Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

CHUYỆN ĐI BẦU CỬ

ớ có chú em út năm nay hắn gần năm mươi tuổi rồi. Nói như vậy để tính ngược lại cách đây khoảng non ba chục năm thì hắn mới khoảng hơn hai mươi tuổi.

Thiệt thòi cho hắn khi tuổi vừa 18 thì đi bộ đội, ba năm quân ngũ lại không có cuộc bầu cử nào. Thành ra hắn băn khoăn mình đã trưởng thành, đã thực hiện trách nhiệm công dân đi bảo vệ Tổ quốc nhưng lại chưa được hưởng quyền lợi của công dân: đó là cầm lá phiếu bầu người đại diện cho mình.

Ra quân, hắn về làm công nhân cho một công ty nhà nước với chức năng cung ứng vật tư.

Năm ấy có cuộc bầu cử. Đâu như năm 1988 thì phải (có thể cộng trừ 1 đến 2 năm vì các nhiệm kỳ bầu cử của nhà nước ta thay đổi đang bốn năm lại chuyển thành năm năm và còn có cả nhiệm kỳ kéo dài hơn 5 năm nên tớ nhớ không rõ, thôi cứ áng chừng vậy, quan trọng là cái chuyện tớ kể sau đây cơ)

Lần đầu tiên chú em được thực hiện quyền bầu cử của công dân, hắn khoái lắm. Thẻ cử tri nhận về cất trong ví, thỉnh thoảng lại bỏ ra ngắm. Rồi hắn trịnh trọng tuyên bố với cả nhà: Lần đầu tiên trong đời được đi bầu cử, dứt khoát không nhờ ai bầu thay! (Chả là quê tớ thường linh động một người đi bầu thay cho cả nhà- cũng chả ai thắc mắc gì sất)

Ông bố tớ lúc bấy giờ đang làm cán bộ huyện nghe hắn nói vậy thì khen: thằng này ý thức tốt. (Đây là lời khen hiếm hoi đối với hắn vì hắn là út trong nhà, tính lại hơi ngang nên thường bị bố mắng, nhiều khi còn cho ăn đòn)

Đúng hôm bầu cử, năm giờ sáng hắn phải đi nhận hàng tại TP Nam Định (cách nhà bốn mươi cây số). Trước khi đi hắn còn dặn đến gần trưa sẽ về, hắn sẽ vào ngay địa điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền lợi công dân. Cả nhà yên tâm.

Lấy được hàng, hắn đi thuê xe. (Ngày ấy thuê phương tiện rất khó) Đôn đáo chạy hết chỗ này đến chỗ khác, chỗ nào người ta cũng bận đi bầu cử nên phải đến trưa mới thuê được một cái xe ghẻ để đưa hàng về.

Cái xe ậm ạch chạy về đến Cổ Lễ thì giở chứng, không chạy được nữa. Lại phải chạy đôn chạy đáo đi thuê xe khác. Chuyển hàng sang xe mất thêm vài tiếng đồng hồ. Về đến công ty, bốc hàng nhập kho xong đã hơn năm giờ chiều.

Xong việc hắn cuống cuồng đạp xe về đến địa điểm bầu cử mới gần 6 giờ chiều. Yên tâm vẫn còn kịp vì đến 19 giờ mới kết thúc bỏ phiếu.

Nhưng chỗ hắn đến làm nghĩa vụ công dân thấy trống trơn chả có gì. Hỏi ra hắn mới biết việc bỏ phiếu đã hoàn tất.

Hắn đi tìm ông tổ trưởng bầu cử, ông này bảo đã bầu xong rồi, phiếu kiểm xong rồi. Hắn bảo tôi đã bầu đâu mà xong!

Ông Tổ trưởng bảo: bảo xong là xong, danh sách cử tri tất cả đã đánh dấu gọng vó rõ rành rành lại còn cãi cố!

Hắn trịnh trọng chìa cái thẻ cử tri ra bảo nếu tôi bầu rồi thì phải đóng dấu vào thẻ chứ?

Ông Tổ trưởng tức quá bảo cái thằng này cùn! Mày định phá hoại cuộc bầu cử phải không. Tao đã bảo xong là xong!

Ông vỗ trán một lúc mới nhớ ra. Thì ra đợi đến trưa vẫn còn danh sách thằng em tớ chưa đi bầu, mấy ông đã cáu lắm vì như vậy làm chậm tiến trình cả tổ bầu cử, mất điểm thi đua. May làm sao bà mẹ tớ đi chợ về qua, các ông gọi vào bảo bà bầu giúp hắn cho xong đi. Hắn lại từ cơ quan về thẳng đây, chưa về nhà nên không biết.

Không biết cũng là có tội! Ông Tổ trưởng báo cáo lên xã. Xã báo cáo lên huyện. Huyện kết luận thằng em tớ cố tình dây dưa thời gian, lại còn đến tổ bầu cử gây mất trật tự, rõ ràng có ý định phá hoại cuộc bầu cử.

Ông Phó Bí thư Huyện ủy gọi bố tớ lên khiển trách.

Mấy tháng sau bố tớ được về hưu trước tuổi.

Thằng em tớ cũng được thôi việc trong thời gian đó.

Rút kinh nghiệm từ đấy trở đi lần bầu cử nào nhà tớ cũng cử một người cầm toàn bộ thẻ cử tri ra địa điểm bầu cử dự lễ khai mạc rồi ngồi tại chỗ đợi mọi người trong gia đình ai đến thì đưa thẻ cho vào bầu. Độ nửa giờ lại chạy vào xem danh sách kiểm tra những người nào trong nhà chưa có dấu gọng vó có khớp với số thẻ còn trên tay hay không để chạy về nhà đốc thúc. Nếu ai đến quá chậm thì tùy cơ ứng biến nêu lên lý do để nói với Tổ Bầu cử cho bầu thay.

Riêng thằng em út thì cho đến giờ vẫn chưa lần nào được hưởng trực tiếp quyền lợi bầu cử vì… hắn có tật ngủ dậy muộn!

Còn lần này thì hắn đang làm thợ xây ở tận nước Nga…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét