái. Nước chảy chỗ trũng, còn sự học lại dồn từ chỗ thấp về chỗ cao. Người ta ùn ùn chen nhau xin cho con vào học. Nhà trường chỉ có mấy phòng học, nhưng số học sinh cần có chất lượng cao thì lại quá nhiều. Chính vì thế buộc phải xét tuyển nghiêm ngặt như xét tuyển vào đại học. Ba mươi chỉ chọn một. Sau một hồi xét tuyển hết sức cam go thì người ta thấy học sinh nhà trường toàn là con cháu các sếp và các nhà giàu.
Có trạm điện, có trường học Chất lượng cao, nghiễm nhiên nơi đây trở thành một trung tâm công nghiệp văn hoá. Để thêm phần có lý của cây cầu người ta cho dân làm nhà bám đường quốc lộ. Các nhà đều quay mặt về hướng tây. Do phải tiếp xúc với ánh nắng chói chang của buổi chiều chiếu thẳng vào trong nhà, nên người nào mắt cũng hấp ha hấp háy như bị mắt hột chuyển sang thời kỳ lông quặm …
Sở dĩ người kể chuyện phải nhắc đến địa danh cầu Đắc Lý vì ở cái xóm ven đường vừa nói trên có hai nhân vật chính là bà Phạm Thị Thu Nhãn và cô Kim Bổng.
Bà Thu Nhãn là giáo viên của cái Chất lượng cao đó. Sau khi đã tự khai rút số tuổi của mình đi hai tuổi thì còn ba năm nữa bà mới phải nghỉ hưu. Người khô đét, mắt kèm nhèm, nhưng trước mọi người để chứng tỏ mình còn trẻ nên bà kiên quyết … không dùng kính lão. Do không chịu đeo kính nên bà phải đẩy xa sách để nhìn cho rõ. Cái bàn thì cao, người bà lại thấp, nên không đủ khoảng cách cần thiết cho con mắt; vì vậy khi trên lớp hay trong hội nghị bà phải đứng viết. Lúc đó, bà duỗi thẳng tay cầm bút, rướn cổ về phía sau, đầu ngoẹo sang bên phải, thành thử trông như người ngảnh cổ…Là giáo viên dạy văn kiêm Chủ tịch Công đoàn nhà trường, nên bà ăn nói văn hoa lắm: Nhân sự thì bà bảo là “dân sự”. Khẳng định thì bà bảo là “phủ định”…Người nghe chả biết lối nào mà lần. Người không hiểu tưởng bà thông minh, có khiếu hài hước… Cấp trên bảo bà: Thôi già rồi. Nghỉ hưu đi. Bà bảo: “Đứa nào bảo tớ già thì đích thị cái mắt của nó đã bị mù mở. Đứa ấy mới đáng phải nghỉ hưu”… Bà còn trẻ, còn khoẻ chán. Và bà năng động nữa!
