Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

QUẢ NGỌT NƠI HOANG ĐẢO (Truyện dài kỳ)

Nói đến chuyện Mai An Tiêm và sự tích quả dưa hấu thì chắc ai cũng biết. Ngẫm ra cũng có nhiều điều giông giống ngày nay. Vậy là thích. Thích thì viết lại, hư cấu hư véo tý cho nó thêm vui... cũng chưa biết mấy ngày mới xong. Viết đến đâu đưa lên đến đấy, chưa kịp gọt giũa chỉnh sửa. Bạn đọc thông cảm.

CHƯƠNG MỘT:

Ngày xửa ngày xưa…

Đời Hùng Vương thứ 18 nước ta lúc ấy chia thành 15 bộ: Giao Chỉ, Vũ Ninh, Việt Thường, Ninh Hải, Lục Hải, Hoài Hoan, Cửu Chân, Bình Văn, Cửu Đức, Văn Lang, Quân Ninh, Gia Ninh, Thang Tuyền, Tân Xương, Nhật Nam.(*)

Đứng đầu mỗi bộ do một Lạc Tướng cai quản. Bộ lại chia ra thành huyện. Ở mỗi huyện có một Bồ chính đứng đầu. Kinh đô nhà vua đóng tại vùng Bạch Hạc thuộc bộ Văn Lang, bên cạnh Vua còn có các Lạc Hầu giúp rập bàn các việc nhớn bé trong cả nước.

Không như ngày trước, người chỉ có tên… bây giờ ai ai cũng có cả tên cả họ để nhận biết họ hàng ruột rà máu mủ. Dân chúng vui vẻ làm ăn, sống có tình có nghĩa lắm: Trong nhà biết thì nể trọng cha mẹ, ra ngoài làng ngoài chạ thì biết nhường nhịn nhau, biết cung kính người trên tuy xưng hô vẫn mày tao chẳng kể ngôi thứ. Vì vậy mà đất nước được yên bình.

Lúc bấy giờ người nước Hán, người nước Thục đã sang nước ta nhiều. Một số kẻ lấy lý do Bắc quốc khó làm ăn, xin vào các nhà quan Văn Lang để làm đầy tớ… Một số khác thì đem lụa tốt vải đẹp, thuốc quý rượu ngon sang Việt Nam buôn bán. Gọi là sang để buôn bán nhưng thực ra là dò xét nội tình tìm cơ hội thôn tính Văn Lang. Bọn họ sang nước ta cốt lấy nhời ngon nhời ngọt đưa đẩy để được lòng vua quan rồi bòn vét của cải, dò tìm mỏ vàng mỏ bạc và dụ dỗ người nhớn người bé làm theo những thói hư tật xấu của người phương Bắc… hòng làm nước ta suy yếu.

Vua Hùng không hay biết điều đó, vẫn cho rằng đất nước yên ổn vững vàng. Ngày ngày cùng các Lạc hầu mải vui chơi săn bắn. Đêm đêm vui thú gái đẹp rượu nồng.

Vua có một người hầu cận họ Mai tên Yển. Người này sức khỏe phi thường, võ nghệ cao cường nhưng lầm lì ít nói. Đặc biệt rất trung thành với nhà vua.

Một hôm vua vào rừng săn bắn, một người một ngựa mải đuổi theo một con nai bị thương… vua bỏ xa đám tùy tùng theo sau.

Chợt bóng con nai mất hút. Vua dừng ngựa nhìn quanh.

Đang băn khoăn không biết con nai chạy lối nào thì thấy lừng lững trước mặt một con gấu gầm gừ lao tới.

Vua toát mồ hội không biết chống đỡ ra sao, tay chân run lẩy bẩy, cây cung rơi xuống. Con ngựa vua đang cưỡi sợ quá, nó vội quay đầu tung vó chạy lồng, ông vua đang thần hồn nát thần tính bị một cái cành cây ngáng ngang người lộn cổ xuống đất. Con ngựa cứ thế chạy, bỏ mặc vua lăn lộn giữa rừng sâu.

Khi vua lồm cồm bò dậy thì con gấu đã đuổi đến gần. Nhìn mãnh thú nhe nanh lao tới, Vua nghĩ bụng hàng ngày dẫu có được tung hô muôn năm thì bây giờ cũng phải chết… bèn kêu to lên rằng: “Giời ơi! Hết rồi! Chết tao rồi” và nhắm nghiền hai mắt, hai tai ù đặc, người nhũn như chi chi, rồi ngất xỉu.

Tỉnh lại, thấy con gấu nằm sóng sượt, máu từ cổ con mãnh thú chảy thành vũng trên mặt đất, tên đầy tớ Yển đang lấy lá cây chùi máu ở mũi gươm. Lúc ấy vua mới biết mình còn sống. Vua lập cập hỏi:

- Tao còn sống phải không?

- Ừ!

