Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

LẠI CẢI CÁCH GIÁO DỤC- KÍNH CỤ - CÒN BAO NHIÊU LẦN NỮA? (KÌ 2)

Cải cách Giáo dục lần hai từ năm 2001-2002 có vẻ quy mô hơn hoành tráng hơn nhưng khủng khiếp hơn. Khủng khiếp trước hết là nghe các cụ cấp cao tít trên giời cãi nhau ỏm tỏi. Chả biết cãi nhau về cái gì mà một cụ Giáo sư Vụ trưởng tức quá đã xin từ chức. Một sự lạ trong giới quan chức Việt Nam ta vốn chỉ có lên mà không có xuống. Nhưng cải cách Giáo dục vẫn được tiến hành mở đầu bằng việc lớp một bắt đầu bằng chữ E chứ không phải O,A như ngày xưa. Thành phố thì chả sao vì ở đấy trẻ con mẫu giáo đã thuộc lòng chữ cái, ghép vần, đọc báo rau ráu. Chả vậy mà có cả những lò luyện thi vào... lớp một(!). Còn ở nông thôn thì mọi sự vất vả đổ lên đầu giáo viên. Kết quả nhiều giáo viên bị phụ huynh chửi cho là ngu mà chả biết than thở cùng ai.

Nghe các cụ trình bày nội dung thấy khoa học lắm. Giáo viên phấn khởi lắm nhưng thực tế lại không phải như vậy. Vì để theo kịp khoa học thế giới và để đào tạo con người phát triển toàn diện thì chương trình phải nâng cao nhưng... thời lượng không được nâng lên. Thằng học sinh Trung học cơ sở phải gánh 13 bộ môn chưa kể tự chọn và học nghề. Thập toàn đại bổ! Và như vậy thì các bộ môn cơ bản từ năm, sáu tiết trên tuần nay chỉ còn bốn tiết. Cũng mừng vì đã bớt hàn lâm một chút nhưng kiến thức nặng nề lên, kiến thức cấp ba ngày xưa được đưa về cho cấp 2, thời gian ít đi thành thử vắt chân cổ mà theo chương trình nên cái gì cũng chàng màng. Vậy nên học trò lo, phụ huynh lo, nên phải học thêm, học ngoài trường. Dư luận gào lên tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Các cấp hoảng hốt trước dư luận đến nỗi có nơi cử cả công an nội chính vào cuộc theo dõi giáo viên có dạy thêm hay không cứ như theo dõi tội phạm hình sự. Kết quả ở nông thôn việc này tạm yên vì nhà trường và giáo viên bảo mình bỏ sức ra dạy thu vài đồng bạc bọt bèo cốt là đẩy chất lượng lên chứ có ăn cắp ăn trộm tham nhũng gì đâu mà bắt bớ theo dõi. Hiện nay vùng mình có phân công dạy thêm, dạy phụ đạo cũng chẳng có giáo viên nào chịu làm vì người ta bảo vắt kiệt hơi sức, phát ho hen cả buổi mà thù lao không bằng người phu hồ, lại còn bị săm soi đe nẹt. Làm việc khác khỏe người mà lại đàng hoàng thu nhập cao hơn. Đấy là nói ở nông thôn chứ còn ở thành phố có giời mà cấm được!

Chương trình Hình học THCS hệ tiên đề cũ không được sử dụng mà thay bằng hệ tiên đề mới kéo theo những phức tạp mới. Giáo viên lẫn lộn linh tinh…việc cầm đèn chạy trước ô tô xảy ra thường xuyên. Đã thế việc soạn bài lại rất vớ vẩn. Vớ vẩn bởi vì cái anh internet. Tự dưng lòi ra cái anh thư viện giáo án. Thế là lấy ra thoải mái hoặc coppy của bạn. Nếu bảo kiểm tra giáo án chỉ việc đút cái USB vào máy là tuôn ra hàng tệp giáo án rất chỉn chu. Không hiếm trường hợp người có giáo án vi tính lại chưa bao giờ sờ đến máy tính. Nực cười như vậy nhưng cũng rất khó bắt bẻ. Chương trình vừa mới vừa nặng lại không soạn thì làm sao dậy tốt được.

