Xương cốt biển nén vào trang viết, dốc tuột mình chưa cạn nỗi đau... Sóng Văn vỗ trắng trên đầu! (Nguyễn Thế Kiên)
Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011
CHÈ ĐỖ THẢ SƯƠNG
Nhãn:
Tản văn
Đã sang tháng tám âm lịch, thấy sương giăng giăng từ chập tối. Đến sáng vẫn sương ấy mờ mờ...
Trời đêm hơi lạnh và ẩm. Chuyển mùa đâm ra khó ngủ. Chơi vơi trong đêm, nhìn bóng đèn đường đỏ quạch nhòa nhòa trong sương.
Ngày còn bé, chả mấy khi để ý đến sương thu. Nhưng mong có sương để được ăn món chè đỗ đen thả sương mẹ nấu...
Tháng tám trời vẫn nắng. “Tháng tám nắng rám quả bòng”. Đi học về, con vục cái gáo dừa vào chum nước mưa, uống một hơi cho đã khát. Đã cơn khát, vội chạy vào nhà bưng bát cơm khoai ăn ngấu nghiến, mồ hôi chảy ròng ròng. Mẹ bảo số thằng này vất vả, đến ăn uống còn đổ mồ hôi!
Qua một ngày tất tả đi bộ mấy cây số đến trường, về nhà hùng hục thực hiện nghĩa vụ vớt bèo nấu cám lợn, tối lo hoàn thành các bài tập... Rồi cũng xong... thở phào. Ngủ một giấc cho tới sáng mà chẳng hề mộng mị. Tỉnh giấc bắt đầu một ngày với cái quy trình không thay đổi. Chẳng biết mùa thu, chẳng biết sương thu...
Chỉ đến một buổi sáng, khi tỉnh giấc mẹ bảo đi rửa mặt rồi mấy anh em ăn chè còn đi học. Nhìn ngoài sân thấy có cái rổ úp.
Ra lật cái rổ, một nồi chè đỗ đen. Mấy anh em cùng reo lên, tranh nhau bê vào. Anh cả được cái vinh dự ấy. Chỉ mươi bước chân mà rón rén. Lũ em căng thẳng nhìn theo, sợ thằng anh đánh đổ nồi chè. Mẹ múc chia đều cho mấy anh em mỗi đứa một bát con.
Nhận phần mình từ tay mẹ, mấy anh em giăng hàng trên hè đất ngồi ăn chè.
Thìa đầu tiên đưa lên môi cảm nhận vị ngọt thanh. Chao ôi, ngọt từ đầu lưỡi đến cổ họng. Muốn giữ mãi vị ngọt trong khoang miệng cho bõ thèm. Hàng mấy tháng mới được ăn chè, mới được thưởng thức vị ngọt, mới tìm lại được cái vị đậm đà tưởng đã quên.
Nhận được vị ngọt từ đầu lưỡi rồi mới nhìn vào bát chè đỗ đen. Lưng bát nước nâu huyền sóng sánh, hình như vị ngọt có được là nhờ cái màu nước nâu huyền ấy. Húp thêm vài thìa, nghiêng bát một tý thấy những hạt đỗ đen- không nhiều lắm. Những hạt đỗ ninh nhừ như những quả cật lợn tý hon đã bung lớp vỏ, khúc giữa có những vệt nhỏ xíu như vết khắc của người thợ kim hoàn khéo léo cắt lên ngang thân. Những hạt đỗ đen bùi tan trong miệng.
Ngọt bùi và mát...
Cái cảm giác mát ấy như thoang thoảng mùi tinh dầu chuối nhưng nhẹ hơn, êm ái hơn. Mát hơi lạnh lạnh. Chỉ hơi lạnh một tý thôi cũng đủ cho vị ngọt của nước trở nên thanh hơn, vị bùi của đỗ như ngậy hơn, hạt đỗ cũng như nhừ tơi trong miệng. Miếng chè trôi xuống thực quản nhưng cảm giác mát vẫn giữ được vị ngọt bùi của chè trên đầu lưỡi và cả trong miệng.
Cảm giác man mát ấy chầm chậm lan tỏa trong người, hình như có thể biết nó đang từ từ trôi dần, trôi dần đến từng xăng ty mét, tưởng như nguồn nước mát tưới dần vào trong cơ thể. Sảng khoái đến nao lòng.
Cái mát thanh ấy là bởi sương thu.
Trong đêm, lúc tôi học bài xong thì mẹ vẫn lụi hụi dưới bếp. Bây giờ mới hình dung lúc ấy mẹ vo đỗ đen rồi đổ nước vào nấu chè. Khi nồi chè sôi một lúc, mẹ vùi vào tro nóng. Lúc ấy bọn tôi đã đi ngủ. Mẹ ngồi bệt, đầu gục xuống vòng tay trên đầu gối, nhẫn nại chờ trong bóng đêm yên ả. Chờ khoảng một tiếng đồng hồ. Ướm chừng đậu nhừ, mẹ bắc ra đun sôi lại và thêm vào lưng bát nước lạnh. Mẹ bảo chè đang sôi khi đổ nước lạnh vào thì hạt đậu sẽ nhừ hơn. Và mẹ cho đường cát khuấy đều. Lúc ấy chỉ là đường cát nấu chế biến thủ công từ mía chứ làm gì có đường kính. Để cho vị ngọt thêm đằm, mẹ búng vào nồi chè vài hạt muối...
Nửa đêm sương thu xuống đầy. Mẹ đưa nồi chè ra sân, mở vung, rồi úp lại bằng cái rổ... Những hạt sương li ti mang cái lạnh, cái trong trẻo của đất trời và mang cả hương cau, hương chuối trong vườn... từng hạt, từng hạt lọt qua kẽ rổ ướp hương cho nồi chè mẹ nấu. Để sáng mai này chúng con có bát chè thơm ngậm những hạt sương thu.
Để rồi con có thói quen đợi sương thu mỗi khi tháng Tám.
Bây giờ thì khác rồi. Đỗ đen cho vào nồi áp suất. Đun mười năm phút là nhừ tơi. Cho đường kính, thêm vài giọt tinh dầu chuối, lấy nước đá tủ lạnh thả vào. Vậy là có chè đỗ đen. Cũng ngọt, cũng thơm và lạnh.
Nhưng mùi tinh dầu thơm xộc thẳng lên mũi vừa thô thiển vừa dị hợm. Vị ngọt sắc của đường kính thiếu đi cái thanh thanh nhẹ nhàng. Hạt đỗ nhừ tơi nhưng hình như kém đi cái vị bùi, không còn độ ngậy...
Và tôi sợ cái lạnh của nước đá trong bát chè. Nó làm hàm răng tôi tê buốt. Cái tê buốt lan tới tận đỉnh đầu.
Lại nhớ về ngày xưa, bưng bát chè đỗ thả sương từ tay mẹ nấu.
Ngoài kia, sương xuống dày. Ngọn đèn đường đỏ quạch nhòa hẳn trong sương lạnh.
Trên bàn thờ, tấm hình mẹ lãng đãng khói hương...
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét