Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

CẢI CÁCH GIÁO DỤC- KÍNH CỤ- CÒN BAO NHIÊU LẦN NỮA? (KÌ 3)

Thực ra cải cách giáo dục là nói đến cải cách nội dung và cách thức giải quyết cái nội dung ấy. Nhưng là các phương pháp ở tận tít trên giời. Vì điều kiện không thể đảm bảo cho các phương pháp được khả thi. Rút cục cải cách lần hai trên hô mạnh mồm nhưng dưới không thay đổi được phương thức. Như anh nông dân đang cày bằng cái cày chìa vôi bằng gỗ, cải cách thì cho anh ta cũng cày cái cày chìa vôi nhưng làm bằng… inox. Thế thôi, vẫn là anh nông dân theo đít con trâu. Mà cái cày i nốc đây là thiết bị đồ dùng dạy học. Nếu như viết sách đổi mới nội dung, béo mấy ông vụ viện, các giáo sư khả kính và các vị viết sách ăn theo kiểu sách “bài tập” và sách “Để học cho tốt bộ môn…”; thì khoản thiết bị đồ dùng dạy học chắc chắn là miếng mồi béo bở của các vị quản lí ngành. Bởi khoản đầu tư này không phải là nhỏ: sáu bảy chục triệu với mỗi trường cấp THCS. Nếu cứ tính chia chác theo tỷ lệ đầu tư thông thường ở nước ta thì chắc bên A (Quản lí từ cấp Sở trở lên- vì Sở GD cấp thiết bị xuống tận nhà trường) cũng được khoản kha khá.

Nhưng cái cày trông bên ngoài là inox thực ra chỉ là đất sét mạ inox, nó không cày được ruộng. Chỉ khổ cho anh giáo viên. Giá đừng có thiết bị thì còn dễ, vì nói mồm dẫu không được kiểm chứng thì cũng có được chức năng thông báo. Còn dùng đồ dùng dạy học các cụ cấp cho thì phản kiến thức. Bởi nhiệt kế cho thấy nước sôi ở 80 độ C trong điều kiện áp suất bình thường. Ắc tô mát ghi rõ 250 vôn nhưng có lẽ là ắc tô mát của đường dây tải điện 500 kilo von vì thầy trò thí nghiệm cho dòng điện 220 vôn đoản mạch mà ắc tô mát vẫn lì ra không thèm động cựa. Học sinh cấp 2 còn lạ gì con gà, con lợn nhưng cũng có mô hình. Giáo viên phải nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, luôn mồm nhắc học sinh đừng có mà động đến… kẻo có ngày đền oan vì gà lợn rất dễ gãy chân bởi nó được làm bằng đất sét nung dơ dở rồi sơn trắng toát... Khiếp nhất là mô hình bộ xương người được để trong hộp bằng cái quan tài be bé. Lúc dạy phải lôi ra, treo lên một cái giá, trông như bộ xương của thằng trẻ con bị treo cổ. Chân tay thõng thượt, rũ rù rù vì các đốt xương được ngoặc với nhau bằng cái móc dây thép… Chỉ được cái tranh vẽ thì nhiều vô kể, xếp chồng lên nhau thì cũng phải dày đến nửa mét. Còn giáo viên chẳng ai dám làm thí nghiệm với các ống nghiệm thủy tinh. Nếu để thí nghiệm thành công thì cách tốt nhất là mang thêm một ít đất deo dẻo để trát miệng bình vì chả cái nút nào vừa miệng ống… Nhiều giáo viên khóc dở mếu dở, tự dưng thầy giáo trở thành anh bốc phét vì thí nghiệm kiểm chứng có đúng đâu. Kết quả: của đống tiền đành xếp xó chứ động vào thì phức tạp. Nhưng cũng không lo mất mát vì chả ai lấy những thứ ấy làm gì mà thực ra cũng chẳng làm được gì...

Để đảm bảo giáo dục toàn diện theo đúng mục tiêu nên phải dạy đủ các bộ môn theo yêu cầu. Nhưng lại thiếu giáo viên nhất là các bộ môn Nhạc, họa, thể dục, giáo dục công dân và Ngoại ngữ, tin học… mỗi trường ở quê mình ít nhất thiếu một môn nữa hoặc địa, hoặc hóa, hoặc sử…Vậy nên sinh ra dạy chéo; tức là dạy cái mà anh không được học hoặc có được học thì cũng chàng màng. Giáo viên Toán phải dạy thêm môn Thể dục, giáo viên Sinh dạy thêm môn Hóa… từa tựa như thời bao cấp vào hàng mậu dịch ăn một bát phở phải mua kèm thêm một cốc xi rô. Có cô giáo dạy tiếng Anh phải dạy chéo thêm môn Nhạc. Dạy hát cứ như dạy từ mới: “Trèo lên… hai ba” học sinh đồng thanh hát “Trèo lên”; “Hát lại lần nữa: Trèo lên… hai ba” bọn trẻ gào “trèo lên…” Rồi cứ trông thấy cô giáo là bọn trẻ lại gào toáng “Trèo lên…” Cô giáo ngượng chín mặt vì khổ nỗi cô sở hữu bộ ngực khá đồ sộ. Giáo viên khác chứng kiến mà cười dở mếu dở…

Mình đồ chừng nước mình nhất thế giới về số lượng các cuộc “Thi đua lập thành tích kỉ niệm ngày…” và các cuộc vận động (ở đây không nói vận động quyên góp từ thiện). Nếu có sau thì chắc chỉ sau Trung quốc với Bắc Hàn. Các cụ Giáo dục lại đặt nhiều cuộc vận động nhất ở nước ta. Ngay bây giờ mỗi giáo viên cũng đang gánh tới dăm sáu cuộc vận động: nào là Dân chủ- kỉ cương- tình thương- trách nhiệm; nào là Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức tự học tự bồi dưỡng; nào là Hai không (hai nội dung rồi bốn nội dung); nào là Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực; rồi Học tập và làm theo tấm gương Đạo đức…; nào là… Chưa kể nếu anh tham gia đoàn thể nào thì phải gánh thêm vài cuộc vận động nữa của đoàn thể ấy. Đồng lương thì bèo bọt, do lạm phát chỉ còn chưa đầy nửa giá trị trong vòng dăm năm mà gánh tới hơn chục cuộc vận động. Thế mới biết các cụ ngồi trên bận rộn, chỉ để nghĩ ra các cuộc vận động cũng đã tối tăm mặt mũi rồi. Đã có cuộc vận động lại phải có Ban chỉ đạo từ TW tới địa phương, phải có kinh phí cho cuộc vận động (chí ít cũng phải đủ để họp ban chỉ đạo các cấp, ra chương trình và triển khai lần lượt cuộc vận động đến cơ sở, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết báo cáo, công văn lên xuống…) Cộng tất rĩ thang thang cả nước chắc chắn cũng chẳng dưới chục tỷ đồng.

Đã là vận động có nghĩa là ai thích thì làm, ai không thích thì thôi. Vậy mới nảy ra cái chuyện anh nào tích cực thì anh ấy chết trước. Đi trước ăn loạt đạn đầu mà! Ngay như hồi năm 2006-2007, thấy cuộc vận động Hai không được Bộ trưởng gân cốt mạnh mẽ ăn to nói nhớn, báo đài ca ngợi như là một sự kiện khởi sắc nền Giáo dục nước nhà. Mình hăng hái làm liền. Kết quả hết sức ngoạn mục: mất toi cái Chiến sĩ Thi đua năm ấy, đồng nghiệp bạn bè và cấp trên nhìn như mình là người trên sao Hỏa mới xuống trái đất, học sinh thì chửi rầm lên lão già “sát thủ”. Những anh khác "vưỡn kiểu cũ mà làm" thì thành tích ngời ngời. Thật chả dại nào giống cái dại nào!

Đời người có dài lắm đâu. Ngành Lính vài lần “Dũng sĩ”, ngành Giáo những hai lần là kẻ bất nhân: Lần cải cách trước là “hung thần”, lần cải cách sau là “sát thủ”. Sắc sắc không không, theo đạo Phật, ngẫm ra bản thân mình nhiều tội quá.

Kính các cụ!

Cải cách là cần thiết! Chỉ có điều các cụ hãy tính cho kỹ. Bởi bao nhiêu hệ lụy kéo theo. Hôm nay tôi ngồi viết dòng này mà buồn. Buồn vì cái nhẽ nhập nhòa giá trị khoa học với cái phô phang cá nhân; Đừng vì lợi, danh cá nhân kèm theo mà lấy con trẻ làm thí nghiệm và lấy người trung thành với các cụ làm vật hy sinh.

Còn nữa, nghĩ đã đủ thấu tình đạt lí rồi thì phải xét tới các điều kiện có khả thi không. Nếu không hoặc còn thiếu hãy từng bước làm cho đủ rồi hãy triển khai.

Và điều này tôi muốn thỉnh cầu: Hôm nào có cụ Tiến sĩ nói: Nê Pan và Châu Phi năm năm cải cách một lần. Ta cải cách vậy là còn ít. Lạy Cụ! Người Việt Nam có câu rằng: “Trông lên chẳng bằng ai, trông xuống không ai bằng mình” là có ý nhắc nhở phải trông lên để mà phấn đấu.

Cải cách lần ba, sao không học Mỹ, Pháp, Đức, Nhật…? Xin đừng chụp mũ cho tôi theo tư bản giãy chết, đế quốc sài lang… nhưng con cháu các cụ đều tu nghiệp ở những nước ấy. Đã có Cụ nào đưa con cháu sang Châu Phi hay Nê Pan mà học?

Đừng tự phủ nhận mình! Hãy tổng kết đánh giá thật đúng, thật khách quan 2 lần cải cách vừa qua rồi hãy tính. Không thể làm cái kiểu mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết vừa cảnh báo: vừa lấy vợ xong đã tính chuyện lấy vợ hai. Nghĩ ra Giáo sư Thuyết chỉ hai cái dở: thứ nhất vừa lấy vợ đã phải tính chuyện lấy vợ hai do vợ hư hỏng thì đấy là cái ngu của thằng đàn ông phổi bò không tìm hiểu kĩ mà đã lấy. Thứ hai nếu vợ anh chưa hư hỏng mà lại tính chuyện vợ hai thì anh là cái thằng mất dạy, đa dâm… Cải cách lần một, lần hai cũng chính các Cụ khởi xướng, các Cụ làm đấy chứ có phải Liên Xô hay Mỹ sang làm với các cụ đâu. Có thể tôi bột phát nhưng ít nhất cũng là lời nói thật: hình như chúng ta còn chưa có… chưa có cái nền tảng cơ bản nhất, quan trọng nhất, quyết định nhất… để có một nền giáo dục tiên tiến. Đó là cái gì. Chắc các cụ hiểu hơn ai hết.

Để chúng ta khỏi phải lùng bùng lôi ra kéo vào vấn đề hôm nay: cải cách Giáo dục- liệu còn bao nhiêu lần nữa? Một đất nước nghèo, họa tai luôn rình rập... mà cứ thỉnh thoảng các cụ lại cho nổ đoành một phát tương tự như VINASIN thì dân tình chịu sao cho thấu, thưa các cụ!