Còn Kim Bổng là giáo viên dạy cùng trường lại ở sát nách nhà Thu Nhãn. Mới ra trường được hơn chục năm. Chục năm ấy là đủ thâm niên để cho những khát khao chắp cánh. Cô còn trẻ, chuyên môn cũng cỡ làng nhàng, nhưng mà đôi mắt lúng liếng lắm. Và hơn nữa cô lại còn bắt nạt được chồng. Chồng cô vốn là một tay chơi hàng anh chị. Cái bản lĩnh của Kim Bổng bất ngờ được Thu Nhãn phát hiện. Vào một đêm khi mọi người đã ngủ ngon giấc, bà bỗng choàng dậy vì nghe thấy tiếng rít nghèn nghẹn của Kim Bổng: “Đồ khốn nạn! Vừa đi với con đĩ nào về…có khác gì…rọc khoai…thối… không…C..ú..t…”. Rồi nghe đánh sầm. Bà nhìn qua khe cửa, thấy dưới ánh trăng nhợt nhạt, anh chồng của cô ta đang quần đùi áo lót, ôm quần áo thất thểu chạy bộ qua cầu Đắc Lý sang cơ quan để lánh nạn. Dù là dân anh chị, nhưng quá khứ, hiện tại và hứa hẹn cả tương lai của tay chơi này đầy tội nên anh ta phải ngậm mồm im thin thít trước vợ. “ Đúng là một người có bản lĩnh..”- Bà Thu Nhãn khẳng định về cô như vậy. Và tuyệt vời hơn nữa, Kim Bổng là em kết nghĩa của lãnh đạo. Chả là chồng của cô là em kết nghĩa của một tay chơi khác, tay này lại kết nghĩa anh em với một lãnh đạo trên tỉnh. Lãnh đạo trên tỉnh lại là anh kết nghĩa của lãnh đạo trên huyện. Mối quan hệ kết nghĩa khép kín tứ giác lồi này càng trở thành khăng khít mỗi khi cô em chớp chớp cặp mi, mắt ươn ướt không biết vì buồn phiền do anh chồng lắm tội hay vì chói nắng do nhà hướng tây, làm cho lãnh đạo cảm thấy nao lòng…
Dạo này, Thu Nhãn thấy bứt rứt trong người. Đã gần một năm nay nhà trường không có hiệu phó. Hiệu trưởng cũ lại vừa phải chuyển đi trường khác. Lần này có hiệu trưởng mới về thì cấp trên mới cho bầu hiệu phó. Cứ đồn mãi, sao không làm ngay đi. Để thế này thì loạn mất. Chẳng ai bảo được ai. Ai cũng thấy mình có thể làm được hiệu phó…Để được làm thì phải có người bầu…Để có người bầu thì phải có đồng minh… Không khéo rồi thì các phe phái nổi lên như thời Chiến quốc bên Tàu chứ chả chơi.
Phàm là người có chí tiến thủ thì khi mới bắt đầu là anh binh nhì đã phải mơ đến lúc thành nguyên soái. Là giáo viên phấn đấu lên hiệu phó hiệu trưởng cũng là cái sự thường tình. Dù rằng cái chức vụ hiệu phó cũng chỉ là cái anh đầu binh cuối cán trong một nhà trường. Cái sự bổng lộc thì cũng như mọi người. Có gì đâu mà hám! Nhưng đấu gắng đua tranh cũng là do từ cái sợ mà ra. Nói ra thì mọi người cho là vô lý: làm giáo viên nhưng lại sợ dạy học, sợ hơn cả bố mẹ…chết!? Bằng chứng là mỗi lần phân công chuyên môn thì các cô giáo…khóc. Bảo hội giảng: cũng khóc. Thậm chí bảo làm chủ nhiệm lớp cũng rơm rớm nước mắt… Nên bà phải lấy chức danh Chủ tịch Công đoàn ra mà an ủi.
Làm giáo viên mà lại sợ dạy học, làm thày mà lại sợ học sinh? Phải chăng vì cái bọn học trò cấp hai đang ở tuổi bắt mũi chưa sạch nhưng lại cố bắt chúng phải làm cụ non nên chúng phá. Cái sự bắt chúng phải làm cụ non thì không phải tại người dạy mà là từ cái cấp nảo cấp nào cơ. Ai đời trẻ con vừa ở cấp một lên, chữ quốc ngữ đọc còn ngắc ngứ, ngoại ngữ Tiếng Anh thì đang vẽ chữ, còn đang thích truyện tranh …thì bắt nó phải học và phân tích thơ Đường dịch sang… lục bát(!) Để rồi nó chẳng thấy gì là hay thì chớ, có đứa còn hồn nhiên tuyên bố: “Thua ca dao! Ông Đỗ Phủ, ông Lý Bạch bên Tàu vẫn thua ông nông dân nhà ta.”(!) Thằng mười hai tuổi đọc Chinh Phụ Ngâm cứ như đọc sách ngoại ngữ. Nó hỏi bà Nhãn: “ Cô Thiếp là cô nào mà phải đi buôn chuối hả cô?”. Bà ngớ ra: “Tại sao em lại hỏi vậy?” Nó bảo trong sách viết “Thiếp thì về buôn cả chuối chăn”. Bà lấy sách ra, đầu ngửa đằng sau, ngoẹo hết cỡ sang phải mà vẫn chỉ thấy lờ mờ. Ác một nỗi chính bà cũng không thuộc Chinh Phụ Ngâm. Đành phải hoãn binh, bằng cách đánh trống lấp: “Hỏi vớ vẩn!”. Tối về đeo kính, mở sách xem. Thôi chết tôi rồi: “Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn”. Nó đọc chưa thạo nên không hiểu. Còn mình thì cũng chưa hiểu chỉ tại cái con mắt… Khổ thế đấy. Nhưng thầy vẫn cứ phải dạy, bởi chương trình là pháp luật. Làm trái luật thì chỉ có mà đi tù!
