Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

RÙNG MÌNH VÌ... TRỌNG CHỮ

Mai Thanh Hải sáng nay có bài "Báo Nhân dân ngày xưa, chắc khác bây giờ" gợi cho mình một kỷ niệm về một ông bạn lính. Kể tý cho vui. Mình phải đổi tên các nhân vật để ai đó khỏi chạnh lòng.
Đánh nhau ở chiến trường Quảng Nam- Quân khu 5 khó khăn thiếu thốn đủ thứ. Gạo phải lấy từ dưới vùng đối phương đang chiếm đóng nên không có nhiều, chỉ hai lạng một ngày còn ăn độn toàn củ chuối rừng.

Sách báo lại càng thiếu. Lâu lâu có được tờ tin của Quân khu phát cho đại đội lúc được về hậu cứ nghỉ ngơi dăm bữa nửa tháng. Đọc cái tờ tin toàn chuyện đánh nhau: ta thắng ở đâu, diệt bao nhiêu địch… Thực ra những thằng lính đánh nhau quanh năm, đã biết thế nào là thắng thua… nhiều khi người ta viết tin về đơn vị mình mà cứ ngỡ chuyện ở đâu đâu… nên cũng ngán.

Thỉnh thoảng cũng có bài thơ đăng trong tờ tin. Đọc xong chuội hết, chả nhớ gì. Duy chỉ có một lần lính tráng trầm trồ kháo nhau bài thơ: “Ngã ba…” (còn thiếu 2 chữ nữa mà không nhớ ra) của NTBH (Bút danh của NTH*). Mình đọc thấy cũng vầy vậy! Nhưng lính trầm trồ vì tác giả lúc ấy cũng có mặt ở Sư đoàn mình. Một bài thơ viết về cái địa danh mà lính tráng cả sư đoàn đều biết, tác giả lại là nữ, nữ làm thơ thì quả là kỳ tài, hơn nữa nhà thơ nữ ấy lại đang hiện diện ở đơn vị. Thế là cánh lính coi là thần tượng.

Thần tượng qua mồm lính thì cụ thể hơn một tý nữa gọi là H Đen. Thanh Thôi (Hải Phòng) là tay chụp ảnh ở tuyên huấn Sư đoàn còn khen H có cái miệng rộng với lý do: “Mẹ tao bảo mồm rộng là để ăn rau sống… Người ăn nhiều rau sống là người tốt!”

Vậy nên cực quý những tờ báo từ ngoài Bắc đưa vào, quý đến mức cực đoan. Và cực kỳ kính trọng các nhà văn nhà thơ…

Trong đơn vị có lão Thùy (người Bắc Giang) hơn mình đến bốn tuổi. Lão hiểu biết nhiều vì rất ham đọc. Vớ được sách báo là ngấu nghiến đọc không sót chữ nào. Đối với lão thì tất cả những tờ giấy có chữ in đều là quý. In ra là chỉ để đọc, không được dùng vào việc khác. Lão bảo: “Mỗi chữ in ra là trí tuệ, là tri thức. Các nhà văn nhà thơ phải vắt óc để mới viết ra được. Mà những cái được in ra là đã được công nhận. Không thể coi thường! Đầy người viết mà có được in đâu.”

Lão có hẳn một cái túi nilol đựng các bài viết in mà lão cho là hay đã cóp nhặt được. Quý lắm. Phải người thân mới cho xem.

Trọng chữ đến cực đoan như vậy nên lão Thùy nhà ta đi vệ sinh chùi đít toàn bằng… giấy trắng. Lão có hẳn một quyển vở kẻ ly (cũng gửi mua từ vùng sâu) để xé dần làm cái công việc ấy…

Một hôm lão hỏi mình: “Có cách nào để làm sạch phân ở trên giấy báo được không”. Mình bảo chỉ có cách là rửa bằng nước lã. Lão bảo: “ Không được! Rửa bằng nước lã thì mủn mẹ nó giấy, với lại chữ nó bay hết”. Mình bảo vậy thì chịu.. và hỏi thêm làm việc gì mà hỏi thế.