Bây giờ mình mới nói đến bộ môn văn. Nghe nói nội dung thì hay lắm. Nhưng một truyện ngắn dài dằng dặc chỉ dạy trong một tiết. Giáo viên gọi học sinh đứng lên đọc văn bản, nó ngắc ngứ một tý thì ngay cả việc đọc văn bản cũng không thể đủ thời gian. Vậy là giáo án cháy đùng đùng. Bù lại vào lúc nào khi chương trình là pháp lệnh? Chuyện dạy đọc chép là khó tránh khỏi. Các cụ ở trên có biết cho cái nỗi khổ ấy đâu. Chỉ mạnh mồm phê phán. Chỉ béo mấy ông thấy tình hình vậy bèn ra sách bài tập, bán sách ôn tập, bán sách các kiến thức cơ bản, học văn như thế nào cho tốt… toàn là đưa các bài mẫu chứ chưa một cuốn sách nào dạy cho học sinh cách học văn cho tốt. Mình dám đảm bảo trăm phần trăm như vậy, ai không tin cứ ra hiệu sách mà thử xem các sách “để học tốt bộ môn văn lớp…”

Chưa hết các cụ bảo dạy văn học phải giữ bản sắc dân tộc nhưng rặt chữ Hán đến nỗi một số cụ Giáo sư nổi tiếng đã đề nghị cần phải đưa chữ Hán vào dạy cho học sinh THCS. Một bài thơ có bốn câu mà thầy trò đánh vật với nhau đến cả một tiết học. Đầu tiên phải biết tác giả là ai tên khai sinh là gì sinh năm nào, ở đâu, đã viết bao nhiêu quyển sách, làm bao nhiêu bài thơ, thơ của cụ có nội dung tư tưởng gì… có nghĩa là phải thẩm tra đầy đủ lí lịch. Sau đó là bài thơ có hoàn cảnh sáng tác vào năm nào đất nước lúc ấy như thế nào, tác dụng gì, tác phẩm ở trong quyển nào… bằng ấy thứ trong dăm phút phải nhét vào được cái đầu thằng trẻ con chưa đầy mười ba tuổi thì không mụ mị mới là sự lạ. Rồi đọc phiên âm: kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên… sau đó giải nghĩa: Kim dạ là gì? Đêm nay ạ! Nguyên tiêu là gì? Rằm tháng giêng ạ! Nguyệt chính viên là gì?... Thực ra là đọc giải nghĩa trong Sách Giáo khoa chứ ngay người dạy cũng chẳng biết là gì, vì có học chữ Hán đâu mà biết. Giải nghĩa một thôi một hồi và tự dưng vọt ra câu: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi”. Nào ai đã thấy “lồng lộng” nó nằm ở chỗ nào mà bảo nó cảm, nó hiểu. Bí quá đành bịa ra thế nào là dịch thơ, thế nào là ý tại ngôn ngoại… rất vớ vẩn. Thơ Đỗ Phủ, Lý Bạch cũng vậy… Mà bắt thằng trẻ con bắt mũi chưa sạch học thơ Đường luật dịch sang… lục bát thì nó bảo: chả hay, thua ca dao. Đỗ Phủ Lí Bạch thua ông bà nông dân nhà ta(!)

Thằng bé mười một mười hai tuổi mới lớp bảy thò lò mũi xanh đã biết gì về cái sự yêu đương và nỗi nhớ nhung chờ đợi trong tình cảm vợ chồng mà đã được được các cụ cho học Chinh phụ ngâm. “Trống Trường thành lung lay bóng nguyệt, khói Cam tuyền mờ mịt thức mây” thì ngớ ra, rồi có đứa còn hỏi “Cô Thiếp là cô nào? Mà làm sao cô ấy phải đi về buôn chuối?” Ấy là vì nó đọc chưa thạo, lại không biết cái từ thiếp nên hỏi thế… sau khi đọc “Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn” thành "Thiếp thì về buôn cả chuối chanh". Có lẽ soạn chương trình để sướng các cụ là được rồi, chả để ý gì đến tâm lí lứa tuổi của đối tượng mà các cụ ban cho.