Đã vậy thì chớ lại còn lại còn nặng nề, lắm môn, lắm chủ đề. Cái thời bà đi học thì kiến thức chỉ “ Chuồn chuổn chuồn chuồn. Bay liệng trong vườn. Bay đông bay tây. Trông như tàu bay”… thế mà còn “đúp” đến gần nửa lớp. Giờ thì ngược lại. Nghe cấp trên bảo là phải cho kịp tiến bộ của khoa học thế giới thì chương trình phải nâng cao lên. Học trò cuối cấp hai bây giờ phải học cả những kiến thức của lớp cuối cấp ba ngày xưa. Và còn phải thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất là phổ cập được cấp hai. Mà không phổ cập cấp hai thì làm sao có thể phổ cập cấp ba sau vài năm nữa theo đề án của tỉnh.
Ừ thì nếu có vậy không thôi, thì cũng phải cố. Nhưng mà cái sự cố gắng ấy cũng chỉ là công toi bởi vì trên người ta lại hăng hái trong cái việc đổi mới sách giáo khoa. Cái sự đổi mới lại thường xuyên dăm bảy năm một lần. Giáo viên chạy bở hơi tai lo tiếp thu. Tiếp thu vừa xong, chưa kịp hoàn hồn thì lại…đổi mới. Người ta đổi mới bằng thay từ cho hoa mỹ hơn: Giáo án thì gọi là “thiết kế giảng dạy”, rồi “thao tác”…Toàn từ Hán. Giáo viên vừa dạy vừa tra từ điển. Mà lần nào đổi mới nghe cũng có lý cả. Chưa kể trong một quá trình đổi mới thì người ta còn điều chỉnh hàng năm. Cái có lý của ngày hôm qua lại là cái vô lý của ngày hôm nay và ngược lại. Giáo viên đánh đu với chương trình. Cứ xoay như chong chóng… Có giời cũng chả biết lối nào mà lần.
Giá không phải ăn, không phải nuôi con thì bỏ quách nghề. Nhưng người ta cần phải sống. Muốn tồn tại thì phải làm việc. Giáo viên phải dạy học! Đó là lẽ dĩ nhiên. Nhưng mà nhiều khi phải dạy cả những cái mà người dạy cũng không được học!? Ví dụ như cái môn nhạc và hoạ. Vì không có giáo viên chuyên, nhà trường buộc phải phân công dạy kiêm nhiệm. Cô Thư là giáo viên Anh văn phải kiêm nhiệm môn nhạc. Dạy bài hát mà cô làm như dạy từ mới trong tiếng Anh. Gặp bài “Lý Cây đa”, cô dạy hai chữ một: “Trèo lên…Hai ba…”. Trẻ hát: “Trèo lên”… “Hát lại lần nữa…Trèo lên…Hai ba!”. Bọn trẻ gào toáng lên: “Trèo lên…hai ba…trèo lên…” Hễ trông thấy cô là bọn trẻ lại gào: “Trèo lên”… Những lúc ấy cả trường được bữa cười no. Cô ngượng chỉ còn thiếu nước chui xuống đất. Thực ra, dạy ở trên lớp thì thế nào ai mà biết được, nhưng nhỡ mai ngày học sinh học lên nó biết thì nó chửi cho: Cô giáo không biết mà còn dạy liều! Lại thêm một nỗi sợ. Thôi thì tình nguyện làm anh lính nhát gan. Không dám đánh nhau thì tìm cách xin về phía sau làm nuôi quân, hậu cần. Cách tốt nhất đỡ phải dạy mà lại oai là…lên hiệu phó.