- Mày vừa giết con gấu à?

- Ừ!

- Bọn Lạc hầu đâu?

- Còn lâu mới tới đây.

Vua tức quá chửi:

- Đúng là lũ ăn hại.

Yển lạnh lùng bảo:

- Chúng nó cũng cỡi ngựa, lại ăn lắm vào nên béo ục ịch, ngựa chở nặng chạy không kịp.

- Sao mày đến kịp?

- Tao phải chạy bằng cái chân của tao!

Vua lúc này mới hoàn hồn. Nhưng lại sợ có một mình với thằng đầy tớ. Ngày thường mình vẫn coi thường nó, đối đãi với nó chẳng ra gì… Nghe cái nhời nó vừa nói thì như thể nó đang oán mình. Bây giờ… Bây giờ chỉ có mình nó với mình… Nhỡ ra nó thuận tay đâm cho một phát thì xong đời.

Nghĩ thêm tý nữa… Vua bảo:

- Mày đã cứu sống tao. Như thể là mày đẻ ra tao một lần nữa. Theo nhẽ tao phải gọi mày là bố. Dưng mà tao lại là Vua. Bố Vua cũng là Vua, theo nhẽ thường thì chết rồi. Mày cũng không thể là Vua. Vậy tao nhận mày làm con tao nhá! Được không?

Yển dửng dưng bảo:

- Làm gì cũng được!

Vua mừng quá:

- Vậy mày cất gươm đi. Rồi lại đỡ bố dậy.

Yển ngoan ngoãn làm theo. Một lúc sau đám ngựa chở bọn Lạc hầu mới lặc lè đến nơi. Nhìn thấy xác con gấu, cả bọn đều lè lưỡi cả kinh, mặt xanh như chàm đổ.

Vua kể lại chuyện và chửi:

- Nuôi chúng mày toi cơm. Ăn cho lắm vào rồi lê không nổi, chả làm được việc gì. Hôm nay nếu không có thằng Yển thì tao đã bị gấu vật chết. Từ nay nó là con tao. Tao sẽ cho nó to hơn chúng mày. Chúng mày phải nghe theo nó. Nhớ chưa?

Bọn Lạc hầu và lính tráng mắt nhìn Yển mà sôi máu: Mình cả đời cung phụng Vua mà bây giờ lại bị cái thằng hầu nó leo lên đầu lên cổ sai bảo mình. Nhưng nhìn cái xác con gấu to vật nằm trong vũng máu, lại nhìn tên Yển mặt vuông ngực nở, bắp chân bắp tay cuồn cuộn, gươm dài lủng lẳng bên sườn… Thấy ngài ngại… Nhỡ ra…! Vậy là tất cả đành cùng nhau hô: “Nhớ rồi!”.

Vua bắt đưa hai con ngựa của hai Lạc Hầu cho Vua và Yển cỡi về. Lại lấy một con khác chở xác con gấu. Vậy nên bọn Lạc Hầu đành phải đi bộ. Họ vừa thất thểu đi theo sau vừa tức. Sao gấu không vật chết hai thằng đi ngựa cho rồi… để chúng tao khỏi khổ thế này.

Tức thì tức vậy nhưng chỉ lẩm bẩm trong mồm chứ chẳng ai dám ho he…

(Kỳ sau đăng tiếp)
Ghi chú:
1. bộ Văn Lang: thuộc Phú Thọ
2. bộ Gia Ninh: thuộc Phú Thọ
3. bộ Tân Xương: thuộc Vĩnh Phúc
4. bộ Giao Chỉ: tương đương miền Hà Nội ngày nay và miền hữu ngạn sông Hồng
5. bộ Vũ Ninh: tương đương Bắc Ninh, Hải Dương ngày nay
6. bộ Ninh Hải: tương đương miền nam Khâm Châu-Quảng Tây (Trung Quốc)
7. bộ Thang Tuyền: tương đương nam Ung Châu-Quảng Tây (Trung Quốc)
8. bộ Lục Hải: tương đương Quảng Ninh
9. bộ Cửu Chân: một phần Thanh Hóa ngày nay.
10. bộ Quân Ninh: các huyên bắc Thanh Hóa và Ninh Bình.
11. bộ Hoài Hoan: tương đương vùng bắc Nghệ An (tức Diễn Châu đời nhà Đường)
12. bộ Cửu Đức: tương đương nam Nghệ An và bắc Hà Tĩnh (tức Hoan Châu đời nhà Đường)
13. bộ Việt Thường: thuộc Hà Tĩnh
14. bộ Nhật Nam: nam Hoành Sơn (Hà Tĩnh)
15. bộ Bình Văn: không rõ.

...

1 nhận xét:

  1. Chời chời.Lính tinh tướng đấy
    Xéo một phát bài bản phết !
    Cứ...hồi sau xẽ rõ !

    Trả lờiXóa