1 nhận xét:

  1. Ối, tự nhiên chúng con có thêm một miềm hạnh phúc. Đó là sự may mắn thoát các cuộc cải cách giáo dục "long trời lở đất" này. Dạ ngày xưa đi học, chúng con còn nhớ bài sách tập đọc vẽ tranh cái cây, con trâu và bác nông dân có mỗi câu ca dao mà chúng con đọc leo lẻo "Trâu ơi ta bảo trâu này/Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta" bên dưới có đóng khung học vần "sáo sậu, nấu cháo". Bây giờ con cháu chúng ta bị hành hạ kinh quá vì nhưng mưu đồ phổ cập các loại trong trường học trong khi cái dáng học thì học không ra sao thành ra cái gì cũng như "chuồn chuồn rửa đít".

    Đọc bộ sách giáo khoa xưa của cụ Trần Trọng Kim (chủ biên) như cuốn luân lý giáo khoa thư, Quốc văn giáo khoa thư, Sử địa giáo khoa thư rất ngắn gọn cô đọng, thâm thuý chứ không như sách lá cải bây giờ. Nói như cụ nhà cháu là "rờm" (Nhờ nhiều bài của thầy mà mà con được ôn lại nhiều chữ nghĩa của các cụ đã quá cố, không biết có phải đó là những chữ chỉ dân quê mình dùng không - sợ mai một mất dần đi thì phí quá, ngay như cái tên "cua rận" của thầy độc đắc quá)

    Báo cáo thầy, lớp con em chúng con đi học trên Hà Nội bây giờ cũng lắm chuyện hài. Cấp tiểu học mỗi lớp đến 50-60 cháu nhưng khi nào có đoàn kiểm tra hay dự giờ, hội giảng thì mang đi gửi bớt 1 nửa, mà gửi ở đâu, ở cáp khối nhau mỗi khối, mỗi lớp một ít. Các cháu được (bị) đi gửi được ấn vào một góc và có nhiệm vụ lấy giấy bút ra vẽ (vẽ gì cũng được - để giữ trật tự) cho hết buổi. Có mấy bà mẹ vào mùa thi thố giáo viên (mà thi nhiều lắm) sáng ra con chuẩn bị đi học hỏi "hôm nay lớp có dự giờ không?" (nếu có thì nhiều bà cho ở nhà luôn cho lành vì chả biết nó có bị "mang con bỏ chợ" không). Mà cái vụ mượn học sinh mới kỳ quái. Học sinh thân yêu được trưng dụng để phục vụ đoàn kiểm tra với dự giờ, hội thi được mượn từ các lớp khác mang về thường là lấy lớp chọn để các cô thi thố thành ra con nhà cháu học 1 bài đến 2 -3 lần nhai đi nhai lại (con chị nó ngày xưa chuyên làm lính đánh thuê vì đọc rất tốt nên thường được các cô mượn đi đọc bài tập đọc trong các tiết dự giờ). Khi có kiểm tra, dự giờ hay hội thi nguyên tắc là khi cô hỏi cả lớp phải giơ tay - không biết cung giơ nhiệt tình vì gọi ai là có phân công chuẩn bị nhân sự cả rồi. Bệnh thành tích nặng khủng khiếp. Mở mồn là "thi đua lập thành tích" nghe rùng rợn nói mãi thành cái máy. Có trường ngày mai đại hội Đảng, chiều nay treo khẩu hiệu "thi đua lập thành tích chào mừng đại hội..." đại hội đến đít rồi mà vẫn kịp thi đua để lập thành tích. Vì lắm phong trào với vận động thành ra các cô giáo suốt ngày đi họp với tập trung vào bài giảng thi cấp này cấp nọ, cứ ra bài cho cái cháu tự làm để ổn định trật tự. Mà lạ thật học trò bây giờ toàn được điểm cao. Cháu nào lỡ điểm 7 giở xuống được ô linh động cho mang về nhà bí mật làm lại để gỡ điểm. Một xã hội mà trẻ con bị ảnh hưởng của giả dối, hình thức, người lớn thì tự dối mình và giáo điều giả dối với người khác sẽ là xã hội bịp bợm suy đồi trong tương lai. Mỉa mai thay nó lại là XH "XHCN tươi đẹp".

    Trả lờiXóa