Bà mà còn trẻ thì cũng phải quyết giành cho mình một suất trong danh sách bầu. Nhưng chỉ còn có ba năm nữa bà phải về hưu. Đã thế bọn trẻ nó có để cho bà yên đâu. Hai cái tay tổ trưởng chuyên môn trong dự nguồn là Lân và Chử có năng lực, có chuyên môn đấy, tích cực đấy nhưng nó cứ hàng ngày chọc tức bà. Tay Lân tổ Tự nhiên thì bảo: “Cái sự viết đứng của bà là “Chuyện lạ Việt nam”. Vì người ta chỉ có đái đứng chứ chả ai lại viết đứng bao giờ”. Đúng là cái đồ thô tục! Mà sao nó cũng khéo moi móc! Chả là quê gốc của bà ở cái xóm tên là Di Tình nên thỉnh thoảng nó lại trêu bà bằng cách nghêu ngao hát điệu lới lơ: “ Em sinh …í…ì…sinh…ở xóm.. tình này ở xóm… xóm Di Tình..ơi.í..i..ì…nhà em cạnh cầu Đắc Lý..í..i.. Anh mình…mình biết chăng…i..ì..i...ới ị ì i”. Bà sinh ra ở cái địa danh Di Tình thật, nhà ở cạnh cầu Đắc Lý thật nhưng rõ ràng bà có cả tình lẫn lý rồi còn gì. Đúng là đồ xỏ lá! Chưa hết. Do bà chịu khó tự tìm tòi cách giảng dạy, mà giờ hội giảng bốn nhăm phút bà phải giảng tới gần… tám mươi phút. Vừa ra khỏi lớp thì tay Chử tổ trưởng Xã hội làm ngay bài vè rồi đọc rầm lên: “Bà ơi giáo án cháy to. Xin bà phải hót sạch gio. Kẻo dính mắt trẻ, khổ cho muôn đời”. Hỏi như vậy thì có lộn ruột không? Bà phải cho biết tay. Cứ tưởng là nguồn thì bà nể chắc. Đợt này thì bà cắt cụt!
Sở dĩ bà dám nghĩ vậy, bởi vì hiệu trưởng mới vừa về, như vua trong thời kỳ ấu chúa. Cấp uỷ cũ tan tác hết, chỉ còn mình bà. Bà lại là Chủ tịch Công đoàn. Không dựa vào bà thì dựa vào ai? Hay thật! Nghiễm nhiên bà thành Lão Phật Gia nhiếp chính …
Cái khó cho bà là nếu cắt cụt nguồn thì phải dựng ai? Người được dựng lên phải biết nghe lời bà. Điểm mặt những người thường chơi thân với bà thì cũng đều ở hàng trưởng lão, quá tuổi đề bạt rồi. Bà nhẩm tên từng người rồi bỗng nhiên bà thốt lên: “Sao mà mình lú lẫn thế!”… Cái người mà bà phát hiện ra lại là người ngay sát nách, nhà chung tường với nhà bà: cô Kim Bổng.
“ Ối giời ơi!” Cô Kim Bổng rên lên khi nghe Thu Nhãn thẽ thọt đưa ra cái ý kiến định đưa cô vào bầu hiệu phó. “ Sao mà chị tốt thế! Em cũng đang định thưa với chị…” Tư tưởng lớn gặp nhau. Hai người hàng xóm chụm đầu suốt một buổi. “ Mọi việc chị đã tính, cô cứ làm theo là chắc thắng. Thế nhá!”.
*
* *
Hai chị em, hai mũi giáp công bắt đầu tiến hành cuộc cách mạng “dân sự” như đã bàn. Chỉ bằng một lần chớp chớp mi, ươn ướt mắt của Kim Bổng, ngay lập tức một văn bản ra đời…Mà theo văn bản này thì nguồn thứ nhất là tổ trưởng Lân bị cắt cụt ngủn. Vậy là đã loại được một đối thủ. Lão Phật Gia chỉ đạo tập trung lực lượng giải quyết gọn đối thủ còn lại là Chử. Kim Bổng tiếp tục dựa vào thế ông anh kết nghĩa khép kín, cô đến từng nhà, bảo từng người: “Anh ấy đã quyết định là tớ sẽ lên hiệu phó. Bầu chỉ là thủ tục. Cậu phải ủng hộ tớ. Nếu không thì cũng chẳng sao…Chỉ có điều đến lúc đó, chúng mình khó ăn khó nói với nhau…” Cánh non gan đâm hoảng: Cô ta đã bảo như vậy chắc là có cơ sở. Nếu mình không bầu, nhỡ cô ta vẫn trúng thật thì gay. Hiệu phó có quyền phân công chuyên môn. Nó ghép cho mấy tiết chéo ban và xếp cho dạy toàn tiết năm cả tuần thì chồng con ở nhà đến nhịn đói. Vả lại ai cũng nghĩ, một lá phiếu của mình thì thấm vào đâu so với cả tập thể. Thế là gật. Bằng cách doạ như vậy, Kim Bổng đã nhận được gần chục cái gật. Sau mỗi cái gật, cô thấy ruột gan nở thêm ra một khúc. Với những người cứng vía, khó doạ thì Kim Bổng lại có bài khác: “Tôi đã thoả thuận với Chử rồi! Trường Vân Tiến chuẩn bị có một hiệu phó sắp nghỉ. Hắn ta sẽ về đấy!” Những người này nửa tin nửa ngờ, có người gật, có người lắc. Số này không nhiều, cô chẳng lo lắm. Cô tin vào tài năng của Lão Phật Gia ở hướng khác…
Mũi tấn công thứ hai do Lão Phật Gia tiến hành đánh vào vấn đề “dân chủ” theo kiểu “cách mạng nhung” ở Grudia. Thu Nhãn gọi các cận thần giao cho đi vận động những đối tượng đã được Chử té tát ít nhất một lần do chểnh mảng chuyên môn nên chắc chắn còn căm thù kẻ bạo chúa tương lai này. Còn bà chọn ngày hoàng đạo, giờ tốt, đến nhà cô Xuân Thước trưởng nhóm giáo viên Tiếng Anh. Cô này đang ngồi một mình, trước mặt là một lọ lạc rang và hai hộp sữa chua: một hộp đang ăn dở, một chỉ còn vỏ. Thu Nhãn thầm nghĩ : “ Ăn thế này gì mà chả béo… có khi mình cũng phải học tập…” Nhưng bà khoái món ốc luộc hơn, mấy hôm nay lại phải kiêng vì đang lo việc đại sự. Ăn ốc nói mò! Các cụ bảo thế. Xuân Thước thấy Thu Nhãn đến thì mừng rỡ lắm, cô bảo: “Chị ngồi đây để em chạy ù đi mua mấy hộp sữa chua nữa về chị em mình cùng ăn. Sữa chua kèm lạc rang ngon phải biết!”. Thu Nhãn xua tay: “Thôi cậu cứ ăn đi kẻo sữa chảy hết. Tớ uống nước cũng được”. Xuân Thước cẩn thận gạt cái hộp không sang một bên, vừa ăn sữa chua vừa nghe Lão Phật Gia thủ thỉ… Câu chuyện được khơi lại từ cái bài Anh văn thi cuối năm học của một học sinh do chính Xuân Thước dạy. Nó được chín điểm. Đem về khoe với cả nhà…Tai hại là bố nó lại biết tiếng Anh. Vị phụ huynh này chửi toáng lên: “Giáo viên gì mà không có mắt…” và lấy bút đỏ gạch gần hết bài, sau đó gửi cho Hiệu trưởng. Thế là toàn bộ bài phải chấm lại. Chỉ có non chục phần trăm số bài đạt yêu cầu. Họp bình xét thi đua cuối năm, tổ trưởng Chử tế cho cô một trận vì tội dạy dỗ không ra sao mà lại thích thành tích. Định loè mọi người không biết tiếng Anh. “Ừ thì người ta có sai sót. Nhưng phải ôn tồn… Đằng này lại quát tháo anh em..”-Lão Phật Gia phân tích, Xuân Thước càng nghe càng cảm động. Nước mắt, nước mũi chảy xuống mồm nhoè nhoẹt cùng sữa chua. Thỉnh thoảng cô lại hít đánh “roạt” một cái…Rõ là tội nghiệp! “Đúng là mất dân chủ rất trầm trọng! Bố người ta đấy chắc! Coi giáo viên không bằng nửa con mắt”- Lão Phật Gia nâng quan điểm một cách hùng hồn. Rồi bà nhìn Xuân Thước với ánh mắt vừa ái ngại cảm thông vừa khích lệ: “Người như thế mà lên hiệu phó thì chị em mình chỉ có chết!”- Lão Phật Gia kết luận. Xuân Thước gạt nước mắt. Sữa chua và nước mắt nước mũi qua vết tay để lại trên khuôn mặt cô những vệt ngang nhờ nhờ trông như cổ động viên bóng đá. Cô tán đồng với ánh mắt biết ơn, hứa sẽ cùng nhóm Anh văn ba người của cô quyết tâm lật đổ kẻ độc tài kia. Bà Thu Nhãn nét mặt rạng rỡ, bụng nghĩ hôm nay đúng là ngày tốt.
Sau mỗi ngày vận động, hai nhà cách mạng “dân chủ” lại ngồi kiểm lại số gật, số lắc. Đến khi thấy phe gật của mình đã quá bán thì cùng thở phào. Để cho chắc thắng, bài cuối cùng bậc đàn chị nghĩ đến là ba cô giáo viên sắp hết hạn nghỉ đẻ chuẩn bị ra làm việc. Bà cho cô Văn phòng kiêm phụ trách Nữ công đến từng nhà các cô này bảo: “Còn chế độ nghỉ thì cứ nghỉ đi mà chăm con. Nếu hôm họp có “tiêu chuẩn” thì tớ sẽ mang về cho…Bầu bán chết gì! Kết quả có rồi!” Ba cô thích quá gật liền. Hai chị em yên tâm. Đối phương phen này sẽ mất ít nhất ba phiếu nữa. Tỷ lệ tín nhiệm của Kim Bổng sẽ tăng lên gần chục phần trăm. Tương quan lực lượng thì phần thắng của phe bà chắc trong tay. Mừng quá, tối hôm đó hai chị em rủ nhau ra bờ hồ làm một chầu ốc luộc…
*
* *
Đúng như Thu Nhãn đã tính. Khi bỏ phiếu tín nhiệm thì chỉ còn hai đối thủ: một là Chử và một là Kim Bổng. Bà bố trí người của mình ngồi kèm những đối tượng đã gật và nửa gật nửa lắc để theo dõi và ngầm nhắc nhở. Nhưng bà chột dạ khi thấy ba cô giáo còn đang nghỉ đẻ cũng đến dự bầu. Khốn nạn thế, nó đã hứa rồi…Thôi được, để tính sau.