Các môn học cạnh tranh nhau như chạy đua giành giải thể thao. Mạnh cụ nào cụ ấy chạy, rồi nhét vào chương trình. Vật lí lớp 9 mới dạy Từ trường dòng điện nhưng dạy nghề Điện dân dụng lớp 8 đã học cuốn biến thế(!) Cuối năm lớp 9 mới học hình không gian nhưng Công nghệ đầu năm đã học vẽ kĩ thuật mặt cắt mặt chiếu(!) Lạy cụ! Giáo viên lấy cơ sở nào mà dạy, học sinh nghe giảng như vịt nghe sấm. Nhưng rồi cũng làm được điểm chín điểm mười. Thế mới biết học trò nhà mình nó giỏi. Nhưng đưa cái bảng điện của nó làm cắm vào ổ điện thì cháy khét lẹt. Lạy giời không chết người là vạn phúc!

Vậy cho nên người ta cứ phải chỉnh lí giảm tải liên tục. Năm nào cũng chỉnh lí, cái năm trước bảo là đúng nhưng sang năm sau lại là sai và ngược lại. Giáo viên buộc phải có thói quen nói nước đôi. Còn giảm tải nhiều đến nỗi có ông Sở Giáo dục ra đề thi vào cấp ba vào đúng cái bài bị bỏ đi mặc dù nó có trong SGK. Thí sinh cả một tỉnh ngẩn ngơ cắn bút, về mách với bố mẹ là thi đúng vào cái bài thầy cô không dạy. Kết quả là thầy cô bị phụ huynh cho ăn các thứ bẩn nhất trên đời. Có người còn dọa kiện! Rồi cũng ỉm đi. Cũng mấy ông Chuyên viên Sở ra đề thi khảo sát kì Một chạy quá đà đâm sầm vào nội dung chương trình kì Hai. Học sinh đã học đâu mà thi. Lại một phen thầy trò hoảng tam tinh, phụ huynh lại tiếp tục bêu riếu, tiếp tục tặng thầy cô những của lạ không thể xơi. Kết quả điểm cao chót vót vì phải bỏ bài ấy đi, chia số điểm cho các bài còn lại. Còn nữa, nhiều câu hỏi trắc nghiệm trong sách GK: ví dụ như hãy chọn tên nước ta thời nhà Lí trong các tên sau: Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Việt Nam. Đáp án đưa ra phải chọn Đại Việt. Học sinh nào điền không đúng bị trừ điểm nhưng người ra đề cố tình lờ nước ta có hai triều đại Lí: Lí Bí và Lí Công Uẩn. Thời Lí Bí nước ta tên là Vạn Xuân, Thời Lí Công Uẩn nước ta vẫn là Đại Cồ Việt mãi đến đời vua cháu năm 1054 mới đổi thành Đại Việt. Cái thằng học trò thông minh nhất tự dưng bỗng khóc hu hu điểm kém vì cả gan dám điền tới ba đáp án. Lập lờ như vậy thì tại cụ cải cách, tại người dạy hay tại học sinh?

Hình như cải cách, thay sách là nơi để các cụ tít trên cao phô phang cái sự uyên thâm của mình. Từ trước đến giờ giáo viên vẫn gọi cái bài soạn chuẩn bị cho một tiết học là Giáo án, nay các cụ bắt phải gọi là Thiết kế Giảng dạy, rồi các bước lên lớp thì gọi là Thao tác. Nghe cũng oai thêm một tí nhưng bản chất có khác gì nhau? Rồi tên bài thơ chữ Hán “Tĩnh dạ tư” thành “Tĩnh dạ tứ”, tra từ điển Hán Việt thì Tư với Tứ là hai cách đọc khác nhau nhưng hoàn toàn không khác nghĩa. Truyện Kiều có câu “Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm” tự dưng các cụ đổi thành “Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm” cái từ Vâng nghe ngang phè phè như đấm vào lỗ tai, mà ai Vâng? rồi giải thích làm gì mà có giá cô Kiều cao ngất ngưởng đến bốn trăm lạng vàng, chả nhẽ sau khi nộp quan ba trăm lạng chuộc tội cho cha rồi lại còn vàng gửi tiết kiệm. Mà làm gì có ông quan nào tham đến thế, ăn một phát ba trăm lạng vàng(!)

Thôi mình chả nói đến cái nội dung nữa. Mà có nói thì chả biết bao giờ mới hết!

(Kể cũng hơi dài rồi- kì sau xin kể tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét