(Tiếp theo và hết)
Hai đứa nép vào nhau chả hiểu người ta đang bàn chuyện gì. Bây giờ chúng chỉ mong cho xe dừng lại để về với bố mẹ. Rồi chiếc xe cũng dừng lại. Hai chị em vội ra khỏi xe. Đây là đâu thế nhỉ? Bên phải chúng là một cái ao rộng mênh mông nhìn mù mịt những nước là nước, những con sóng đầu bạc trắng, to vật vã, cuồn cuộn đuổi nhau lao vào bờ… Còn bên trái san sát những nhà là nhà. Chúng nhìn vào nhà có gắn biển “Gió Lộng” ngay đấy: Bốn ông chễm chệ ngồi trước bàn ngồn ngộn thức ăn. Mấy cô đánh phấn tô môi như văn công nhưng lại mặc quần ngắn tũn hở đùi, áo cộc ngủn hở rốn, lại còn… Khiếp! Đàn bà mà dám ôm cổ đàn ông. Cái ông lúc nãy ngồi đằng trước hai tay bưng cốc lễ phép: Chúc mừng Thủ trưởng! Công trình này anh em mình vẫn thắng. Sinh dữ tử lành…
Mấy cái cốc chạm vào nhau canh cách, rồi tiếng ông a lô: Mà lại một đôi mới hay chứ. Gái gặp hai- trai gặp một! Nhẹ vía lắm! Sau công trình này ta còn thắng nhiều vụ nữa!
Nó giật mình vì tiếng cười ùng ục… ùng ục, người lớn vẫn bảo là cười như cá trê rúc mả, thì ra ông đầu trọc đang cười: Hay…hay! Sinh dữ tử lành. Gái hai, trai một…Nhẹ vía! Tuyệt! Hai thằng này nói đúng. Vậy thì mấy chục triệu đáng đếch gì. Bằng… bằng con tép. Coi như làm từ thiện…
Thủ trưởng sáng suốt! Há há… hố hố…ùng ục… Những cái mồm ngoác ra, những hàm răng nhọn hoắt, môi mép sủi bọt bia trắng xóa như bọt ở mõm con lợn sề nhà nó lúc động đực … Kinh quá!
Hai đứa bé đứng dúm vào nhau. Ở nhà nó mọi người đang khóc, còn ở đây người ta đang cười. Con em bấu vào tay con chị: Về thôi! Em ứ ở đây nữa đâu. Sợ lắm! Cả hai đứa muốn về ngay nhà với mẹ.
Lại nghe văng vẳng…
Hồn đang nhờ gửi tha hương
Gió trăng hiu hắt khói hương lạnh lùng
Hồn đang lúc vào sông ra bể
Kiếp mỏng manh… chiều xế, gió đông
Về đi… dông tố bão bùng...*
Thoắt một cái chúng lại ở trên ngọn cau trước nhà. Vậy mình đang ở trên trời. Trời còn cao bao nhiêu nữa nó không biết, nhưng nó biết chắc chắn mình không ở trên mặt đất như mọi người… Lạnh quá! Nó cần được mẹ ủ ấm. Nhưng không sao xuống được. Nó nhìn ra xa: Ở ngoài nghĩa địa, hai cái hòm gỗ đã được đưa xuống hai cái hố cạnh nhau. Mọi người đang lấp đất. Nó nghe rõ tiếng đất rơi đập vào nắp hòm lịch bịch, lịch bịch khô khốc. Hai đứa ôm nhau nức nở. Chúng gào lên: Mẹ ơi! Bố ơi! Ông ơi! Bà ơi!... Nhưng không ai nghe thấy. Chỉ có tiếng mẹ nó khàn khàn vọng lên: Ối giời cao đất dầy ơi! Sao ác thế.
*
* *
Cốc... cốc... cốc...
Hai đứa bé tuyệt vọng nhìn những cái tàu lá cau đang vật vã dưới chân chúng. Trong nhòe nhoẹt nước mắt, chúng muốn những tàu lá cau như những cái lược hãy cố vuốt chải mái tóc xổ tung rối bời của mẹ … Nhưng những tàu lá cau cứ vật vã liên hồi như những lưỡi liềm đầy răng cưa nhọn sắc đang cứa vào mái đầu của người mẹ tuyệt vọng … Mỗi lần chị em chúng gào lên “Mẹ ơi” thì lại càng bị đẩy ra xa hơn khỏi mái nhà thân thương. Giọt tiếng gọi “Mẹ ơi” vô thanh rơi xuống, lặn dần, lặn dần vào lòng đất thăm thẳm; thân thể vô hình nhẹ như sương từ từ loãng ra, càng lúc càng xa và dần dần tan biến vào vô tận…
(*) Theo “ Văn tế thập loại chúng sinh”
Chào Bác, lần đầu tiên vào trang của Bác, đọc suốt buổi chiều & buổi tối. Đến cuối truyện này mới viết vài dòng. Cảm giác chung: hay và đau. Đau vì cái thực tế ấu trĩ ngày xưa và hệ lụy của nó đến ngày nay. Chỉ chưa đọc được gì về giai đoạn CCRĐ mà bác từng được chứng kiến. Tôi là lớp hậu sinh, ít có thông tin về giai đoạn này. Kính chúc bác sức khỏe, bình an !
Trả lờiXóa