Thùy tức tối ra mặt:

- Mẹ nó! Quân vô học! Bài báo hay tuyệt vời, vừa hào hùng vừa đanh thép đến… đến rùng mình. Viết tài thật! Vậy mà có thằng làm giấy chùi đít. Chắc lão nào ở trong Ban chỉ huy… vì báo này chỉ ở Ban Chỉ huy Đại đội mới có. Thế mà cũng đòi làm lãnh đạo.

Thì ra lúc lão ra rừng đi đại tiện nhặt được tờ giấy có chữ in. Nói là nhặt cũng không phải, vì ở chiến trường lính ta khi cần đại tiện thì mang theo cái xẻng quân dụng, ra rừng kiếm chỗ đất mềm, đào một cái hố nho nhỏ và đi vào đấy. Xong thì vứt giấy chùi (có khi là lá cây) cũng vào đấy… rồi lấp đất lại. Lính tráng gọi là “hố mèo”. Lão Thùy nhà ta lần ấy đang ngồi rặn chợt thấy gần đấy có cái đầu mẩu giấy trồi lên trên mặt đất. Nhìn kỹ… là giấy in chữ. Vậy là lão đào lên… xem xong đem giấu vào một chỗ.

Lão dẫn mình ra chỗ giấu cái bài báo ấy- còn khá nguyên vẹn. Đó là bài xã luận trên báo ….(**). Mình nhìn cái mảnh báo… Kinh quá, bịt mũi lại và suýt nôn ọe! Vậy mà Thùy đã chịu khó đọc để rồi nức nở khen tuyệt hay, hào hùng, đanh thép…đến rùng mình. Quả thật mình cũng rùng mình đến... phát nôn.

Nhưng Thùy không chịu thua. Mấy hôm sau thấy lão khoe: “Được rồi!”. Hỏi làm cách nào mà "được rồi" thì lão bảo:


- Nghĩ mãi mới ra! Phải cẩn thận từng bước. Bước một: Phơi nắng hai ngày cho khô cong. Bước hai: dùng que nứa vừa gạt vừa đập cho bong hết phân. Bước ba: Xé cuộn băng gạc được phát cho hôm đi đánh nhau, may mà đếch việc gì nên vẫn còn… lấy bông thấm nước hòa kem đánh răng xoa nhẹ vệt vàng vàng. Làm trực tiếp ngoài giời nắng để lau đến đâu thì khô ngay đến đấy. Vậy mà được! Giờ thì đọc tốt. Mày có đọc không?

Mình chối ngay. Vì vẫn còn cảm giác kinh kinh hôm nào…

Lão Thùy chép miệng:

- Mà nó ăn gì mà cứt thối thế không biết. Cứt lính bọn mình có thối vậy đâu… tao phải lấy dầu gió Nhị Thiên Đường đổ vào mà vẫn còn vẫn còn mùi …!

Chú thích:
* Nhà thơ nữ H thời gian 1972-1975 đi thực tế ở đơn vị mình. Vì H lúc ấy gầy quá nên Thanh Thôi mới trêu vậy.
** Mình vẫn còn nhớ tên bài xã luận nhưng đưa lên e rằng người ta lại suy diễn phức tạp.


(Ảnh mạng minh họa cho vui mắt- không liên quan đến bài viết)

...

14 nhận xét:

  1. Em cười suýt ngã lộn nhào. Cảm ơn... Chuẩn tướng!

    Trả lờiXóa
  2. @ Mai Thanh Hải: Hì hì...Chuyện thật đấy! Không dám bịa tí nào đâu.

    Trả lờiXóa
  3. Đúng là đanh thép đến rùng mình...rùng mình đến phát nôn...hehe chuyện quân trường thú vị quá bác Cua ơi.

    Trả lờiXóa
  4. @ Nguyễn Tây Ninh: Chuyện lính mà...nhớ đến đâu kể đến đấy... cho vui!

    Trả lờiXóa
  5. Bac phai tap hop lai viet thanh tap sach kieu "Cuu chien binh" vui ke nhe!

    Trả lờiXóa
  6. Cười suýt bể bụng!

    Trả lờiXóa
  7. chuyện có thật đấy, đơn vị tui ngày xưa cũng có cha như zậy đó

    Trả lờiXóa
  8. em rat thich giong van cua bac cua ran va em rat thich nghe ke chuyen hoi chien tranh,cam on bac cua ran

    Trả lờiXóa
  9. Vâng, Nguyễn Thị Bắc Hà,bút danh, người đã trói được nhà văn đa tình kiếm khách CL, rồi cũng tự trói văn chương của mình luôn, thành nữ thống soái đội quân tóc dài chân ngắn hehe

    Trả lờiXóa
  10. Chínhtrị viên đại đội mình. Dân chận bò rồi nhảy núi theo CM. Đánh nhau rất"lì".Căm thù giặc sâu sắc...Hắn không biết chữ. Cần ký hắn mắm môi khuyên vòng tròn tròn - meo méo rồi quẹt phát chia đôi vòng nớ, tựa cái gáo dừ múc nước. Hắn tên Quyền mà.
    Hắn lệnh thu hết sách toán, truyện Kiều...mà tụi mình lấy dưới ấp lên. Lí do sách chi của " Ngụy" cũng phản động hết. Bắt đốt.
    Tay ni Tính đảng thuộc hàng " Năm bờ oen"

    Trả lờiXóa
  11. Chuyện này em kể hồi ở E31 F2 đấy bác Mamchauson ạ!
    Dân nhảy núi lúc ấy lì lắm. Đúng như bác nói, và giáo điều chính trị đến quái gở. Em vào ấp (hồi ở Nông Sơn QN) kiếm được quyển truyện Kiều và quyển giải tích toán học cũng bị tịch thu (mà sao anh em mình "bị" giống nhau vậy). Và còn bị đánh giá giảm sút ý chí...

    Trả lờiXóa
  12. F2 sau này có E 1, E 38, E93 và E 368. Cái E 31 của bác nó chui chổ mô mất rứa hè ?
    E 38 hồi ở trên đèo Mang Giang có tay C trưởng C13, lớp 4 BTVH, chỉ huy 2 cây 120mm, 1 A trinh sát kế toán, 1 A thông tin hữu tuyến và vô tuyến. Tay này chỉ biết nhậu, mọi chuyện đều "bán cái" cho A, B trưởng ! Không có đám A, B này chắc y "đấm lưng" phe ta mệt nghĩ ! Thời điểm đó. Lê Chiêm (qk5) đang là C trưởng "không quân" ở E 38.

    Trả lờiXóa
  13. @ nặc danh 11:39:
    Từ năm 1972 mình vào chiến trường thì ở E31 F2. F2 Lúc ấy có phiên hiệu 711 do Đại tá Nguyễn Chơn làm Sư trưởng gồm 3 trung đoàn: E1;E31;E38. Đến 1976 khi ra quân vẫn giữ nguyên 3 Trung đoàn ấy. Địa điểm BTL F2 đóng tại Tuần Dưỡng (Trại Nỏ thần của pháo binh VN Cộng hòa)... Tháng 6/1975 Chúng mình được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng ở địa điểm này...xem "Đại tướng của Nhân dân trong blog), còn E31 đóng tại Quán Gò cách đấy 3km về phía Nam (Cách TX Tam Kỳ khoảng 9km về phía bắc)
    Tháng 9/1976 mình ra quân.
    Sau này thay đổi thế nào mình không rõ nhưng hồi bọn mình chưa thấy có chính ủy Chiêm.
    Sở dĩ phải trả lời cẩn thận như vậy để nặc danh 11:39 khỏi nghĩ những chuyện mình viết là chuyện bịa.
    Chào thân ái!

    Trả lờiXóa
  14. chuyện viết hay quá
    Đáng nể
    Mẹ nó bây giờ vẫn thế.
    Nhiều thằng chẳng biết ăn gì mà cứt thối thế. Chúng lại chuyên chùi bằng sách mới đau chứ!

    Trả lờiXóa