Kết quả không như ý của bà: Kim Bổng chỉ có hơn chục phiếu. Còn Chử được gần gấp đôi. Bà ngao ngán: “Hỏng rồi!”
Đến lúc này thì Kim Bổng mới tỏ rõ “bản lĩnh” và tài làm chính trị hơn bà tưởng.
Mọi người đều mừng cho Chử và nghĩ rằng như vậy là hợp lý. Nhưng ngay hôm sau lãnh đạo cho triệu tập cán bộ chủ chốt của xã lên. Và hôm sau nữa thì được biết lãnh đạo chửi Chử là thằng khốn nạn. Vận động cả mấy con đàn bà đẻ đi bầu: “Tôi còn làm lãnh đạo thì không bao giờ thằng ấy lên được hiệu phó”. Chử ngớ người: Quyền gì mà mình bắt được người ta đi bầu. Hỏi Hiệu trưởng thì Hiệu trưởng thản nhiên: “Rõ nghe chuyện đàn bà! Còn phải mang hòm phiếu đến nhà người ốm, người tàn tật cho người ta bầu cơ mà… Tôi mới về, tôi muốn biết sự tín nhiệm của toàn thể hội đồng với hiệu phó tương lai. Tôi triệu tập đấy. Sao! Sai à?”
Sai thì không sai nhưng tội gà vạ vịt. Những ngày hôm sau thì Chử được mấy lần cấp trên gọi lên…uống nước. Lúc thì hứa hẹn, lúc thì doạ, bắt Chử phải rút. Chử bảo: “ Tôi được bổ nhiệm hay không là quyền của lãnh đạo. Còn lý do gì mà tôi phải rút?” Lãnh đạo nói: “ Thường vụ xã chỉ chấp nhận cô Kim Bổng làm hiệu phó”. Chử ôn tồn: “ Bây giờ có mời cả trường sắp hàng cho lãnh đạo xã nhận mặt thì đố ông nào chỉ ra được cô nào là Kim Bổng. Trước đây mấy hôm, trong đợt học nhiệm vụ năm học, lãnh đạo xã còn hỏi cô nào là Kim Bổng. Nhưng hôm ấy cô ta lại vắng mặt. Mà không biết mặt sao lại dám bảo chỉ cô ấy mới làm được!”
Vua chả bao giờ nói chơi. Ý kiến quý báu của lãnh đạo là khuôn vàng thước ngọc. Con đường thăng tiến của Chử từ nay đã bị cắt cụt. Còn Kim Bổng được hứa hẹn sẽ bổ nhiệm làm Hiệu phó ở một trường khác. Mấy ngày sau người ta đưa về trường một hiệu phó mới. Người được bổ nhiệm là một giáo viên của một cái trường mà ở đó sĩ số học sinh tụt hàng mảng do thành tích quá cao mà chất lượng lại…quá thấp. Thành ra thừa giáo viên. Việc này chẳng phải bầu bán, chẳng phải lấy ý kiến ai. Cũng là một cách giải quyết!
*
* *
Kim Bổng dù chưa lên Hiệu phó nhưng vẫn còn hứa hẹn. Chiến thắng vẫn thuộc về ta. Thu Nhãn đành tự bằng lòng với cái kết cục không mấy mĩ mãn ấy. Bà khoái trá nhấm nháp cái niềm tự hào: Tập thể cũng phải thua mình, mình là Lão Phật Gia. Với cái quyền lực hão mà bà đã loại được hai kẻ đáng ghét là Lân và Chử. Nhưng sao trông cái mặt của các hắn vẫn cứ tươi hơn hớn như người không biết bực tức là gì? Mà như vậy thì các hắn ấy vẫn có thể còn tiếp tục trêu bà. Làm thế nào để bịt cái mồm tếu táo của quân này được nhỉ? Được rồi. Chữa bệnh thì phải chữa từ gốc: các hắn trêu bà viết đứng thì từ nay bà sẽ viết ngồi. Xem liệu còn có cớ để phạm thượng được nữa không?
Chỉ có điều nếu viết ngồi thì phải đeo kính. Lúc đó mọi người sẽ bảo bà già. Cũng chẳng sao. Già thì Ban Giám hiệu càng phải nể. “Trí thức cao tuổi là vốn quý.” Hình như bà đã nghe câu này ở đâu rồi thì phải. Đúng! Phải tiếp tục cho thiên hạ biết bà là vốn quý. Và phải làm cho mọi người vẫn phải tiếp tục coi bà là Lão Phật Gia của cái Chất lượng cao này!
…
Hội đồng họp toàn thể ra mắt Hiệu phó mới. Như thường lệ, bà Nhãn là người lên giới thiệu điều hành chương trình: “ Kính thưa đồng chí Hiệu trưởng vô vàn kính mến! Thưa các đồng chí! Qua một thời gian hết sức là gay go, hết sức là vất vả về vấn đề “dân sự” của nhà trường, đến hôm nay mọi việc đã xong. Tôi xin giới thiệu đồng chí Phạm Bích Lan đã có quyết định về làm Hiệu phó trường ta. Đề nghị toàn thể Hội đồng chúc mừng bằng một tràng vỗ tay vang dội!”
Sao hôm nay bà Nhãn nói năng lưu loát thế, dẫu vẫn còn cố tật hay nói chữ. Cả hội đồng chợt nhận ra: bà đeo kính. Một cái kính lão gọng vàng choé choán gần hết khuôn mặt vừa trịnh trọng vừa cao ngạo của Lão Phật Gia. Sau mắt kính, ánh mắt bà lấp loáng đắc ý với cái nhìn ban phát, đầy tự mãn.
Sau phần Hiệu Phó ra mắt, Lão Phật Gia muốn chứng tỏ vai trò cực kỳ quan trọng của mình. Bà yêu cầu “Mọi người phải phát huy tinh thần xung phong ca hát để “phủ định”- À quên! “khẳng định” với Ban Giám hiệu mới về tinh thần lạc quan, gắn kết tổ ấm của hội đồng ta”. Tay Lân xung phong hát. Bà lừ mắt. Hắn vẫn thản nhiên như không: “Tôi xin góp vui bằng điệu hát chèo lới lơ đoạn đầu, đoạn sau cò lả. Đề nghị các đồng chí hưởng ứng!” Hắn “E hèm” mấy cái, rồi khàn khàn cất giọng:“Xin ai …í…ì…ai đừng trách… tình này đừng trách thiếp vô tình..ơi.í..i..ì…Tại í.. người..i tại người vô lý..í..vô lý í í...thiếp thành… nay thiếp í i thành vô duyên...tình tính tang tang tính tình…”
Mọi người đều nhìn bà, không dám cười… Kim Bổng hơi bĩu môi, nét mặt không buồn không vui, mắt ráo hoảnh lướt qua bà rồi chớp chớp mi liếc sang ông Hiệu trưởng. Cô Xuân Thước thoáng nhìn bà rồi mơ màng nhìn lên trần nhà, nơi cái quạt trần đang vật vờ vừa quay vừa lắc. Miệng chẹp chẹp, chắc cô đang nhớ đến món khoái khẩu sữa chua kèm lạc rang. Mấy cô khác phải cúi mặt nhìn xuống gầm bàn, tay bịt mồm để tiếng cười khỏi bật ra. Thu Nhãn thấy không khí trầm quá, chả nhẽ lại hỏng mất cái chương trình ra mắt. Buộc phải làm đầu tàu gương mẫu để anh em hưởng ứng, bà hát đế theo: “Dân làng rằng…” Thế là tất cả cùng oà lên: “Ới dân làng ơi! Rằng có biết, biết hay chăng?… Rằng có biết, biết hay chăng?…”
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét